Mẹo giảm nồng độ cồn sau uống bia rượu
Để giảm nồng độ cồn trong hơi thở, bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây.
Theo BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, việc giải phóng nồng độ cồn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng rượu uống vào, nồng độ rượu, thời gian uống kéo dài bao lâu.
Việc giảm nồng độ cồn nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào yếu tố cơ địa. Có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, hơi thở vẫn còn, trong khi một số người không gặp tình trạng này. Người nhẹ cân, có bệnh lý, đang đói, uống lần đầu, ít khi uống, sẽ nhanh say, chậm thải nồng độ cồn hơn.
Dưới đây là cách giảm nồng độ cồn sau khi uống bia rượu, bạn có thể tham khảo.
Uống nhiều nước: Sau uống rượu bạn nên uống nhiều nước. Đây là biện pháp đơn giản nhưng giúp bạn cảm thấy dễ chịu, nhanh đào thải cồn trong máu.
Ăn hoặc uống nước ép hoa quả: Nước ép hoa quả sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu. Đơn giản hơn, bạn có thể sử dụng một quả chanh tươi, vắt và pha với nước để uống. Bạn cũng có thể thái mỏng hoặc ăn luôn cả quả.
Uống nước rau má: Bạn dùng 100g rau má tươi, 2 quả chanh, 1g muối ăn. Rau má tươi rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh trộn đều thêm muối. Mỗi lần uống 150-300ml.
Sắc nước vỏ quýt phơi khô: Vỏ quýt phơi khô trong đông y còn gọi vị thuốc trần bì. Bạn dùng 30g vỏ quýt khô và sao thơm tán vụn, mơ chua 2 quả bỏ hạt thái vụn. Hai vị đem sắc nhỏ lửa với 360ml nước, sau 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho uống. Bạn có thể sử dụng thêm gừng tác dụng nhanh hơn.
Chuyên gia khuyến cáo, khi uống rượu, bạn nên ăn đầy đủ, không để bụng đói, ăn thật nhiều rau xanh để làm loãng nồng độ cồn trong rượu. Quá trình uống rượu nên uống từ từ, kết hợp trò chuyện để giảm lượng rượu uống cũng như đào thải bớt cồn trong hơi thở. Việc uống rượu từ từ, sẽ giảm kích ứng niêm mạc miệng dạ dày, gan kịp oxy hóa giải độc.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/meo-giam-nong-do-con-sau-uong-bia-ruou-ar921149.html