Mẹo lái xe giúp hành khách đỡ say và nôn ói trên những chuyến đi dài

Nhiều người cảm thấy khỏe khi đi cùng một số tài xế, nhưng lại say nặng khi ngồi xe của người khác. Điều này phần nào phản ánh sự khác biệt trong kinh nghiệm và kỹ năng điều khiển xe của từng lái xe.

Say xe là nỗi ám ảnh của nhiều người khi di chuyển bằng ô tô, đặc biệt trên những chặng đường dài, đèo dốc quanh co hoặc mặt đường xấu. Khi say xe, hành khách thường có biểu hiện mệt mỏi, choáng váng, đầu óc quay cuồng, da tái nhợt, tiết nhiều nước bọt và thậm chí buồn nôn, khiến trải nghiệm di chuyển trở nên vô cùng khó chịu.

Say xe, thậm chí nôn ói là nỗi ám ảnh của nhiều người khi đi ô tô đường dài. Ảnh minh họa

Say xe, thậm chí nôn ói là nỗi ám ảnh của nhiều người khi đi ô tô đường dài. Ảnh minh họa

Trao đổi với VietNamNet, anh Nguyễn Mạnh Thắng – chuyên gia ô tô với gần 30 năm kinh nghiệm lái xe – cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến hành khách bị say xe, như: không khí trong xe ngột ngạt, tư thế ngồi không thoải mái, tập trung nhìn sách báo hoặc điện thoại, hay mùi khó chịu trong xe (mùi xăng dầu, mùi nội thất...).

Ngoài ra, theo anh Thắng, một nguyên nhân rất quan trọng khác đến từ chính thói quen điều khiển xe của tài xế.

"Nhiều người đi cùng xe này thì khỏe re, nhưng ngồi xe tài xế khác lại say 'đứ đừ'. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và cách lái xe của tài xế. Nếu tài xế thường xuyên đạp ga, phanh gấp, chuyển hướng đột ngột, không điều chỉnh chế độ lấy gió phù hợp hoặc để xe có mùi 'lạ', thì đó là con đường nhanh nhất khiến hành khách phải tìm đến… túi ni-lon", anh Thắng chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Mạnh Thắng, một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến người ngồi trên xe ô tô dễ say chính là do thói quen điều khiển xe của tài xế. Ảnh: Hoàng Hiệp

Theo anh Nguyễn Mạnh Thắng, một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến người ngồi trên xe ô tô dễ say chính là do thói quen điều khiển xe của tài xế. Ảnh: Hoàng Hiệp

Để hạn chế tối đa những lý do có thể làm hành khách bị say xe, nôn ói, vị chuyên gia này đưa ra một số lưu ý khi cầm lái như sau:

1. Giữ xe sạch sẽ, gọn gàng

Theo chia sẻ từ nhiều người có tiền sử say xe, việc bước lên một chiếc ô tô bừa bộn, thiếu sạch sẽ và đặc biệt có mùi khó chịu (như mùi điều hòa, mùi mồ hôi, thức ăn phân hủy, hay mùi từ ghế nội thất...) có thể khiến họ buồn nôn ngay lập tức, thậm chí trước cả khi xe lăn bánh.

Vì vậy, việc duy trì không gian trong xe sạch sẽ, thơm tho — hoặc ít nhất là không có mùi "lạ" — sẽ giúp hành khách cảm thấy dễ chịu hơn. Đồng thời, tài xế cũng nên sắp xếp đồ đạc gọn gàng, tránh để vật dụng chiếm chỗ trên ghế ngồi, nhằm tạo tư thế thoải mái tối đa cho hành khách trong suốt hành trình.

Trước mỗi chuyến đi, xe nên được rửa dọn sạch sẽ, gọn gàng cả trong lẫn ngoài. Ảnh: Hoàng Hiệp

Trước mỗi chuyến đi, xe nên được rửa dọn sạch sẽ, gọn gàng cả trong lẫn ngoài. Ảnh: Hoàng Hiệp

2. Giữ tốc độ ổn định, hạn chế phóng nhanh phanh gấp

Khi xe di chuyển trên đường, với những người nhạy cảm, chỉ cần vài pha đạp ga, phanh gấp của tài xế cũng đủ khiến họ say lử đử, thậm chí phải tìm ngay đến… túi ni-lon.

Các tài xế giàu kinh nghiệm thường duy trì tốc độ ổn định, hạn chế tối đa việc tăng, giảm tốc đột ngột. Kỹ năng lái xe mượt mà này không chỉ giúp hành trình an toàn và tiết kiệm nhiên liệu, mà còn giảm đáng kể nguy cơ say xe cho hành khách.

