Mì Phú Chiêm ở Phố núi

Mì Phú Chiêm là đặc sản nức tiếng của tỉnh Quảng Nam. Bây giờ, thực khách có thể thưởng thức loại mì đậm đà hương vị xứ Quảng này ngay tại Phố núi Pleiku.

Mì Phú Chiêm là món ăn rất bình dân nhưng khi lan tỏa đến các tỉnh, thành phố, nó trở thành đặc sản mang thương hiệu xứ Quảng. Dù được biến tấu theo nhiều cách cho phù hợp với khẩu vị của người dân mỗi địa phương nhưng người chế biến vẫn luôn cố gắng giữ được hương vị đặc trưng vốn có của món ăn. Theo chị Trần Lê Thùy Linh-chủ quán mì Quảng Phú Chiêm (số 13 Hoàng Văn Thái), nguồn gốc tên gọi của món ăn được lấy từ nơi làm ra loại mì thơm ngon nổi tiếng này, đó là làng Phú Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo thời gian, hương vị món ăn bay xa, được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Quảng Nam biết đến, thế là trở thành đặc sản.

Chị Linh sinh ra tại Quảng Nam, theo chồng vào sinh sống, làm việc tại TP. Pleiku. Khi còn nhỏ, chị thường xuyên được thưởng thức món mì Phú Chiêm. Rồi chị được người thân truyền lại công thức nấu mì của xứ Quảng. Hơn 10 năm nay, chị mang bí quyết đó mở tiệm mì nhỏ. Quán rất được lòng thực khách, đặc biệt là những người con đất Quảng xa quê.

Mì Phú Chiêm là món ăn được nhiều thực khách ở TP. Pleiku ưa thích. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Mì Phú Chiêm là món ăn được nhiều thực khách ở TP. Pleiku ưa thích. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Một tô mì Phú Chiêm đúng chuẩn phải hấp dẫn cả về màu sắc và mùi vị. Chị Linh chia sẻ, để nấu được một nồi nước lèo đúng vị truyền thống cần các nguyên liệu chính là tôm tươi, thịt ba chỉ và trứng cút. Người nấu mì Quảng nói chung có thể biến tấu bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau từ heo, gà, bò, cá lóc, ếch… nhưng riêng mì Phú Chiêm thì chỉ đơn giản với thịt và tôm đã tạo nên vị đặc trưng mà khi thưởng thức sẽ nhận ra ngay sự khác biệt.

“Cách chế biến nước dùng cũng khá đơn giản, phần gạch của đầu tôm được tách riêng trộn chung với đậu phộng giã nhỏ để tạo độ sánh, quện đặc. Đây là bước rất quan trọng, quyết định chất lượng nồi nước dùng sau khi gia giảm các loại gia vị cho phù hợp. Tôi sử dụng dầu điều phi thơm khử cùng củ nén, sau đó cho vào nồi nước để cho ra nước có màu óng ánh, nhìn rất bắt mắt. Đối với 2 thành phần chính của món ăn là thịt và tôm sau khi sơ chế được rim trên lửa nhỏ cùng củ nén cho thấm gia vị, lên màu đẹp mắt, đậm đà. Như vậy là đã hoàn thành các công đoạn cho món mì Phú Chiêm”-chị Linh cho biết.

Nếu được thưởng thức tô mì Phú Chiêm ngay tại ngôi làng sản sinh ra nó, thực khách sẽ thấy sợi mì mỏng mượt, dẻo mềm đúng điệu. Tại đây, người dân đều tự tráng mì từ loại gạo ngon xay mịn. Từng sợi mì dài đều, trắng ngà sau khi cắt được quết thêm một lớp dầu đã phi thơm vô cùng hấp dẫn có độ béo và thơm ngon, góp phần tăng thêm sự hấp dẫn của tô mì. Tuy nhiên, ở Pleiku, để thuận tiện, chị Linh lấy nguồn mì Quảng, là loại mì sợi trắng có sẵn ngay tại thành phố. Mặc dù vậy, món mì Phú Chiêm ở quán chị vẫn giữ nguyên được hương vị vốn có của nó.

Ăn kèm tô mì Phú Chiêm không thể thiếu các loại rau sống, phong phú gồm: xà lách thái mỏng, giá, bắp chuối bào, rau thơm, mầm cải xanh… Đặc biệt, ở quán chị Linh, thực khách còn được phục vụ loại ớt xanh thơm thơm, cay nồng được nhập về từ Quảng Nam. Tô mì được chan xâm xấp nước vừa đủ thấm tháp sợi mì, nước dùng có vị ngọt đậm đà tự nhiên của thịt, tôm kết hợp hài hòa với vị hăng giòn của ớt xanh, điểm thêm vài quả trứng cút trộn với rau sống tươi xanh, trên cùng rắc một ít đậu phộng rang thơm nồng đập dập cùng vài miếng bánh tráng nướng chiên vàng ươm ăn kèm chắc chắn sẽ mang lại cảm giác khó quên cho thực khách.

Mì Phú Chiêm được xem là món ăn bình dân với giá dao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/tô. Chính vì vậy, đây là món ăn phù hợp cho mọi đối tượng.

VÕ THANH THẢO

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12399/202107/mi-phu-chiem-o-pho-nui-5746117/