Metaverse: Đầu tư vũ trụ ảo, liệu có lợi ích thật?
Có thể phải mất vài năm nữa metaverse mới thành xu hướng chính thống. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều đang để mắt đến khi vũ trụ ảo đang dần trở nên phổ biến hơn.
Mặc dù vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, thời gian qua ta đã có thể nhìn thấy một nền kinh tế đang bùng nổ trong không gian vũ trụ ảo (metaverse) nhiều khả năng sẽ tạo nên một sân chơi mới trị giá hàng nghìn tỷ USD mà ở đó các ngân hàng, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể cùng tham gia để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Xu hướng của tương lai
Vũ trụ ảo được xây dựng trên nền tảng Web 3.0, là thế hệ internet tiếp theo. Cũng giống như máy tính cá nhân là động lực thúc đẩy giai đoạn khởi đầu, điện thoại thông minh là tâm điểm của giai đoạn thứ hai và giờ đây, chúng ta đang bắt đầu chứng kiến sự ra đời của nhiều công nghệ nền tảng cần thiết để tạo dựng nên vũ trụ ảo như thực tế ảo, chuỗi khối và năng lực máy tính.
Với hơn 60% người dân trên thế giới kết nối online và dành bình quân 5-6 tiếng/ngày trên mạng, trong tương lai không xa, thế giới số sẽ trở thành hiện thực “thật như cuộc sống” và thậm chí trở thành một phần quan trọng trong đời sống của chúng ta.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 1/2021, dân số đạt mốc 97,8 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 37,7%. Trong đó, có khoảng 68,17 triệu người đang sử dụng Internet (chiếm 70,3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút. Đây được xem là khoảng thời gian tương đối lớn được sử dụng trong 1 ngày.
Có thể thấy, vũ trụ ảo vẫn đang trong giai đoạn sơ khai nhưng các nền tảng cơ sở đang từng bước được bồi đắp và cả xã hội cũng đang thay đổi để thích nghi với kỷ nguyên mới của internet.
Có thể phải mất vài năm nữa vũ trụ ảo mới thành một xu hướng chính thống, tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cần để mắt đến những xu hướng đang dần trở nên phổ biến hơn. Với vai trò là Giám đốc đầu tư Khu vực Đông Nam Á, Khối Dịch vụ Quản lý Tài sản và Tài chính cá nhân Toàn cầu của HSBC, ông James Cheo kỳ vọng vũ trụ ảo sẽ tạo ra những cơ hội đầu tư đặc biệt cho những doanh nghiệp đang trong tâm thế bắt kịp những xu hướng này.
Thứ nhất, sáng tạo nội dung số. Vấn đề trọng tâm ở đây là sáng tạo nội dung tương tác cao trong môi trường không gian 3 chiều, đặc biệt là trên nền tảng Web 3.0. Nội dung số như sự kiện và chương trình biểu diễn, hội thảo, trò chơi và hoạt động giáo dục trực tuyến mang đến trải nghiệm sống động chân thực, có độ tương tác cao sẽ là những thứ có thể thay đổi cục diện.
Bước đầu, người tiêu dùng sẽ trải nghiệm vũ trụ ảo thông qua ứng dụng 2D, thông qua hoạt động mua sắm như mua sản phẩm trực tiếp và sản phẩm ảo, hoặc giải trí bằng những chương trình kết hợp thực tế như chương trình biểu diễn hoặc sự kiện thể thao trực tuyến.
Trong khi những hoạt động thương mại trực tuyến như vậy bước đầu cũng gặt hái ít nhiều thành công, những ứng dụng sơ khởi của vũ trụ ảo lại mang tính thực dụng cao hơn. Vũ trụ ảo có thể hoạt động như một nền tảng chủ yếu phục vụ quảng cáo và thương mại điện tử cho sản phẩm thực ngoài đời. Cũng giống như những gì xảy ra với mạng internet di động, sự phổ biến của thực tế ảo tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) sẽ là động lực chính tạo ra cơ hội kinh doanh.
Khi nói về sáng tạo nội dung, các nền tảng chơi game sẽ hướng tới những sáng tạo đột phá, đặc biệt những nền tảng chơi game tạo ra sân chơi cho người dùng tham gia làm nội dung hoặc trò chơi; hoặc mạng xã hội lồng ghép yếu tố trò chơi hỗ trợ trải nghiệm đa dạng hơn. Trên hết, những người chơi game và lập trình viên cần được khuyến khích bằng phần thưởng tượng trưng bằng token để họ gắn bó với vũ trụ ảo.
Thứ hai, truyền tải trải nghiệm. Khi vũ trụ ảo đan xen với thế giới thực, đây là lúc những thiết bị đeo trên người lên ngôi bởi chúng sẽ mang đến trải nghiệm đầy đủ và sống động chân thực nhất về vũ trụ ảo 3D.
Chúng ta có thể thấy tiềm năng đầu tư lớn trong mảng phần cứng đi kèm với vũ trụ ảo, đặc biệt là bộ thiết bị VR với tính năng và thiết kế được nâng cấp. Hiện tại, bộ thiết bị VR còn nặng nề, cảm biến chuyển động còn chưa nhạy và khá khó chịu nếu đeo lâu. Để VR phát triển vượt khỏi phạm vi một sản phẩm chuyên biệt, các thiết bị gắn dây cần tiến hóa lên dạng không dây.