Để làm được điều đó, người lái cần tập trung quan sát, giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước và chủ động phát hiện chướng ngại vật từ xa để giảm tốc từ từ. Ngoài ra, với xe số sàn, việc sử dụng số hợp lý và chuyển số nhịp nhàng theo nguyên tắc "côn ra, ga vào" cũng giúp xe vận hành êm ái, hạn chế hiện tượng giật cục khi di chuyển.

3. Mẹo lấy lái, "chém cua" ở các đoạn đường cong

Việc đánh lái gấp hoặc liên tục trên những đoạn đường ngoằn ngoèo cũng dễ khiến hành khách cảm thấy nôn nao, khó chịu. Thực tế, cùng di chuyển trên một cung đường, có tài xế phải đánh lái nhiều, trong khi người khác biết cách căn chỉnh hợp lý để đánh lái ít hơn, giúp xe vận hành êm ái hơn.

Theo kinh nghiệm của các "tài già", khi vào cua trái, nên chủ động lái xe sát vào tim đường; ngược lại, với cua phải, nên bám nhiều về phía rìa đường. Cách xử lý này nhằm tạo ra góc cua nhỏ nhất, mở rộng bán kính vòng cua, giảm lực ly tâm tác động lên hành khách, từ đó hạn chế cảm giác say xe.

Tuy nhiên, khi áp dụng kỹ thuật này, tài xế cần quan sát kỹ và tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc an toàn giao thông. Tuyệt đối không đè vạch liền (nếu có) hoặc "chém cua" quá đà dẫn đến lấn làn, gây nguy hiểm cho các phương tiện ngược chiều.

Mở rộng bán kính vòng cua là kỹ năng mà nhiều lái xe áp dụng. Ảnh minh họa: Driving Fast

Mở rộng bán kính vòng cua là kỹ năng mà nhiều lái xe áp dụng. Ảnh minh họa: Driving Fast

4. Sử dụng chế độ lấy gió hợp lý

Không khí trong xe ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cảm giác thoải mái của hành khách. Chỉ cần điều chỉnh chế độ lấy gió trong hay gió ngoài đúng cách cũng có thể giúp giảm đáng kể tình trạng say xe.

Theo kinh nghiệm của các tài xế lâu năm, khi chở đông người, di chuyển đường dài ngoài đô thị hoặc đi qua những khu vực có không khí trong lành, nên ưu tiên sử dụng chế độ lấy gió ngoài để đảm bảo không khí trong xe luôn tươi mới, dễ chịu.

Ngược lại, khi di chuyển trong đô thị, khu vực đông đúc hoặc những nơi có chất lượng không khí kém, tài xế nên chuyển sang chế độ lấy gió trong. Cách làm này giúp hạn chế mùi xăng dầu, khói bụi lọt vào khoang lái, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho mọi người trên xe.

5. Nghỉ ngơi hợp lý với hành trình dài

Đối với những chuyến đi xa, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, việc cho hành khách được “hít thở” không khí trong lành dù chỉ 5–10 phút là cực kỳ cần thiết để phục hồi sức khỏe và lấy lại sự tỉnh táo trong hành trình dài. Tài xế nên căn cứ vào lộ trình cụ thể để phân bổ các quãng nghỉ hợp lý.

Trên các tuyến cao tốc, việc dừng nghỉ cần thực hiện đúng nơi quy định như trạm dừng nghỉ, trạm xăng. Trong khi đó, với những cung đường trường hoặc đèo núi, tài xế có thể chọn các điểm dừng rộng rãi, thoáng mát, có khung cảnh đẹp, giúp hành khách thư giãn và giảm cảm giác mệt mỏi, bồng bềnh.

Một lưu ý quan trọng là khi dừng xe nghỉ ngơi, cần tuyệt đối tuân thủ quy định về dừng đỗ: không dừng giữa lòng đường, nơi đường hẹp, đường dốc hoặc những đoạn cua khuất tầm nhìn, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và các phương tiện khác.

Ngoài ra, dù chở ít hay nhiều người, tài xế cũng nên chuẩn bị sẵn trên xe một số vật dụng cần thiết như nước sạch, đồ ăn nhẹ, giấy ăn và cả... túi ni-lon. Những vật dụng này nên được bố trí gần khu vực ghế ngồi để sử dụng nhanh khi cần thiết.

Nhiều tài xế giàu kinh nghiệm còn trang bị thêm một số loại thực phẩm có mùi dễ chịu như bánh mì, bánh đa, bánh dừa hoặc trái cây như cam, quýt... Việc vừa đi vừa “nhâm nhi” các loại bánh trái này có thể giúp hành khách tạm quên đi cảm giác say xe, giúp chuyến đi dễ chịu hơn.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Hoàng Hiệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/meo-lai-xe-giup-hanh-khach-do-say-khi-di-duong-dai-2395924.html