Mèo hoang – truyện ngắn của HƯƠNG VĂN

Mấy hôm dọn về nhà mới, khách khứa, đồ đạc... khiến vợ chồng Khải Loan tất bật lo đủ thứ. Mệt hết cả người. Đem quần áo ra phơi, ánh mắt Loan bắt gặp con mèo đen đang vờn bóng trước sân nhà ông Tư. Ông Tư chính là người bán một lô đất cho vợ chồng Loan. Chưa kịp tạo mối thân tình hàng xóm thì ông đã rao bán nhà cùng mấy sào đất còn lại, vào Nam ở cùng con gái. Nhìn con mèo nhảy nhót, Loan chợt nghĩ lại mấy ngày trước, lúc phụ ông Tư thu dọn hành lý, cô nghe ông nói: “Còn con mèo, vợ chồng cô có thích thì tôi bắt cho về nuôi”. Thấy con mèo lông đen mượt hay đùa nghịch, Loan cũng muốn. Nhưng Khải không hứng thú gì với động vật, nhà lại vừa xây xong, ai lại đi bắt mèo về nuôi... Tiếng kêu của nó nghe mà phát ớn. Loan tôn trọng ý chồng. Nhưng sau mỗi bữa ăn cô lại chừa ra một ít thức ăn mang sang bên đó. Cái giống ấy ranh mãnh thật, ăn thì ăn nhưng chưa bao giờ nó để tay Loan chạm nó. Ông chủ đi rồi, nó đâm ra sợ người, dè dặt, nhút nhát. Không khiến nó gần gũi mình được, nhiều khi Loan quên khuấy cho nó ăn, nhất là vào những hôm mưa gió. Dần dần, nó trở thành kẻ độc thân trong một không gian quá rộng lớn.

Con người biết tự lập để mưu sinh thì con vật cũng có thể. Qua mấy tháng, rêu xanh, cỏ dại đua nhau mọc bên nhà ông Tư, trở thành nơi định cư an toàn của con vật vô chủ. Bị bỏ đói, mèo ta sinh thói ăn vụng. Nó thường rình vào bếp nhà Loan, rất nhẹ nhàng và lẹ chân, chỉ cần Loan hở cơ để thức ăn ở chỗ trống là trong nháy mắt, mèo đã no say. Đi chợ về, đặt thức ăn tới bệ rửa, Loan vừa thay xong quần áo, xuống bếp, miếng cá thu thật tươi đã “không cánh mà bay”. Cô đưa mắt tìm khắp nơi, thấy mụ lông đen đang ngoàm ngoạm nhai. Mèo ăn như chưa bao giờ được ăn. Cá ngon quá mà! Loan tức tối vô cùng, đành lấy trứng luộc tạm. Nhiều lần như thế, Loan cẩn trọng hơn. Thức ăn dù sống, chín đều cất tuốt vào tủ lạnh, khỏi bận tâm nữa. Mèo có đằng trời mà đụng vào đấy được. “Chó treo, mèo đậy” quả không sai tí nào!

Từ khi ra ở riêng, Khải ít có dịp ngồi cùng mấy anh bạn nhậu. Lần này, nhín lại ít lương, Khải nịnh khéo Loan rồi đi lai rai một đêm. Ở nhà một mình, Loan mở mạng đọc báo, chát với mấy đứa bạn một lúc rồi đi nằm. Nhưng nhớ hơi chồng, không được gác chân... Loan trằn trọc mãi. Bỗng có tiếng sột soạt trên mái tôn, Loan cố lắng tai nghe. Lúc cô cho rằng tiếng lá dừa cọ vào tôn, lúc lại nghĩ ả mèo đi rình chuột. Nhưng không! Âm thanh ấy mỗi lúc một to dần, không phải tiếng chân mèo! “Lộp rộp... lạch cạch” phải là tiếng chân người. Loan nghĩ bậy: “Trộm! Hay biết chồng mình đi vắng, kẻ lưu manh nào đó mò mẫm vào gây chuyện gì thì sao nhỉ??? Nơi đồng không mông quạnh... Sợ thế này...”. Loan vớ lấy điện thoại, trùm chăn lại, nhắn tin cho Khải “Nhà có trộm, sợ quá anh ơi!”, rồi cô nhá máy để chồng biết. Lại có cả tiếng cạy cửa...? Loan nằm im không nhúc nhích.

Âm thanh lạ trong đêm thưa dần thì cũng là lúc chiếc xe máy của Khải pha ánh sáng vào sân nhà. Khải nhận ra mùi tanh tanh. Cửa còn đóng. Nhưng Khải không kịp bình tĩnh nữa, có thể hơi men đã khiến anh thiếu tỉnh táo. Anh thả vội xe, chạy nhanh lại đập cửa thình thình. Loan càng sợ hơn. Khải cất tiếng run run “Loan ơi! Em có làm sao không?”. Cô vợ mở mắt, ào ra. Ôi chao! Thì ra một con chuột to bị cắn nham nhở đang nằm chỏng chơ nơi góc tường. Chắc là ả mèo đã thịt được nó, thấy có người, mèo vội bỏ mồi lại đây mà! Một phen hú hồn hú vía! Đoạn, Khải trách khéo Loan: “Em vẽ chuyện để lôi anh về với em đấy phải không?”. Sáng hôm sau, Loan đem chuyện kể với mấy bà tám trong cơ quan, được một mẻ cười vỡ bụng.

