Mì gói, xe hơi và triển vọng kinh tế của Trung Quốc?
Doanh số mì gói ở Trung Quốc bất ngờ tăng trở lại, làm dấy lên cuộc tranh luận: Liệu người tiêu dùng có đang dè sẻn chi tiêu vì lo ngại tín hiệu tiêu cực về triển vọng kinh tế?
Tiêu thụ mì gói (mì ăn liền) ở Trung Quốc bắt đầu giảm kể từ sau năm 2014 một phần bởi các công ty khởi nghiệp đặt mua và giao đồ ăn trực tuyến trợ giá lớn cho các suất ăn đặt qua ứng dụng của họ.
Doanh số mì gói ở Trung Quốc giảm về 38,5 tỉ gói trong năm 2016 nhưng tăng trở lại hơn 40 tỉ gói vào năm ngoái, chiếm hơn 38,8% doanh số mì gói toàn cầu, theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới. Các nhà phân tích dự báo doanh số mì gói ở Trung Quốc tiếp tục tăng lên trong năm nay.
Mì gói là một sản phẩm tiêu dùng mang tính biểu tượng, gắn bó mật thiết với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc trong hơn 40 năm qua. Doanh số mì gói tăng cùng với sự gia tăng của lực lượng công nhân tại các khu công nghiệp và suy giảm khi tầng lớp trung lưu được mở rộng vì những người tiêu dùng giàu có này chuyển sang tiêu thụ những thực phẩm cao cấp hơn.
Bởi vì tầm quan trọng và sự phổ biến, doanh số mì gói và xe hơi thường được so sánh để xác định xem liệu người tiêu dùng Trung Quốc đang nâng cấp hay hạ cấp chi tiêu.
Câu trả lời chính xác rất quan trọng vì chính phủ Trung Quốc đang dựa vào sức chi tiêu của người tiêu dùng để vực dậy tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh nước này đang mắc kẹt ở cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Nếu người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, điều này có nghĩa là tăng trưởng của Trung Quốc có thể suy yếu hơn nữa.
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ tăng trưởng chậm lại trong những tháng gần đây, trong đó doanh số xe hơi gây ra tác động lớn nhất.
Trong 15 tháng trước tháng 9, doanh số xe hơi ở nước này giảm trong 14 tháng, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Giới phân tích xem đây là một dấu hiệu cho thấy rằng, sự kết hợp của mức thu nhập tăng chậm, các khoản nợ cao hơn và các lo ngại về triển vọng việc làm đang khiến người tiêu dùng Trung Quốc dè sẻn hơn trong chi tiêu.
Tăng trưởng thu nhập khả dụng trên mỗi đầu người ở Trung Quốc chỉ tăng trung bình 6,6% trong nửa đầu năm nay, kém so với mức tăng hơn 8% vào năm 2014. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ thực phẩm tăng 10,6% trong tám tháng đầu năm nay, cao hơn mức tăng trưởng bán lẻ nói chung 7,5%.
“Có rất nhiều sản phẩm mì gói đã được nâng cấp nhưng dù sản phẩm thay đổi như thế nói, chúng cũng vẫn là mì gói. Doanh số mì gói tăng ở Trung Quốc không phải nhờ các thay đổi ở sản phẩm mà chủ yếu do sự thay đổi trong các ưu tiêu chi tiêu của người tiêu dùng. Các thực phẩm giá rẻ khác như rau chua cũng đang bán chạy. Mặt khác doanh số hàng xa xỉ như xe hơi đang giảm. Đằng sau tất cả diễn biến này là sự hạ cấp chi tiêu”, Tao Dong, Giám đốc quản lý mảng dịch vụ ngân hàng cá nhân ở châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Credit Suisse, viết trong một báo cáo gần đây.
Song truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ các ý kiến cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc đang giảm chi tiêu. Một bài viết đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo hồi tháng trước nhận định doanh số mì gói tăng trở lại không phải bởi vì người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu mà là câu chuyện thành công của các sản phẩm mì gói được nâng cao chất lượng.
Tingyi Holding, nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc, cho biết doanh thu mì gói của công ty tăng 3,68% trong nửa đầu năm nay lên mức 11,5 tỉ nhân dân tệ (1,6 tỉ đô la Mỹ). Tingyi Holding cho biết doanh thu tăng chủ yếu nhờ các sản phẩm mì gói cao cấp, có giá lên đến 24 nhân tệ (78.000 đồng)/gói, đắt hơn tô mì bò bán tại một số thành phố ở Trung Quốc.
Meng Suhe, Giám đốc Viện Công nghệ và khoa học thực phẩm Trung Quốc, cho rằng sự đa dạng của các sản phẩm mì gói là một minh chứng của sự nâng cấp tiêu dùng. Theo tính toán của viện này, tổng giá trị doanh thu của 22 nhà sản xuất mì gói lớn nhất Trung Quốc đạt 51,5 tỉ nhân dân tệ trong năm 2018, tăng 3,3% so với năm trước đó, nhưng sản lượng mì gói của họ chỉ tăng 0,73% lên mức 34,4 tỉ gói.
Nếu tính trên đầu người, mức tiêu thụ mì gói của Trung Quốc còn kém xa so với Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, mỗi người dân tiêu thụ trung bình 29 gói mì gói vào năm ngoái, trong khi đó con số này ở Hàn Quốc là 74,6 gói.
Theo South China Morning Post
Chánh Tài