Mexico cân nhắc dùng công nghệ điều chỉnh thời tiết để chống hạn
Theo Bộ Nông Nghiệp Mexico, dự án mưa nhân tạo tập trung vào 62 đô thị ở phía Bắc và Đông Bắc của nước này, với mục đích 'chống lại tác động của hạn hán và góp phần làm đầy các tầng ngậm nước.'
Hạn hán khắc nghiệt đang bao trùm Mexico, dẫn đến mất mùa, thiếu nước, giá lương thực tăng cao. Giải pháp mà chính phủ nước này đang muốn sử dụng để đối phó với thiên nhiên là mưa nhân tạo, một công nghệ gây nhiều tranh cãi.
Tháng 7 vừa qua, Mexico đã khởi động giai đoạn mới nhất của dự án gây mưa nhân tạo, nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng thời gian vừa qua.
Theo Bộ Nông Nghiệp Mexico, dự án đặt mục tiêu tập trung vào 62 đô thị ở phía Bắc và Đông Bắc đất nước, với mục đích “chống lại tác động của hạn hán và góp phần làm đầy các tầng ngậm nước.”
Gây mưa nhân tạo (cloud seeding) là một công nghệ được phát triển lần đầu tiên vào những năm 1940. Kể từ đó, nó đã được sử dụng ở khoảng 50 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. Mexico cũng đã thử nghiệm công nghệ điều chỉnh thời tiết này trong hơn 7 thập kỷ qua.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học vẫn rất thận trọng về hiệu quả của công nghệ điều khiển mưa và cảnh báo rằng đó không phải là giải pháp tối ưu cho hạn hán.
Roelef Bruintjes, nhà khoa học thời tiết tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ, chia sẻ với hãng tin CNN: “Công nghệ này có một lịch sử gây tranh cãi, vì rất khó để chứng minh những thay đổi nó mang lại dưới góc độ khoa học.”
Để công nghệ gây mưa nhân tạo hoạt động, trước tiên người ta sẽ cần những đám mây. Sau đó, bằng cách sử dụng trực thăng hoặc máy bay không người lái bơm các hạt iot bạc vào đám mây, khả năng có mưa hoặc tuyết rơi sẽ gia tăng.
“Toàn bộ ý tưởng không phải là ‘tạo ra các đám mây’ bởi vì chúng ta không thể tạo ra một đám mây tự nhiên. Những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện là đưa một lượng nước lớn hơn vào trong đám mây nhằm gây ra mưa,” ông Bruintjes nói.
Chính phủ Mexico hy vọng lượng mưa tạo ra từ công nghệ mưa nhân tạo có thể giúp nông dân đối phó tốt hơn với hạn hán đã càn quét qua nhiều vùng rộng lớn của đất nước này trong thời gian gần đây.
Theo cơ quan thời tiết quốc gia Mexico, vào giữa tháng 7, hơn 40% diện tích Mexico đã bị hạn hán từ mức trung bình đến cực đoan. Đất nước này cũng đang phải trải qua một đợt nắng nóng nghiêm trọng, đã khiến ít nhất 249 người thiệt mạng trong 4 tháng qua.
Các nhà khoa học đã khẳng định rõ ràng rằng, tình trạng thời tiết cực đoan sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Các đợt nắng nóng và hạn hán sẽ trở nên phổ biến và dữ dội hơn khi khủng hoảng khí hậu gia tăng.
Theo chính phủ Mexico, vào năm 2021, các chuyến bay gây mưa nhân tạo đã mang lại lượng mưa nhiều hơn 40% bình thường (con số được tính toán bằng cách đo lường sự khác biệt giữa lượng mưa trong dự báo và con số đo đạc thực tế).
Mexico cho rằng, dự án tạo mưa nhân tạo của họ, được triển khai từ tháng 12/2020, đã mang lại những tác động tích cực.
Người phát ngôn của Startup Renaissance, công ty tham gia vào dự án tạo mưa của chính phủ Mexico từ năm 2020, cho biết: “Tất cả các dự án của chúng tôi đều thành công.”
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi của công nghệ gây mưa nhân tạo. Fernando García García và Guillermo Montero Martínez, 2 thành viên của Đại học Quốc gia Mexico, nói rằng vẫn thiếu “bằng chứng chắc chắn” cho thấy việc sử dụng công nghệ gây mưa nhân tạo làm tăng lượng mưa.
Còn theo ông Bruintjes, nhà khoa học thời tiết tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ, công nghệ gây mưa nhân tạo “không phải là một công cụ chống hạn hán.”
Nguyên nhân do trong một đợt hạn hán, thường sẽ không có mây xuất hiện. “Chúng ta không thể tạo ra một đám mây,” ông Bruintjes khẳng định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Mexico đã không trả lời yêu cầu bình luận của truyền thông. Song, phát ngôn viên của Startup Renaissance cho biết, những lời chỉ trích đều dựa trên các công nghệ gây mưa nhân tạo cũ.
Trong khi đó, công ty sử dụng công nghệ phun iot bạc vào mây, thay vì kỹ thuật thông thường là sử dụng các loại pháo bắn lên trên không trung, nhờ vậy mà tạo nên hiệu quả vượt bậc.
Bruintjes tin rằng gieo mưa nhân tạo là một công nghệ hứa hẹn. Có bằng chứng cho thấy các dự án của Mỹ nhằm tăng cường lớp băng tuyết phủ trên ngọn núi ở các bang bao Wyoming và Idaho đã đạt được một số thành công. Nhưng ông vẫn nói rằng sẽ phải có nhiều nghiên cứu và dữ liệu hơn nữa để khẳng định điều này.
Một số chuyên gia cũng đã kêu gọi việc tăng đầu tư vào các biện pháp công nghệ cao và ít tốn kém để bảo vệ tài nguyên nước. “Việc tạo mưa nhân tạo trên các đám mây “chỉ nên được coi là một lựa chọn” trong một chiến lược rộng hơn,” García và Martínez chia sẻ với CNN./.