Mexico và chiến dịch 'bàn tay sạch'
Chính trường Mexico rung chuyển bởi cáo buộc và điều tra liên quan đến 3 cựu Tổng thống nước này dính líu đến đường dây tham nhũng. Điều này là một trong những kết quả mà đương kim Tổng thống Lopez Obrador đã triển khai nhằm vào tội phạm tham nhũng trong thời gian gần đây.
Không bất ngờ
Emilio Lozoya, cựu Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Mexico Pemex giai đoạn 2012-2016 là người “châm ngòi” cho những thông tin nêu trên. Trong tập tài liệu dài 63 trang lan truyền trên mạng xã hội hôm 19/8, Lozoya tố cáo các cựu Tổng thống Enrique Pena Nieto (2012-2018), Felipe Calderon (2006-2012) và Carlos Salinas (1988-1994) cùng hàng chục chính khách khác cùng liên quan tham nhũng.
Cụ thể, theo tờ El Universal, cựu Giám đốc của Pemex tố cáo cựu Tổng thống Nieto và Videgaray, người sau này trở thành Bộ trưởng Tài chính, đã “mua phiếu” để có được sự ủng hộ cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế năm 2013 và năm 2014.
“Trong đó có việc mở cửa ngành năng lượng vốn thuộc độc quyền của Nhà nước trong suốt 75 năm qua. Hai ông Nieto và Videgaray cũng bị tố tống tiền, gian lận và biển thủ” - tài liệu viết.
Ngoài ra, trong số những nhân vật nổi bật bị tố nhận hối lộ có cả Jose Antonio Meade, ứng viên tổng thống thuộc đảng Cách mạng Thể chế (PRI) của ông Nieto năm 2018. Lozoya cho rằng người này cùng các chính trị gia khác đã nhận khoảng 300.000USD.
Riêng cựu Tổng thống Salinas được cho đã thay mặt cho tổ chức Hành động Quốc gia (PAN) nhận hối lộ, mặc dù ông là đảng viên PRI. Các thành viên của đảng này nhận tiền khoảng 4 triệu USD từ một công ty.Trong khi đó, cựu Tổng thống Calderon bị cáo buộc liên quan tới sự bất thường trong một hợp đồng xây dựng nhà máy hóa dầu của Công ty Odebrecht ở Mexico.
Ông Lozoya từng là điều phối viên quan hệ quốc tế cho chiến dịch bầu cử năm 2012 của ông Pena Nieto và sau đó được bổ nhiệm điều hành Pemex. Nhiệm vụ của Lozoya trong chiến dịch tranh cử được cho là thu thập các nguồn tài trợ từ các công ty nước ngoài để rồi dùng chúng không chỉ để chi trả cho các cố vấn Mexico và người nước ngoài mà còn giúp củng cố hình ảnh của ông Nieto trên trường quốc tế.
Ông Lozoya bị bắt ở Tây Ban Nha vào tháng 2 và bị dẫn độ từ Tây Ban Nha về Mexico vào tháng 7 để đối mặt với cáo buộc tham nhũng khi nhận hối lộ hơn 4 triệu USD từ Công ty Xây dựng Brazil Odebrecht. “Các tài liệu mà ông Lozoya không bất ngờ. Chúng tôi đã theo dấu vết và điều tra ra gần hết”- một quan chức tòa án Mexico nói.
Chiến dịch “bàn tay sạch”
Trong số 168 quốc gia nằm trong danh sách khảo sát chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) năm 2016 đã xếp hạng mức độ tham nhũng các quốc gia dân chủ giàu có nằm trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì Mexico là quốc gia OECD tham nhũng nhất hiện nay, với 35 điểm.
Sau khi nhậm chức tháng 12/2018, Tổng thống Lopez Obrador cam kết sẽ loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng tại quốc gia Bắc Mỹ này. Quyết tâm chống tham nhũng thể hiện rõ nhất vào tháng 3/2019 vừa qua, khi Thượng viện Mexico đã thông qua cải cách Hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Lopez Obrador. “Qua đó loại bỏ quyền miễn trừ và tạo cơ sở pháp lý để đưa người đứng đầu chính phủ ra xét xử trong trường hợp tham nhũng”- Reuters nhận định.
Cuộc chiến chống tham nhũng hiện đang được đẩy mạnh ở Mexico trên nhiều “mặt trận”. Hồi tháng 5, các công tố viên nước này đã quyết định truy tố lãnh đạo Nghiệp đoàn Công nhân dầu mỏ Mexico Carlos Romero Deschamps về tội tham nhũng. Cuộc sống xa hoa của cựu Thượng nghị sĩ Romero Deschamps và gia đình, với những chuyến đi bằng máy bay riêng và nhiều xe thể thao sang trọng, trong nhiều năm qua đã làm dấy lên nghi ngờ vị lãnh đạo này tham nhũng.
Đặc biệt, trước khi tài liệu chấn động trên được hé lộ, Viện Di trú quốc gia Mexico (INAMI) ngày 14/8 thông báo đã sa thải hơn 1.000 cán bộ, nhân viên do liên quan tới các hành vi tham nhũng. Giám đốc INAMI Francisco Garduno cho biết, đây một phần của kế hoạch hiện đại hóa và làm trong sạch bộ máy hành chính theo yêu cầu từ Tổng thống. Viện Di trú Mexico đã triển khai hệ thống giám sát video cho phép phát hiện những hành vi bất thường như tống tiền hay tham nhũng.
“Đến nay, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Lopez Obrador lên tới khoảng hơn 70%. Qua đó cho thấy phần lớn người dân nước này ủng hộ đường lối lãnh đạo của Chính phủ với chiến dịch bàn tay sạch” - truyền thông Mexico bình luận.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mexico-va-chien-dich-ban-tay-sach-505338.html