Mẹo tiết kế bài giảng trực tuyến để mỗi giờ học thành 'bữa tiệc' cho học sinh

Dạy học trực tuyến không còn là một giải pháp tình thế nữa mà được đã áp dụng rộng rãi tại các tỉnh, thành trong thời gian giãn cách xã hội. Vậy làm thế nào để có một giờ dạy học trực tuyến thực sự hiệu quả?

Sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của thầy cô giáo sẽ là những yếu tố quan trọng để giúp ích hiệu quả cho quá trình học tập của học sinh. Ảnh minh họa

Trên các diễn đàn dành cho các giáo viên, thời gian này không còn những "phàn nàn", mà thay vào đó rất sôi nổi các chủ đề liên quan đến dạy học trực tuyến.

Ngoài các bài giảng mẫu theo chương trình mới, nhiều chủ đề khác thu hút tương tác như cách làm bài giảng trực tuyến trên bài giảng powerpoint, cách làm các game, trắc nghiệm, phiếu giao bài tập, cách thiết kế bài giảng đẹp, các vấn đề về trình chiếu, cách lồng tiếng vào bài giảng, cách sử dụng công cụ thiết kế, công cụ dạy và chấm bài online, cách sử dụng phần mềm dạy trực tuyến...

Theo nhiều thầy cô có kinh nghiệm, nội dung bài giảng cần được cô đọng. Khi giảng dạy online, việc này rất quan trọng để lượng kiến thức, nội dung bài giảng vừa đủ và trọng tâm với từng đối tượng học sinh. Các nhiệm vụ học tập cần được chia nhỏ.

Để làm được điều đó, giáo viên nên chuẩn bị thật kỹ các học liệu, sẵn sàng cho các hoạt động trong tiết dạy.

Đặc biệt để đỡ nhàm chán, tăng tính tương tác và hiệu quả trong việc tiếp thu kiến thức, giáo viên nên thiết kế sao cho đa dạng các hoạt động học tập, kết hợp hài hòa các hình thức học tập (kênh hình, kênh chữ, kênh tiếng, các trò chơi, thử thách, dự án nhỏ…); lên kế hoạch cụ thể cho các nhiệm vụ học tập (nhiệm vụ nào thảo luận, nhiệm vụ nào tự nghiên cứu, nhiệm vụ nào làm việc nhóm, …); tìm hiểu và nghiên cứu kỹ các công cụ đánh giá xem sẽ áp dụng công cụ nào ở giai đoạn nào, tình huống nào...

Công nghệ là yếu tố quan trọng

Tiết dạy sẽ đạt hiệu quả và hấp dẫn hơn khi người dạy biết sử dụng những công cụ, công nghệ giảng dạy đúng, đủ và đạt nhất, từ đó sẽ có được những kết quả và sự đổi mới nhất định.

Đúng đối tượng là khi người dạy biết cách áp dụng công nghệ và công cụ phù hợp nhất với từng nhóm, lớp học sinh khác nhau.

Đủ thời gian, kiến thức là chọn lựa và sử dụng công nghệ, công cụ một cách hợp lý, tránh việc lạm dụng chúng trong bài giảng. Để làm được việc này, giáo viên cần phải làm tốt việc phân phối thời gian hợp lý cho từng nội dung kiến thức và các hoạt động học tập.

Phương pháp dạy online đòi hỏi kĩ năng sử dụng công nghệ của giáo viên phải tốt. Một tiết học online tốt khi người dạy kiểm soát tốt từ nề nếp học tập tới nội dung kiến thức giảng dạy cũng như các tình huống phát sinh trong quá trình giảng dạy.

Người giáo viên cũng cần phải kiên trì, chăm chỉ thực hành và thực hiện việc chuyển đổi các hoạt động giảng dạy quen thuộc sang làm việc với phần mềm, công cụ mới như: Soạn bài cần phân phối kiến thức sao cho phù hợp, phải chú ý đến những điểm nhấn công nghệ để thu hút học sinh, sử dụng những kỹ thuật, công cụ hỗ trợ linh hoạt và hợp lý (ví dụ như học môn hình học thì cần có phần mềm như Geogebra, Cabri... để vẽ hình minh họa).

Bên cạnh đó, việc quản lý, tương tác học sinh trong quá trình dạy học cũng yêu cầu giáo viên cần phải tìm hiểu, suy nghĩ cũng như xử lý các tình huống sao cho tiết học đạt hiệu quả. Đây cũng là tiêu chí để phân loại kiểu học online. Tương tác để đánh giá mức độ tiếp nhận, sự tham gia của người học... và đặc biệt là tự đánh giá và đánh giá phản hồi.

