Mía…
Trong những người đang chờ ứng cứu ở một ngôi nhà trơ trọi giữa biển nước ở miền Trung lúc này, có người nào đói và khát tới mức chỉ một ngụm nước mía thôi cũng đủ cho họ cầm cự được thêm lâu hơn giữa mòn mỏi?
Đàn ông có một cái thú rất kỳ dị. Phải dùng từ kỳ dị mới lột tả được hết cái xung đột trong nó. Đó là chơi thể thao mỗi buổi chiều. Chơi thể thao thì tốt mà, tại sao lại kỳ dị nhỉ? Ông nào cũng nói cái câu "Phải ra mồ hôi cho nó khỏe" để rồi chiều chiều rủ nhau ra sân bãi tập luyện. Mà chơi thể thao, đa số thích chơi môn tập thể. Có ba thứ 'tập thể' dễ khiến con người ta bộc lộ bản chất dễ dàng nhất. Đầu tiên là đánh bài bạc. Thứ nhì là nhậu say xỉn. Và cuối cùng là chơi một môn thể thao tập thể, có đối kháng càng tốt, như môn bóng đá vậy. Chơi thể thao tập thể thì có bạn, có đồng đội. Bởi vậy nó mới vui thú. Và vui thú nhất sau khi chơi bao giờ cũng là một ai cất tiếng rủ rê "Đi làm mấy ve/lọ nhỉ?".
Cái nghịch lý kỳ dị đây rồi. Chơi thể thao để ra mồ hôi, để khỏe, để giảm mỡ thừa, để không béo bụng. Rồi chơi xong lại rủ nhau đi uống bia. Trong đám nhậu ấy, số người uống mà có ăn đầy đủ lại chiếm không nhiều. Phần đông nhấm nháp chút chút, no bia là chính. Thế rồi về muộn. Tắm rửa vệ sinh xong là lăn ra ngủ. Sáng dậy tất tả. Chiều lại ra sân banh quần nhau tơi bời. Quần nhau xong lại bia. Ngày ngày cứ theo vòng lặp như thế, ông nào cũng hả hê vì mình "khỏe nhờ chơi thể thao" nhưng phần lớn vẫn lắc đầu khi nhìn xuống bụng thở dài "sao mãi nó vẫn béo thế nhỉ?".
Kỳ dị chưa nào. Một sự kỳ dị vì phản khoa học. Nhưng quan trọng là ối ông phát hiện ra cái kỳ dị ấy, nhưng vẫn cảm thấy nó hứng thú đến vô cùng. Ừ thì thôi đành, AQ một tí vậy. Thà uống bia mà có chơi thể thao còn hơn là uống bia mà chẳng vận động chút nào.
Cái đội bóng đá của cơ quan tôi cũng vậy thôi. Hào hứng với nhau tuần 2 buổi, thứ Hai và thứ Năm. Cũng có động viên nhau, cũng có cãi nhau như mổ bò, cũng có cả giận dỗi… bỏ sang chơi đội đối thủ luôn cho ngầu. Và tất nhiên, có cả rủ rê. Tay Hà bên An ninh TV là hay rủ nhất. Cứ sau mỗi trận y lại đòi "họp đấu pháp" cho trận tới dù khả năng hắn bỏ trận tới vì đi công tác là rất cao. Và mỗi bận gợi ý họp đấu pháp y luôn kèm theo cái nháy mắt "làm mấy lon nhỉ". Anh em thỏa hiệp "ừ, nhưng mà hai lọ thôi nhé". Miệng nói "hai lọ" nhưng trận nào cũng vậy. "Bon mồm" đứng dậy, ít nhất mỗi ông cũng phải dăm bảy lọ chứ chẳng vừa. Bởi thế, cả đội đặt biệt danh cho y là Hà 'lon', cứ như thể y phải gắn với lon bia mới phải.
