Mì ăn liền có hại cho sức khỏe không? 5 Câu hỏi được chuyên gia giải đáp

Yêu thích mì ăn liền và là món ăn quen thuộc, nhưng đôi khi vẫn e ngại các lời đồn thổi về tác hại mì ăn liền, vậy liệu rằng mì ăn liền có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe không? Theo chuyên gia dinh dưỡng, mì ăn liền không hề 'xấu' khi ta dùng đúng cách.

“Tác hại mì ăn liền ra sao?”, “Ăn mì tôm nhiều có bị sao không?” là một trong các câu hỏi “kinh điển” mà chuyên gia dinh dưỡng thường xuyên nhận được. Thực hư thế nào?

Nếu mì gói có hại cho sức khỏe, tại sao cả thế giới đều ăn?

Mì ăn liền là món ăn hiếm hoi có cả một nhà bảo tàng để trưng bày (Momofuku Ando Instant Ramen Museum - Bảo tàng mì ăn liền, tọa lạc tại thành phố Ikeda ở Nhật Bản) và cũng là thức ăn nhanh (fast food) có số người tiêu dùng ở nước ta cũng như thế giới cao kỷ lục.

5 quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới (2020):

● Trung Quốc/Hong Kong: 46,35 tỷ gói mì ăn liền/1 năm

● Indonesia: 12,64 tỷ gói mì ăn liền/1 năm

● Việt Nam: 7,03 tỷ gói mì ăn liền/1 năm

● Ấn Độ: 6,73 tỷ gói mì ăn liền/1 năm

● Nhật Bản: 5,97 tỷ gói mì ăn liền/1 năm

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không chỉ đa dạng về hương vị, mì ăn liền còn cực kỳ dễ dàng kết hợp với các nguyên liệu khác để tạo ra những món ngon phong phú.

● Mì xào rau củ

● Mì lòng gà

● Mì chiên xúc xích

● Mì bò

● Mì trứng

● Mì thập cẩm

● Mì tôm chua cay

● Mì khô vắt chanh

Nếu mì ăn liền có hại cho sức khỏe, món ăn này không thể trở thành một biểu tượng văn hóa của nước Nhật (quốc gia khai sinh ra mì ăn liền), không thể xuất hiện trên sóng truyền hình, vào các bộ phim nhiều đến vậy, càng không thể được ưa chuộng khắp nơi trên thế giới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thế nhưng có một sự thật, khi mày mò tìm kiếm trên internet những câu hỏi tương tự: “tác hại của mì ăn liền”, “mì gói có hại cho sức khỏe không?”, "mì tôm khó tiêu hóa”, “ăn mì tôm có bị ung thư không?”… ta đều nhận được hàng triệu kết quả tìm kiếm.

Có thể thấy, mặc dù rất yêu thích món mì ăn liền và vẫn ăn khá thường xuyên, một tỷ lệ không nhỏ người dùng luôn thắc mắc về tác hại mì ăn liền, thấp thỏm với nỗi lo vô hình, bắt nguồn từ những lời đồn thổi. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết, các thắc mắc liên quan đến mì ăn liền thường xuyên được hỏi đến. Theo TS.BS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam), mì ăn liền là món ăn chịu nhiều “tiếng oan”, bởi lẽ khi chúng ta ăn thường xuyên một món ăn bất kỳ, những câu hỏi xoay quanh món ăn đó sẽ dần nảy sinh một cách tự nhiên: Món này có tốt không? Có hại gì cho sức khỏe không? Ăn thường xuyên có sao không?

Chuyên gia giải đáp 5 thắc mắc thường gặp nhất về món mì ăn liền

Dưới đây là những thắc mắc thường gặp về mì ăn liền kèm theo giải đáp từ chuyên gia.

Chứa nhiều tinh bột và chất béo như vậy, ăn mì tôm có gây tăng cân không?

PGS.TS Lê Bạch Mai:

Một trong những tác hại mì ăn liền nhiều người e ngại hàng đầu là làm tăng cân, béo phì. Mối lo lắng này bắt nguồn từ suy luận mì ăn liền nhiều tinh bột, nhiều chất béo - là hai nhóm chất mà người cần giảm cân luôn muốn cắt giảm. Tuy nhiên, kết luận mì ăn liền làm tăng cân là điều không có cơ sở khoa học.

Muốn biết mì ăn liền có làm tăng cân hay không, ta quay lại vấn đề cốt lõi: Nhu cầu năng lượng của người trưởng thành là bao nhiêu và mì ăn liền cung cấp bao nhiêu năng lượng?