Hiện nay có nhiều công nghệ, công cụ dạy học trực tuyến thông dụng và phổ biến, tuy nhiên tùy vào đặc thù của từng bộ môn sẽ phải lựa chọn, và phải có cách khai thác khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.

Điều quan trọng nhất có lẽ là mỗi giáo viên có thể vượt qua chính bản thân mình, vượt qua những rào cản mà từ trước đến nay có lẽ họ chưa từng nghĩ tới trong giảng dạy.

Từ những thách thức đó, người giáo viên có thể thay đổi bản thân, đổi mới các phương pháp dạy học để thích nghi với những thay đổi, những chuyển biến của xã hội một cách dễ dàng.

Ứng dụng công nghệ thực sự là bí quyết tạo nên giảng bài hay cần được phát triển. Ảnh minh họa

Sử dụng các công cụ tổ chức dạy học trực tuyến

Công cụ dạy học trực tuyến là nền tảng trên đó giáo viên tổ chức dạy học, tương tác với học sinh bằng việc tổ chức các hoạt động học tập.

Công cụ tổ chức dạy học trực tuyến tốt nên là công cụ vừa đáp ứng các nhu cầu cơ bản về tương tác giữa người dạy và người học, vừa có chức năng quản lý tổ chức lớp học như giao bài tập, chấm chữa bài. Sau đây là 3 công cụ mà các giáo viên hay sử dụng nhất để tổ chức giờ dạy trực tuyến.

Microsoft Teams

Teams là một ứng dụng của bộ Office 365 của Microsoft. Hiện tại các giáo viên hoặc nhà trường được đăng ký miễn phí tài khoản để dùng.

Đây chính là nền tảng mà các trường nên dùng vì không những nó có đầy đủ các chức năng cho một giờ dạy online, nó còn có nhiều những chức năng dành riêng cho giáo dục mà các ứng dụng khác chưa có hoặc có mà chưa đầy đủ: Lưu trữ dữ liệu, giao nhiệm vụ học tập và chấm chữa, đồng thời mới bổ sung tính năng phân tích kết quả cả lớp và từng học sinh (app Insights)…

Giáo viên hoặc học sinh ghi lại buổi học, lưu trực tiếp lên Microsoft Stream được tích hợp sẵn luôn trong không gian lớp học.

Giáo viên có thể ghim video ghi lại buổi học lên Teams để học sinh dễ dàng tìm lại được. Ngoài ra bạn cũng có thể chỉnh sửa video dễ dàng trên Stream.

Như đã nói ở trên, vì là một hệ thống quản lý học tập chuyên nghiệp nên Teams cho phép quản lý học sinh, cho phép giáo viên giao bài tập và học sinh nộp bài tập ngay trên đó. Teams tích hợp Microsoft Forms nên các bài được chấm và ghi lại trên Teams.

Công cụ OneNote Class Notebook được nhúng ngay trong Teams

Đây là ứng dụng rất hay, mỗi học sinh sẽ có một quyển sổ riêng, toàn bộ nội dung môn học có thể lưu trên đó, giáo viên kiểm soát dễ dàng.

Ngoài ra, còn có không gian cho học sinh thảo luận nhóm, ghi chép lại các nội dung trên đó. Với thảo luận nhóm mà cần học sinh nói chứ không chỉ gõ văn bản, giáo viên có thể cho học tạo nhóm gọi video call với nhau. Hoạt động này thực hiện được ngay trong lúc đang diễn ra giờ học của cả lớp.

MS TEAMS

Có nhiều tính năng được tích hợp với các tiện ích khác và trong khuôn khổ bài chia sẻ này chỉ đề cập, trao đổi một số những tính năng cơ bản,hữu hiệu nhất. Với mục đích rõ ràng được xác định ngay từ đầu bài, người giáo viên cần biết nên sử dụng tính năng nào cho từng tiết dạy.

Có rất nhiều các nhà giáo dục và các chuyên gia khắp nơi trên thế giới đã liên kết với nhau tạo thành một cộng đồng giáo dục lớn.

Họ tạo nên các chuyến đi thực tế ảo, giao lưu các lớp học xuyên biên giới với Skype bí ẩn, kết nối chuyên gia, thực hiện các dự án toàn cầu… Những năm gần đây, nhiều lớp học từ mọi miền đất nước đã được các giáo viên đưa ra thế giới.