Nhưng thực ra, có một cái thú khác nữa mà không chỉ đội bóng đá nghiệp dư hơn cả nghiệp dư của chúng tôi có được sau mỗi trận cầu. Rất nhiều đội cũng có cái thú ấy. Đó chính là ngay sau khi đá xong, trước lúc muốn "họp đấu pháp kiểu Hà “lon", ở cơn khát và mệt nhất, cả đội kéo nhau đi tìm ly nước mía. May mắn cho đội bóng của tôi là ông bà quản sân có một cái mái rộng rãi với xe nước mía đặt sẵn ở đó. Xong trận, anh em ngồi chờ ráo mồ hôi là đã có hai ba bình nước mía mới ép để sẵn. Ly đá lạnh cũng sẵn. Muối và tắc (quất) cũng sẵn. Cái vị nước mía ngọt thanh, lạnh tê bởi đá, dậm thêm chút mằn mặn của muối, chút chua chua và mùi thơm nức của tắc nó lôi cuốn kinh khủng. Đúng nghĩa là uống đến đâu biết đến đó. Và sau một trận bóng mệt nhoài, chính cái lượng đường từ ly nước mía kia dường như làm cơ thể hồi phục nhanh hơn thì phải? Bóng đá + bia có thể là một công thức kỳ dị nhưng bóng đá + nước mía thì đúng nghĩa là một công thức tuyệt vời.
Chiều nay mưa, Hà “lon” đi công tác nên vắng, đâm ra cái món họp đấu pháp quen thuộc của Hà cũng không diễn ra. Chầu nước mía cũng xong rồi, anh em cũng vội vàng ai về nhà nấy. Mình tôi ngại mưa to nên ngồi nán lại thêm chút, và gọi thêm ly nước mía nữa uống cho đã cơn thèm. Nhấp nhấp từng ngụm nước mía ngọt thanh, nhìn mấy giọt gianh xuyên qua mái dột, tự dưng thấy nhớ lại mọi hình ảnh của mấy mươi năm trước, ngày còn thơ trẻ, những mùa Hè được cha mẹ đưa về thăm ngoại ở Đà Nẵng. Với tôi, hình như nước mía Đà Nẵng những ngày Hè thập niên 80 mới là thứ nước mía ngon nhất.
Hà Nội thời bao cấp tiệm giải khát không nhiều. Mỗi mùa Hè cũng vẫn xuất hiện những xe nước mía nhưng hiếm hoi lắm. Với lũ trẻ con nhà cán bộ quèn như đám tôi ở xóm, thứ nước giải khát diệu kỳ nhất chỉ là nước đá lạnh. Cả xóm được vài ba nhà có tủ lạnh, toàn của Liên Xô, tủ Xa-ra-tốp hay tủ Zil gì đó và đám ấy được coi là đám "nhà giàu". Chơi cùng hội cùng thuyền, đứa nào "ngoan" thì được đám "nhà giàu" cho một cục nước đá bằng nắm tay mỗi trưa hè. Cũng có lúc ba mẹ tạt về nhà buổi trưa thì mẹ pha cho cốc nước chanh, hay sắn dây, đá mua từ ngoài mấy hàng chè chén, uống ngon đến tê người. Nhưng đa phần vẫn là nước đá suông, thứ giải khát số dzách.
Nhưng về đến Đà Nẵng thì khác hẳn. Hàng nước mía ở Đà Nẵng nhiều vô kể. Cứ chiều chiều tối, cơm nước xong, ba mẹ rủ đi "bách bộ" dạo phố hóng mát, tôi với em gái mừng ra mặt. Vì biết chắc kiểu gì ông bà cũng cho 'kéo ghế'. Chẳng hiểu sao ba mẹ tôi lại dùng cái từ 'kéo ghế' để mô tả chuyện đi uống nước mía vỉa hè. Cái ghế ngả ngày ấy ở Đà Nẵng toàn làm bằng vải PP dệt, ngồi vừa nóng vừa ngứa lưng nhưng tại sao với trẻ thơ lại thần kỳ thế. Chẳng qua cũng chỉ vì ly nước mía đối với cái tuổi hảo ngọt, thèm đường.