Bạn cần biết rằng nhu cầu năng lượng hằng ngày của một người trưởng thành sẽ nằm trong khoảng 2.000-2.500 kcal, tùy vào giới tính, hoạt động (nam giới thường có nhu cầu năng lượng cao hơn nữ giới, người vận động nhiều có nhu cầu năng lượng cao hơn người làm việc văn phòng…). Năng lượng này tạo ra chủ yếu từ nhóm thực phẩm chứa chất bột đường, đạm, béo. Trong bữa ăn, năng lượng từ bột đường nên chiếm khoảng 55-65%, đạm 15-20%, béo 25-30%.

Trong khi đó, một sản phẩm mì ăn liền thông dụng (75g) cung cấp các chất dinh dưỡng và năng lượng như sau:

● Chất bột đường: 40-50g

● Chất đạm: khoảng 6,9g

● Chất béo: 10-13g

● Năng lượng: 300-350Kcal

So sánh các số liệu cụ thể như vậy, cho thấy năng lượng mì ăn liền cung cấp chỉ tương đương một bữa ăn bình thường, không hề dư thừa để làm tăng cân. Xét kỹ hơn, chất béo thấm trong vắt mì chiên và gói dầu gia vị đáp ứng khoảng 30-34% tổng số năng lượng của mỗi gói mì ăn liền. Lượng chất béo này đáp ứng 17-19% nhu cầu chất béo hàng ngày cho một người có mức nhu cầu năng lượng là 2.000 kcal (tương ứng với xấp xỉ 70g – 77g chất béo, 75g – 100g chất đạm, 250g tinh bột) một ngày và góp phần đảm bảo bữa ăn nhanh với thực phẩm chính là vắt mì. Lượng chất béo này cũng cân đối so với lượng bột của vắt mì.

Như vậy, có thể thấy, hàm lượng chất béo và tinh bột, năng lượng cung cấp của mì ăn liền đã được tính toán cân đối, hợp lý, không làm tăng cân như nhiều người nhầm tưởng. Bạn có thể yên tâm thưởng thức món ăn yêu thích.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thỉnh thoảng ăn mì gói xong tôi có cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Có phải mì gói chính là nguyên nhân của tình trạng này?

TS. BS Trương Hồng Sơn:

Đầy bụng, khó tiêu là vấn đề sức khỏe bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như có bệnh lý ở đường tiêu hóa, lối sống thiếu khoa học, đang sử dụng một số loại thuốc… Xét riêng về dinh dưỡng, khi nào thì tình trạng khó tiêu xảy ra? Đó là khi chúng ta có một chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, ví dụ như bạn ăn quá nhiều, nhai quá nhanh, thưởng thức một bữa tiệc hàng chục món (thịt, cá, tôm, cua…) chẳng hạn. Thiếu rau xanh, thiếu chất xơ cũng là một nguyên nhân khiến cơ thể chúng ta rơi vào tình trạng khó tiêu.

Bản thân các loại thực phẩm nói chung, mì ăn liền nói riêng không phải là nguyên nhân khó tiêu nếu như ta ăn vừa đủ, nhai kỹ, kết hợp trong bữa ăn đủ các nhóm chất. Bạn có thể yên tâm thưởng thức mì ăn liền và nhớ thêm “sắc màu” với thịt, tôm cá, rau củ vào tô mì của mình.

Tôi rất thích mì ăn liền và những lúc ở lại làm việc muộn thường mang thêm một ly mì cho tiện. Nhưng nhiều bạn bè thấy đều bảo ăn mì thường xuyên vậy sẽ thiếu chất, dễ bệnh. Có phải vậy không?

PGS.TS Lê Bạch Mai:

Nếu bạn ăn hằng ngày chỉ duy nhất một món bất kỳ, ví dụ như chỉ ăn cơm (cơm không, không có thịt cá rau củ bổ sung) hay thịt bò, cơ thể sẽ dư nhóm chất này nhưng thiếu nhóm chất kia. Điều này nghĩa là, bạn cần biết không có loại thực phẩm nào có thể chứa đủ hết tất cả các nhóm chất cùng lúc để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày của cơ thể. Chúng ta cần ăn đa dạng, ăn kết hợp nhiều thực phẩm khác nhau thì mới có thể đáp ứng bài toán dinh dưỡng này.

Chúng ta không thể đòi hỏi mì ăn liền có thể cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng được. Tuy nhiên, ta có thể khắc phục bằng cách bổ sung các nguyên liệu khác vào như rau củ, thịt, tôm, trứng… Ngoài ra, trong trường hợp lỡ bữa, chỉ thưởng thức ly mì, sau đó bạn có thể tự bổ sung, cân bằng lại dinh dưỡng trong những bữa ăn khác trong ngày.

