Meta, SpaceX, Amazon muốn đầu tư, hợp tác, giúp Việt Nam phát triển kinh tế số
Ấn tượng trước sự phát triển của thị trường ICT Việt Nam, phái đoàn các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Meta, Roblox, SpaceX,... mong muốn hợp tác, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế số.
Sáng 22/3, ông Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ TT&TT đã có buổi tiếp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và đoàn đại biểu gồm nhiều doanh nghiệp Mỹ như Meta, Roblox, SpaceX, FedEx, UPS, Amazon Web Services, Citi,… đang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Chia sẻ về mục đích chính của phái đoàn, ông Ted Osius - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USABC cho biết, chuyến thăm thể hiện sự tin tưởng của các doanh nghiệp Mỹ đối với kế hoạch, mục tiêu và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là kinh tế số.
Theo ông Ted Osius, cơ hội phát triển kinh tế số của Việt Nam là rất lớn, do đó các doanh nghiệp Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt về đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ với các doanh nghiệp Mỹ, đại diện Bộ TT&TT đã giới thiệu những nét chính về chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số và công nghiệp công nghệ số của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam luôn coi trọng chuyển đổi số và xem đây là động lực tăng trưởng để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Với cách tiếp cận tổng thể, Việt Nam mong muốn triển khai chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, người dân phải là trung tâm của chuyển đổi số, có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ số với chi phí hợp lý.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2045. Để làm được điều này, Chính phủ sẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nền tảng, giao dịch trên môi trường mạng và tái cấu trúc, cơ cấu lại các doanh nghiệp.
“Chúng tôi hoan nghênh mọi sáng kiến và hợp tác trong một số lĩnh vực như điện toán đám mây, big data, các công nghệ mới về xây dựng trạm cơ sở dữ liệu lớn ở Việt Nam, các nền tảng giao dịch trực tuyến, tăng cường kỹ năng số, giáo dục kỹ năng và kiến thức về đảm bảo an ninh an toàn trên môi trường mạng…”, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số & Xã hội số (Bộ TT&TT) nói.
Về công nghiệp công nghệ số, theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT), ngành ICT Việt Nam đã có sự phát triển ngoạn mục trong 15 năm qua, với doanh thu tăng từ 6 tỷ USD năm 2009 lên thành 148 tỷ USD năm 2020. Phần lớn đến từ ngành công nghiệp phần cứng. Việt Nam có năng lực sản xuất lớn với việc cho ra đời khoảng 300 triệu thiết bị ICT mỗi năm, các sản phẩm đều đạt chuẩn chất lượng quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu của công ty nước ngoài. Việt Nam cũng có thể cung cấp dịch vụ IT, phát triển phần mềm, quản lý chất lượng cho các công ty Mỹ.
Tại buổi làm việc, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN ấn tượng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường ICT Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp Mỹ đã chia sẻ sự quan tâm và một số thắc mắc về việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Các lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm là chính sách thúc đẩy kinh tế số, chiến lược phát triển hạ tầng số của Việt Nam, quy định về quản lý vũ trụ ảo (metaverse), tài sản số cũng như các định hướng, ưu tiên của Việt Nam trong năm dữ liệu số và cách các công ty Mỹ có thể tham gia thực hiện những mục tiêu đó.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: “Chúng tôi quan niệm các doanh nghiệp bản địa có ý nghĩa cơ bản, chiến lược và lâu dài. Về mặt ngoại lực, các doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò hết sức quan trọng để Việt Nam có thể phát triển bứt phá”.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT nhận thấy Việt Nam cần có một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp cho kinh tế số. Đây cũng là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tham gia đóng góp.
Thứ trưởng nhấn mạnh, tư tưởng của Bộ TT&TT là lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Các doanh nghiệp có thể chia sẻ vấn đề của mình để cơ quan nhà nước đáp ứng một cách tốt nhất trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên. Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ trao đổi về thực tiễn quản lý ở các nước đi trước, từ đó tìm ra giải pháp cân bằng được lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
Việt Nam mong muốn nhận được các kinh nghiệm về việc triển khai sandbox (cơ chế thử nghiệm) nhằm giảm thiểu rủi ro cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tham gia tích cực hơn vào việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số. Giải pháp chuyển đổi số thành công ở Mỹ, châu Âu chưa chắc đã thành công ở Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp Việt có thể đóng vai trò giúp bản địa hóa giải pháp mà các doanh nghiệp Mỹ phát triển.
Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp Mỹ chia sẻ các tiêu chuẩn về kỹ năng số, kinh nghiệm quản trị dữ liệu số và xây dựng môi trường số an toàn, tin cậy. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới, tham gia thị trường Hoa Kỳ.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, Bộ TT&TT khuyến khích doanh nghiệp 2 nước hợp tác ngay từ khâu hình thành tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật cho đến quá trình nghiên cứu, thiết kế và triển khai. Đây là cách giúp hai bên có cái nhìn tin cậy từ khâu đầu tiên, hướng đến việc cho ra đời các sản phẩm dịch vụ số sau vài năm nữa.