Con quỷ mắt xanh, lông đen, thoắt ẩn thoắt hiện đã trở thành kẻ thù số một của đôi vợ chồng trẻ khi nó lại “cướp” mất của họ mâm cúng tất niên. Vợ nghén mệt, Khải sắm vai một đầu bếp sắm cỗ. Trên tay còn bưng đĩa ngũ quả, anh đã la toáng lên khi thấy “vị khách không mời mà đến” đang ngoạp lấy cái đùi gà vàng rộm trên mâm. Nghe tiếng la, nó cúp đuôi phóng cái vút. Mọi thứ đổ vãi, kêu loảng xoảng. Xa một đoạn, nó ngoảnh mặt, liếm mép, chùi râu. Trông tức điên! Giống nó quá nhanh mà lại vô cùng lì lợm không thể đánh đuổi được cho bõ giận.

Khải bàn với Loan tìm cách trả đũa mèo. Anh mua một ít thuốc chuột, trộn đều với một nhúm cá cơm. Sáng chủ nhật. Mèo lò dò đến, nhai sạch chỗ cá. Một lúc sau, nó lử đử lừ đừ, nhưng không lăn quay. Khải sẽ phải phang thêm vào nó mấy gậy. Anh cầm khúc cây, vụt lấy vụt để vào lưng mèo. Nó ngoắc mắt “méo meo”, lao nhanh về phía bể nước, rơi ùm! Khải ngã sấp ngã ngửa. Khi con mèo đang lõm bõm bơi, Loan giúp Khải lấy nắp đậy miệng bể. Thà mất đi vài khối nước máy còn hơn là thấy cái bộ dạng của nó. Chừng sẩm tối, anh chị chắc mẩm mèo đã chết, hoặc chí ít cũng ngáp ngoải. Khải mang cái chân đau đi tập tễnh, lấy bị ni lông, định mở nắp đậy để vớt mèo. Trời đất! Hai chân nó bám lên thành bể, ướt sũng, đôi mắt vẫn xanh, tròn xoe nhìn Khải. Anh hất tung nắp bể. Xoẹt... Mèo vụt chạy tuốt. Cái giống gì mà sống dai hơn đỉa!

Hình bóng kẻ vụng trộm, lén lút ấy vắng tiệt từ sau trận đòn nhừ tử. Nó chuyển hướng kiếm ăn, không còn gây phiền hà đến cuộc sống đôi vợ chồng ấy nữa. Nhưng thừa cơ hội này, bọn chuột nhắt phá phách đủ kiểu, chúng thi nhau gặm nhấm mọi thứ, giở cả trò “khiêu vũ” trên tấm la phông trần nhà, chúng chạy rầm rầm, thi thoảng cắn nhau chít chít và cũng rất đỗi ranh ma, khó tài nào mà diệt được. Kẻ thù này đi thì kẻ thù khác vào trận. Cặp vợ chồng mệt mỏi vô cùng!

* * *

Trời mùa hè nóng như rang, Loan trở nên cáu gắt, giận hờn chồng vô cớ vì sự thay đổi của thân nhiệt. Nhiều lúc Khải không chịu được, lớn giọng thì chẳng hay ho gì, muốn yên chuyện luôn phải lên tiếng làm lành trước, khổ với bà bầu quá chừng.

Lại một cuộc chiến không đâu từ việc Khải không chịu rửa xe mà dắt ẩu vào khi nhà vừa lau xong. Loan càm ràm mãi. Khải phải lên nhà trên nằm ngủ tạm. Đêm khuya. Nóng bức. Mồ hôi chảy ướt lưng. Loan trở dậy định đi vệ sinh. Vừa thò chân xuống giường, từng chuỗi âm thanh lạ tựa như tiếng trẻ nít “oe óe” cất lên liên hồi, Loan rờn rợn. Xóm này làm gì có trẻ con nào đâu? Hay là ai đem con bỏ ở vườn hoang kia? Hay là ma? Có lúc nghe như tiếng mèo, nhưng nó đã đi từ lâu lắm rồi cơ mà? Tiếng kêu lại réo lên vài hồi nữa. Loan nhìn qua khung cửa sổ, trời tối đen như mực. Nhưng mắc quá rồi, nhà vệ sinh lại tít ngoài sau, làm sao đây? Âm thanh “oe óe” và việc tức bụng khiến Loan quên hết cả giận dỗi, cô chạy lên lay vai chồng dậy. Khải dụi mắt, rồi toét miệng: “Bà xã hôm nay xuống nước sớm thế?”. Loan thì đã ríu cả chân.

Thì ra ả mèo đã đến “tuổi hẹn hò”, nó đã quay lại ngôi nhà hoang để tìm nơi tình tự. Lúc bọn chúng gào thét với nhau, nghe kinh hãi thật. Vài hôm quen dần, Khải chọc vợ “Nhờ nó mà bà xã không quay lưng đấy nhé!”. Bà bầu bẽn lẽn cười, vợ chồng lại kể kỷ niệm cũ, rúc rích cười cả đêm.

* * *

Loan về quê mẹ sinh con. Được hơn ba tháng, Khải hí hửng gọi taxi đón vợ con về. Ngôi nhà ông Tư cũng vừa có người mua lại. Họ đang đập gõ để lấy mặt bằng xây quầy bán tạp hóa.

Đang nửa đêm, Loan lại nghe tiếng gì kêu oe óe, chị bật dạy lay chồng hỏi: “Nó lại trở về sao anh?”.

Khải phì cười: Làm gì có, mẹ con nó cắp nhau đi đâu rồi ấy. Mà anh cũng đang trông có một con mèo để nhà mình đỡ chuột, chuột dạo này nhiều quá!

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/241841/meo-hoang-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-huong-van.html