Tôi nghe nói trong mì ăn liền có hóa chất, chất bảo quản độc hại, mì sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần là nguyên nhân gây ung thư. Điều này có đúng không bác sĩ?

PGS.TS Lê Bạch Mai:

Bạn có thể yên tâm, không nên lo lắng về các tác hại mì ăn liền đồn thổi thế này. Thực tế, trên thế giới chưa có ghi nhận nghiên cứu khoa học nào chứng minh mì ăn liền gây ung thư. Cũng xin chia sẻ thêm, công nghệ sản xuất mì ăn liền hiện đại đã cho phép chủ động kiểm soát toàn bộ quy trình, trong đó có kiểm soát chất lượng dầu dùng để chiên, kiểm soát nhiệt độ chiên và các mối nguy gây ra mất an toàn thực phẩm.

Làm sao để vẫn thưởng thức mì ăn liền thường xuyên nhưng đảm bảo sức khỏe, đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể?

PGS.TS Lê Bạch Mai:

Để trả lời câu hỏi của bạn, trước hết chúng ta cần hiểu rõ rằng không có thực phẩm xấu mà chỉ có bữa ăn xấu, ăn sai cách thì sẽ trở thành không tốt. Bản thân mì ăn liền cũng như cơm, phở, bún, bánh mì… đều là thực phẩm cơ bản, không hề gây hại cho sức khỏe. Điều quan trọng là chúng ta kết hợp thêm các nguyên liệu như thế nào để có được bữa ăn đủ chất, cân bằng dinh dưỡng.

Bạn có thể thực hiện một số gợi ý dưới đây, để giúp món mì ăn liền trở nên hấp dẫn, hương vị phong phú, lại bổ sung đầy đủ dinh dưỡng:

● Nên chủ động thêm vào món mì ăn liền lượng chất đạm từ các loại đậu, nấm (đạm thực vật), hoặc tôm, mực, cá, thịt heo, thịt gà, thịt bò, trứng… (đạm động vật). Tuy nhiên, lưu ý là lượng đạm bổ sung chỉ cần vừa đủ như một bữa ăn thông thường, không nên cho thêm quá nhiều thức ăn kèm (ví dụ cho quá nhiều tôm, thịt, lòng gà, xúc xích vào) sẽ vô tình biến mì gói thành một món gây tăng cân bất ngờ.

● Bạn có thể xem trong bếp, tủ lạnh có sẵn các loại rau củ nào để kết hợp với mì ăn liền không. Ví dụ như thêm vào món mì xào một ít cải thìa, giá đỗ, thêm vào món mì tôm chua cay một ít cà chua, rau sống… Đây là cách giúp bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất cho món mì ăn liền. Trong trường hợp không có rau củ gì bổ sung vào món ăn thì ta sẽ chọn cách bổ sung khác, gọi là bổ sung trong ngày, ví dụ như ăn thêm trái cây, sữa,... vào bữa phụ, để đảm bảo tổng lượng dinh dưỡng trong ngày cân đối.

● Ta có thể chọn lựa một số sản phẩm mì ăn liền đã được nhà sản xuất bổ sung thêm mè (vừng), rong biển, các loại rau củ, thịt, trứng… Hàm lượng bổ sung này tuy không nhiều nhưng đa dạng thực phẩm, tạo sự cân bằng dinh dưỡng cho bữa ăn và thêm phần ngon miệng.

● Nên ăn đúng thời điểm, tránh ăn khuya. Bản thân mì tôm không gây tăng cân, nhưng nếu người dùng thường xuyên ăn khuya (ăn sau 8 giờ tối) thì lúc này việc tăng cân rất dễ xảy ra, cho dù chúng ta ăn mì tôm hay món nào khác.

Tôi có thắc mắc 1 tuần ăn bao nhiêu gói mì thì phù hợp?

PGS.TS Lê Bạch Mai:

Câu hỏi này tôi thấy nhiều người cũng băn khoăn như bạn, thực ra chưa có khuyến nghị cụ thể nào mỗi người có thể ăn bao nhiêu gói mì 1 tuần. Trọng tâm luôn là bài toán dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, không riêng gì mì ăn liền nếu như chúng ta lạm dụng một món ăn nào đó thì cơ thể sẽ mất cân bằng dinh dưỡng. Luôn nhớ bổ sung thêm rau, trứng, thịt… để bữa ăn thêm phần ngon miệng cũng như bảo đảm sức khỏe chúng ta một cách tốt nhất.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mi-an-lien-co-hai-cho-suc-khoe-khong-5-cau-hoi-duoc-chuyen-gia-giai-dap-n194104.html