Mèo Vạc 'mùa thiếu nước'
Với đặc thù địa hình núi đá, mật độ che phủ rừng thấp, khí hậu khô hạn kéo dài, một số 'hồ treo' chứa nước sinh hoạt chưa phát huy hiệu quả… Do đó, đến mùa khô, người dân huyện Mèo Vạc lại rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã khó khăn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cộng thêm nguồn nước khan hiếm vào mùa khô khiến cho việc chăn nuôi, trồng trọt và sinh hoạt của người dân càng khó gấp bội. Đối với người dân nơi đây, việc mơ ước có một nguồn nước dồi dào, đủ đầy quanh năm có lẽ cũng là quá xa xỉ.
Đặc biệt, việc thiếu nước trầm trọng như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến các trường học, bệnh viện, nhà hàng dịch vụ ăn uống… Chị Phạm Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc chia sẻ: Năm học 2019 – 2020 trường có hơn 700 học sinh và 56 cán bộ giáo viên, trung bình khoảng 2 – 3 ngày, đơn vị sử dụng hết khoảng 7 – 8 m3 nước. Nhà trường bắt đầu thiếu nước từ cuối tháng 9.2019 trở về đây, thiếu nước đã ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu, công tác vệ sinh của trường. Để bảo đảm sinh hoạt chúng tôi phải mua nước, từ cuối tháng 9.2019 đến nay, nhà trường đã mua gần 30 xe nước, mỗi xe có giá 400 nghìn đồng, tương ứng 7 – 8 m3 nước/xe. Thực sự, tôi chưa bao giờ thấy huyện lại thiếu nước nghiêm trọng như năm nay, có khi cả tháng không có giọt nước nào chảy vào bể nước của nhà trường. Chính vì nguồn nước ngày càng khan hiếm chúng tôi thường xuyên chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên cấp dưỡng sử dụng nguồn nước tiết kiệm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm trước, cứ đến mùa khô, những suối cạn vẫn phần nào cung cấp nước sinh hoạt cho người dân; nhưng năm, nay mạch nước ngầm cũng cạn kiệt. Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua nước từ các xe chở nước tự phát với giá từ 400 – 450 nghìn đồng/xe/7 – 8 khối nước, nhiều khi có tiền nhưng cũng không thể mua được nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước là do lượng mưa ít; một số hồ treo chứa nước sinh hoạt không phát huy hiệu quả; một số đường ống dẫn nước đã xuống cấp và bị dò rỉ nước do xây dựng quá lâu; đặc thù địa hình đồi núi đá, mật độ rừng che phủ thấp nên khi mưa xuống không giữ được nước (mật độ che phủ rừng toàn huyện chỉ chiếm 34,8%)…
Đồng chí Trần Quang Minh, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: Trước thực trạng trên, huyện có công văn gửi Công an tỉnh mượn phương tiện chở nước cho các cơ quan, đơn vị, trường học; tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng, tích cực trồng cây xanh; cùng nhau tiết kiệm nguồn nước; tìm nguồn nước mới trên các khu rừng, khe núi, hốc đá; tận dụng các nguồn vốn của T.Ư, tỉnh, huyện và các nguồn vốn xã hội hóa, sửa chữa các hồ chứa nước sinh hoạt, các đường ống dẫn nước bị hỏng hay đã xuống cấp…
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202002/meo-vac-mua-thieu-nuoc-755356/