Tỏi khô: Giữ ở nhiệt độ phòng, trong các ngăn chứa mở, cho phép không khí lưu thông. Đừng bóc lớp vỏ bảo vệ tỏi cho đến khi sử dụng. Bạn có thể đồng thời trữ hành, tỏi trong cùng một ngăn
Hành khô: Hành có thể được bảo quản giống như tỏi ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, nên để chúng tránh xa khoai tây, tuyệt đối không trữ trong tủ lạnh, bởi nhiệt độ lạnh và độ ẩm cao sẽ khiến củ hành dễ mọc mầm. Ngoài ra, nên để hành tránh xa ánh sáng để không bị đắng
Khoai tây: Nên trữ khoai ở nơi mát mẻ, tối, nhưng không nên cất tủ lạnh, bởi nhiệt độ thấp có thể khiến tinh bột trong khoai chuyển hóa thành đường, ảnh hưởng tới hương vị. Bạn có thể đựng khoai trong các túi giấy, sau đó cho vào tủ bếp. Nên để khoai tây tránh xa hành, hoa quả như táo vì dễ khiến khoai nảy mầm
Măng tây: Cách bảo quản tốt nhất là cắt khoảng một cm gốc măng tây, sau đó cắm chúng dựng đứng trong một ly ít nước có phủ nilong, rồi đặt vào tủ lạnh. Việc này giúp măng tây tươi 4-5 ngày. Khi lấy ra dùng, bạn nên cắt bỏ một đoạn gốc ngâm trong nước
Cà rốt: Trước tiên, cần cắt cụt phần cuống xanh, bởi chúng có có thể ngốn hết hơi ẩm và khiến cà rốt nhanh héo. Sau khi cắt cuống, bạn cho vào túi zip, cất ngăn mát tủ lạnh
Dưa chuột: Dưa chuột không thích hợp với nhiệt độ thấp. Ở nhiệt độ dưới 10 độ C, chúng sẽ hỏng nhanh hơn. Không nên để dưa chuột trong tủ lạnh quá 3 ngày. Ngoài ra, loại quả này còn nhạy cảm với khí ethylene, vậy nên cần để xa chuối, khoai tây... là tốt nhất
Cần tây: Bạn có thể gói cần tây trong các lá nhôm thiếc mỏng. Sau mỗi lần sử dụng, bạn lại gói phần thừa y như vậy
Cà chua: Nên trữ các quả cà chua đã chín, có cuống vào tủ lạnh. Tuy nhiên, nên bọc quả bằng giấy báo nếu muốn chúng tươi lâu hơn. Tránh để tiếp xúc với không khí lạnh trực tiếp, chúng sẽ nhăn da và giảm tươi ngon
Chuối: Cắt rời từng quả khỏi nải, sau đó bọc bằng màng bọc thực phẩm. Cách này sẽ giúp làm giảm sự thoát khí ethylene, khiến hoa quả chín chậm hơn
Trái bơ: Đối với trái bơ, bạn hãy bảo quản ở nhiệt độ phòng cho tới khi trái chín và mềm, sau đó cho vào túi nhựa và bảo quản trong tủ lạnh từ 3 – 5 ngày. Đối với bơ đã cắt miếng, hãy giữ chúng trong bao bì nhựa để không bị oxy hóa (bị chuyển sang màu nâu). Đối với bơ đã dầm, sử dụng màng bọc thực phẩm dán kín và để trong tủ lạnh
Nho: Bình thường, nơi bảo quản nho tốt nhất là ngăn trong cùng của tủ lạnh. Nên chọn mua nho cuối mùa, và giữ làm sao để chúng chạm vào nhau càng ít càng tốt. Bạn có thể trữ nho trong thời gian dài nếu bạn treo chúng trong một căn phòng tối khô ráo và thoáng mát
Táo: Nên chọn táo vừa chín tới và giữ nguyên lớp sáp bên ngoài để giúp bảo vệ táo khỏi nấm mốc. Cẩn thận bọc những quả nguyên lành với giấy xi-măng, không dùng giấy báo. Nếu muốn trữ táo số lượng lớn, bạn có thể trải táo ra và che từng tầng quả với một lớp giấy. Cất chúng ở nơi tối, thoáng mát và cách càng xa khoai tây càng tốt
Các loại quả mọng: Hòa giấm táo và nước với tỉ lệ 1:10. Rửa các loại quả mọng như dâu tây, việt quất trong dung dịch này, để ráo nước rồi đặt vào bát có lót giấy, để trong tủ lạnh. Dung dịch rất loãng nên sẽ không có vị giấm mà dâu vẫn có thể bảo quản được lâu
Hành lá: Một cách đơn giản để bảo quản hành lá là rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ và cất trong chai nhựa. Hành cần để thật khô ráo trước khi cho vào tủ đá. Nếu làm đúng, bạn có thể bảo quản hành lá theo cách này tới nửa năm
Rau xanh: Dễ dàng bảo quản rau xanh như mùi, cải bằng cách nhúng phần rễ ngập trong một bát nước và bọc túi nilon lên trên, đặt ở nơi thoáng mát
Súp lơ: Cách bảo quản cực kỳ đơn giản, chỉ cần bọc hoàn toàn súp lơ trong giấy thiếc. Chúng sẽ được giữ tươi trong 2-3 tuần, thậm chí lâu hơn
Nấm: Rửa nấm thật nhanh vì chúng rất hút nước. Đặt nấm trên khăn giấy, cắt bỏ các phần bị hư hỏng. Thấm khô nấm, đặt vào túi giấy, hộp gỗ, hoặc bát có lót khăn ăn rồi cất vào tủ lạnh
Chi Lê (Tổng hợp)