Mệt mỏi, ợ chua, đi khám phát hiện mắc cùng lúc 5 bệnh

Thường xuyên mệt mỏi, ngủ kém, ợ chua dù ăn uống bình thường, người đàn ông đi khám thì phát hiện mắc nhiều bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm.

Triệu chứng cảnh báo viêm teo dạ dày

Mới đây, Phòng khám Đa khoa Medlatec Thanh Xuân tiếp nhận bệnh nhân L.Q.H. 65 tuổi đến khám do mất ngủ, mệt mỏi kèm ợ chua. Được biết, trước đây bệnh nhân H. từng mắc viêm dạ dày, trĩ.

Tại phòng khám, bệnh nhân được chỉ định thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như: công thức máu, men gan (GOT, GPT), điện giải đồ, ure, creatinin, mỡ máu, glucose, HbA1c, HBsAg, HCVAb, tổng phân tích nước tiểu, siêu âm ổ bụng, nội soi dạ dày và điện tim.

 Kết quả nội soi dạ dày cho thấy hình ảnh viêm teo dạ dày C2 - Viêm hành tá tràng.

Kết quả nội soi dạ dày cho thấy hình ảnh viêm teo dạ dày C2 - Viêm hành tá tràng.

Kết quả siêu âm ổ bụng cho thấy có nhiều sỏi túi mật tụ thành đám, kích thước khoảng 19x12mm. Tuyến tiền liệt kích thước 27g, có phần lồi vào bàng quang 4mm. Nội soi dạ dày ghi nhận hình ảnh viêm teo niêm mạc dạ dày giai đoạn C2 và viêm hành tá tràng, test HP dương tính.

Dựa vào biểu hiện lâm sàng kết hợp kết quả cận lâm sàng, bệnh nhân H. được chẩn đoán xác định mắc Viêm teo dạ dày C2 - Viêm hành tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori, rối loạn chuyển hóa lipid máu, sỏi túi mật và rối loạn giấc ngủ.

Bệnh nhân được kê đơn điều trị ngoại trú, đồng thời tư vấn theo dõi định kỳ và thay đổi lối sống để cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Viêm teo dạ dày giai đoạn sớm của ung thư, chớ nên chủ quan

Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trung tâm Tiêu hóa, Hệ thống Y tế Medlatec, viêm teo dạ dày là tình trạng tổn thương mạn tính, trong đó các tuyến tại niêm mạc dạ dày dần bị mất đi, có thể kèm theo hiện tượng chuyển sản ruột. Đây là một dấu hiệu cảnh báo sớm của chuỗi tiến triển tiền ung thư dạ dày, bao gồm viêm teo, chuyển sản ruột, loạn sản và cuối cùng là ung thư biểu mô tuyến dạ dày.

 Vi khuẩn H. pylori là một xoắn khuẩn Gram âm, cư trú ở dạ dày người. Ảnh minh họa

Vi khuẩn H. pylori là một xoắn khuẩn Gram âm, cư trú ở dạ dày người. Ảnh minh họa

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm teo dạ dày là do nhiễm Helicobacter pylori (H. pylori) - một loại vi khuẩn có khả năng gây viêm kéo dài, phá hủy cấu trúc tuyến dạ dày và làm thay đổi môi trường axit. Ngoài ra, các yếu tố khác như hút thuốc lá, chế độ ăn mặn, trào ngược dịch mật hay bệnh lý tự miễn cũng góp phần thúc đẩy quá trình teo tuyến.

Phần lớn các bệnh nhân mắc viêm teo niêm mạc dạ dày thường không nhận thấy sự thay đổi bất thường nào trong cơ thể ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: Ợ chua, buồn nôn, ói, chán ăn, thiếu máu, đau bụng, sụt cân, đôi khi có triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, đi ngoài phân đen,...

Bác sĩ Tâm cho biết, chẩn đoán viêm teo dạ dày chủ yếu bằng hình ảnh nội soi, niêm mạc dạ dày thường nhợt màu, mỏng hơn bình thường, dễ thấy các mạch máu dưới lớp niêm và có xu hướng mất nếp gấp sinh lý - những đặc điểm gợi ý rõ rệt cho tình trạng teo tuyến.

Bác sĩ Tâm khuyến cáo, người mắc viêm teo dạ dày cần nội soi định kỳ tùy theo mức độ tổn thương và yếu tố nguy cơ. Trường hợp nguy cơ cao (teo nặng, chuyển sản ruột ở cả hang vị và thân vị, có tiền sử gia đình ung thư) nên nội soi mỗi năm. Nguy cơ thấp (teo khu trú vùng hang vị) nội soi 3 năm/ lần, rút ngắn còn 1-2 năm với người có tiền sử gia đình ung thư dạ dày. Riêng viêm dạ dày tự miễn được khuyến cáo nội soi định kỳ 3 năm/lần.

Việc theo dõi định kỳ không chỉ giúp đánh giá tiến triển của tổn thương, mà còn là phương tiện hiệu quả để phát hiện sớm các dấu hiệu loạn sản hoặc ung thư dạ dày ở giai đoạn còn điều trị được. Do đó, viêm teo dạ dày không nên xem nhẹ, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ cao.

Giang Thu

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/met-moi-o-chua-di-kham-phat-hien-mac-cung-luc-5-benh-post1542240.html