Sử dụng Mindmap

Mindmap là bản đồ tư duy, được nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu khuyên dùng. Mindmap hiện nay đang dần trở nên phổ biến, được nhiều học sinh và giáo viên sử dụng để đúc kết kiến thức nhanh chóng và dễ dàng nhất.

Các kiến thức của mọi lĩnh vực đều có thể xây dựng thành bản đồ tư duy. Đây thực sự là bí quyết giảng bài hay cần được phát triển và ứng dụng nhiều hơn.

Bản đồ tư duy là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình giảng dạy, học tập của cả giáo viên và học sinh. Nội dung bài học sẽ được đúc kết lại và trở nên ngắn gọn, dễ hiểu, giúp giáo viên thuận tiện trong quá trình xử lý tài liệu và truyền tải kiến thức.

Hơn nữa, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bản đồ tư duy giúp kích thích khả năng quan sát, suy luận logic của học sinh, rất phù hợp với sự phát triển tự nhiên của hệ thần kinh não bộ.

Khi giáo viên sử dụng bản đồ tư duy vào giảng dạy, học sinh sẽ cảm thấy hứng thú hơn trong bài học. Loại bản đồ này thường kết hợp nhiều hình ảnh tượng trưng với đa dạng màu sắc, số lượng chữ được lược bỏ rất nhiều, giúp học sinh tư duy và tìm ra các mối liên quan giữa các kiến thức được học. Từ đó, học sinh sẽ dễ hiểu và ghi nhớ tốt hơn các khái niệm và nội dung chính của bài giảng.

Những phút đầu tiên của một tiết học đóng vai trò rất quan trọng. Ảnh minh họa

Thu hút sự chú ý của học sinh bằng câu hỏi hoặc trò chơi

Những phút đầu tiên của một tiết học đóng vai trò rất quan trọng, có tính quyết định đến chất lượng của cả tiết học. Do đó, giáo viên cần tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi này để thu hút sự chú ý của học sinh trước khi vào bài mới. Nếu mới bắt đầu tiết học mà giáo viên vào bài ngay thì thực sự rất nhàm chán, khiến học sinh mất hứng thú ngay lập tức.

Thay vào đó, giáo viên có thể khiến học sinh thích thú và chú ý hơn bằng những câu hỏi gợi ý liên quan đến bài mới hoặc các trò chơi phù hợp.

Đây là cách mà giáo viên vừa có thể kích thích sự hứng thú của học sinh, vừa ôn lại các kiến thức cũ đã học trước đó. Tùy theo trình độ và khả năng nhận thức của các em để chọn trò chơi phù hợp nhất.

Sử dụng câu chuyện và hình ảnh minh họa cho bài giảng

Muốn buổi học có hiệu quả tốt thì giữa giáo viên và học sinh cần có sự tương tác qua lại. Nếu giáo viên cứ chăm chú giảng, nói và nói liên tục, còn học sinh chỉ nghe và ghi chép thì vô hình chung buổi học đó rất nhàm chán.

Để khắc phục điều này, một trong những cách giảng bài hay mà giáo viên có thể linh động áp dụng là sử dụng thêm các câu chuyện, hình ảnh có liên quan đến nội dung bài học, giúp học sinh cảm thấy mới mẻ và thú vị hơn.

Thay vào việc chỉ chăm chăm nhìn và ghi chép, khi lắng nghe bạn kể chuyện, đặc biệt là những mẩu chuyện có yếu tố tấu hài hước, không khí buổi học sẽ trở nên vui vẻ. Từ đó, áp lực học tập sẽ được giảm xuống đáng kể, giúp các em tỉnh táo và tiếp thu nhanh nội dung bài giảng hơn.

Việc lồng ghép các câu chuyện và hình ảnh minh họa vào nội dung bài giảng làm tăng sự kết nối giữa giáo viên và học sinh. Tùy vào mỗi bộ môn, khả năng tiếp thu của học sinh, thầy cô có thể lựa chọn sử dụng câu chuyện, hình ảnh phù hợp, giúp tạo hiệu ứng tốt và tăng mức độ truyền tải nội dung bài học.

Việc này đòi hỏi người giáo viên phải linh động và có nhiều kỹ năng để dẫn dắt học sinh trong suốt bài học.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/meo-tiet-ke-bai-giang-truc-tuyen-de-moi-gio-hoc-thanh-bua-tiec-cho-hoc-sinh-post153629.html