Nhà ông bà ngoại nằm ở trung tâm Đà Nẵng, trong một cái kiệt (hẻm) nhỏ nhưng lại có vườn trước, vườn sau và cả hai bên hông. Ở chính hai bên hông ấy, ông bà trồng mấy bụi mía. Ấy vậy mà chưa bao giờ tôi dám bén mảng vào cái khoảng bên hông chỉ rộng chừng mét rưỡi ấy để chặt mía ăn cả. Tại tôi sợ mèo. Ngày ấy mèo hoang nhiều lắm và trong cái khoảng có mấy bụi mía ấy, mấy lần tôi gặp một con mèo đen mắt xanh mà cứ nhìn thôi là đã thấy chết khiếp rồi.
Mía là thứ được trồng ở miền Trung rất nhiều. Nhưng người trồng mía cũng xất bất xang bang nhiều lắm vì chuyện thu mua của mấy nhà máy mía đường. Xứ nào trồng mía giàu có thì tôi không biết. Chứ miền Trung xứ mình, tôi chưa thấy ai trồng mía mà giàu cả. Và bây giờ, đúng lúc này, khi mấy giọt gianh kia cứ nhỏ xuống bàn sau khi xuyên qua mấy lỗ dột, miền Trung đang chìm trong cơn lũ lớn như chưa bao giờ từng. Nhà ngoại tôi bây giờ thế nào? Tự dưng cảm thấy trong lòng mình đầy rẫy những nỗi lo, nỗi sợ, nỗi khắc khoải dù tôi cũng đã có lần vượt lụt năm 1999 để từ Đông Hà vào Huế đặng sớm hôm sau bắt tàu chợ về Đà Nẵng thăm ông bà.
Thảm cảnh của đợt lũ năm nay là rõ ràng rồi. Vậy mà vẫn có những người đây đó lên rao giảng rằng "miền Trung năm nào chả lụt" để bao biện cho một sự thật còn rõ ràng hơn là đất ngày một trống, đồi ngày một trọc nên lũ lụt cũng ngày một hung bạo hơn nhiều lần. Bao nhiêu cánh đồng mía đã trở thành đô thị mới? Bao nhiêu héc ta rừng phòng hộ đã bị hi sinh cho những dự án tham vọng của con người? Chúng ta cần nhiều quá, đòi hỏi nhiều quá mà chúng ta quên mất rằng đất đai cũng có quyền đòi hỏi. Không có cây cối, đất sẽ chỉ còn là một cơ thể vô hồn. Không có cây cối, đất sẽ trôi theo con nước dữ mà đổ ập vào người dân ở cái dải đất hẹp nhất, khổ cực nhất, trải qua nhiều mất mát nhất suốt 1 thế kỷ đã qua.
Và khi tôi nhấm nháp ngụm nước mía cuối cùng, tôi chợt cảm giác nó không còn vị ngọt thần thánh mà tôi từng mê thích nữa. Bởi vì khi ấy, một câu hỏi bật lên trong đầu tôi. Trong những người đang chờ ứng cứu ở một ngôi nhà trơ trọi giữa biển nước nào đó ở một xã nào đó ở miền Trung lúc này, có người nào đói và khát tới mức với họ, chỉ một ngụm nước mía rẻ tiền thôi cũng đủ cho họ cầm cự được thêm lâu hơn giữa mòn mỏi? Mà đau đớn thay, người có thể thèm và khát một ngụm nước mía ấy lại sống ở chính vùng miền có thể trồng mía tốt nhất nước mình.
Giá như họ có thể giàu lên bằng cây mía nhỉ? Có khi cơn lụt thường niên năm nay cũng đã khác…
* Ảnh trong bài: L.G.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/mia-617868/