Trải nghiệm hoàn toàn chân thực phải gắn với tất cả ngũ quan của con người: nhìn ngắm, nghe âm thanh, cầm nắm, ngửi mùi và cảm nhận vị giác. Ngày nay, VR chủ yếu mới chỉ liên quan đến môi trường hình ảnh và âm thanh xung quanh. Thế hệ thiết bị VR kế tiếp sẽ cần mang đến cảm giác thật cho người dùng thông qua giả lập điện tử khi họ “sống” trong môi trường số.
Chất lượng thiết bị phần cứng thực tế ảo sẽ được cải thiện với cảm biến công nghệ nhạy hơn với giọng nói, chuyển động nhãn cầu và các cử chỉ của cơ thể, tốc độ tải nhanh hơn, thêm nhiều camera hơn. Khi đó, những đồ chơi công nghệ thông minh này sẽ trở thành một phần đi kèm với những thiết bị phần cứng khác, trở nên dễ sử dụng và thú vị hơn.
Thứ ba, nền tảng cơ sở. Để nhân vật chuyển động trong thế giới ảo và cho phép người dùng tương tác với vật thể cùng những nhân vật khác trong cùng thế giới ảo - theo thời gian thực – đi kèm một khối lượng lớn dữ liệu cần tiếp nhận, truyền tải, phân tích và phản hồi với độ trễ cực thấp.
Để vũ trụ ảo có thể vận hành mượt mà, một lượng lớn dữ liệu sẽ cần được xử lý và trao đổi, dẫn đến phát sinh nhu cầu cao về thiết bị máy chủ đám mây, mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và trung tâm dữ liệu. Vì vậy, các nhà cung cấp hạ tầng công nghệ đó sẽ tạo nên những trụ cột quan trọng cần thiết cho vũ trụ ảo. Theo đó, những doanh nghiệp tham gia vào xây dựng “xương sống” cho vũ trụ ảo sẽ có tiềm năng phát triển trong những năm tới.
Rủi ro thật
Hàng hóa ảo từ lâu đã trở thành một phần tất yếu của các trò chơi điện tử, ở đó, người chơi mua đồ như nhân vật đại diện và những món hàng ảo khác bằng đơn vị tiền ảo.
Tuy nhiên, đồng tiền ảo này thường chỉ dùng được trong các thế giới ảo riêng lẻ. Sự phát triển của tiền mã hóa và token không thể thay thế (Non-Fungible Token – NFT) mở ra tiềm năng cho các giao dịch trong vũ trụ ảo, không phân biệt nền tảng và áp dụng được cho cả nền kinh tế thực ngoài đời.
Trong khi NFT là một phát kiến quan trọng rất cần thiết cho một vũ trụ ảo mở, có những phân khúc thị trường NFT có tính chất đầu cơ cao và bất ổn đối với nhà đầu tư. Hiện tại, sự bất ổn ở mức độ cao và thiếu tính thanh khoản là một số vấn đề nhức nhối của thị trường NFT.
Ngoài ra, sức mạnh lớn nhất của công nghệ NFT đồng thời chính là một trong những điểm yếu “chí mạng”. Ai cũng có thể tạo ra một NFT, điều đó đồng nghĩa với sự tồn tại của rất nhiều NFT thuộc diện “phế phẩm”.
Tương tự, là một ngân hàng, HSBC cho rằng tiền mã hóa, cũng là một dạng tiền tự phát hành, cần được giám sát chặt chẽ như những dạng tiền tự phát hành khác như tiền số được phát hành để bình ổn giá (stablecoin) và “bút tệ” - tiền trên hệ thống sổ sách giấy tờ của ngân hàng thương mại. Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi dấn thân vào lĩnh vực này.
Theo đó, ông James Cheo bày tỏ quan điểm, trước khi vũ trụ ảo trở thành một thứ gì đó chính thống thì cần vượt qua một loạt rào cản từ phía cơ quan chức năng đến các vấn đề liên quan đến năng lực máy tính và bảo mật dữ liệu.
Trong giai đoạn phát triển sơ khai này, các nhà đầu tư cần lưu ý tránh những yếu tố có tính đầu cơ liên quan đến vũ trụ ảo, ví dụ như NFT hiện nay. Thay vì lao vào mua trực tiếp NFT hoặc tiền mã hóa, nên làm việc với những người được coi là chuyên gia trong quá trình phát triển của vũ trụ ảo.
HSBC nhận định, quản lý chủ động sẽ mở ra cơ hội tốt nhất để xác định đâu là cửa thắng và loại bỏ cửa thất bại khỏi vũ trụ ảo. Họ tin rằng cửa thắng là những công ty sẵn sàng đón nhận những xu hướng mới liên quan đến sáng tạo nội dung số, truyền tải trải nghiệm và nền tảng cơ sở - đó là những cánh cửa có tiềm năng sáng nhất.