Mía đường Lam Sơn: Lãi lớn, quỹ đầu tư phát triển vượt mốc 600 tỷ đồng
Niên độ tài chính 2023- 2024, Công ty CP Mía đường Lam Sơn ghi nhận lợi nhuận tăng cao, góp phần đưa quỹ đầu tư phát triển của đơn vị vượt mốc 600 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất niên độ 2023 -2024 (từ ngày 1/7/2023 - 30/6/2024) mới công bố, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Mía đường Lam Sơn - LASUCO) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực.
Theo đó, trong niên độ 2023 -2024, Mía đường Lam Sơn có doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.692 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Giá vốn đạt 2.343 tỷ đồng, giúp lợi nhuận gộp của đơn vị ghi nhận hơn 348,8 tỷ đồng.
Đi cùng đà tăng trưởng của doanh thu và giá vốn, trong kỳ này, Mía đường Lam Sơn ghi nhận chi phí bán hàng ở mức 71,7 tỷ đồng, tăng hơn 18,5% so với cùng kỳ và và chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 84 tỷ đồng. Tính chung cả niên độ tài chính 2023-2024, Mía đường Lam Sơn báo lãi sau thuế 123,5 tỷ đồng - tăng gấp 4 lần so với niên độ trước.
Lý giải về biến động lớn trong kết quả sản xuất kinh doanh gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Mía đường Lam Sơn cho biết niên độ này thị trường ngành mía đường khởi sắc, đồng thời công ty đã quản trị, kiềm chế tốt các chi phí dưới mức tăng chung các khoản thu nên ghi nhận kết quả thuận lợi.
Ngoài ra, theo lý giải trong báo cáo tài chính nói trên, hiện các khoản doanh thu từ đường và chế phẩm sau đường vẫn là chủ đạo của đơn vị khi chiếm tới hơn 90% tổng doanh thu. Riêng giai đoạn cao điểm từ 1/4 tới 30/6 năm nay, đơn vị ghi nhận hơn 870 tỷ đồng doanh thu, trong đó từ đường đạt hơn 827 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2024, Mía đường Lam Sơn ghi nhận tổng nguồn vốn đạt 2.973 tỷ đồng, tăng hơn 430 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó, vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.753 tỷ đồng, với hơn 801 tỷ đồng là vốn góp các cổ đông, tăng hơn 55 tỷ đồng so với đầu kỳ. Khoản này tới từ hoạt động Mía đường Lam Sơn tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu.
Đáng chú ý, trong khoản mục vốn chủ sở hữu, Mía đường Lam Sơn hiện đang ghi nhận tới hơn 600 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển lũy kế, sau khi được trích lập thêm hơn 2,3 tỷ đồng, chiếm khoảng 35% vốn chủ. Các khoản này được trích lập qua nhiều năm và gần như không được nêu rõ trong các báo cáo thường kỳ.
Kỳ này, Mía đường Lam Sơn ghi nhận nợ phải trả 1.203 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với đầu kỳ. Trong đó, chủ yếu là các khoản vay nợ ngắn hạn hơn 855 tỷ đồng, còn các khoản nợ dài hạn là 59 tỷ đồng, gần như không biến động so với đầu năm.
Về tài sản, tại ngày 30/6, Mía đường Lam Sơn có tài sản ngắn hạn đạt trên 1.602 tỷ đồng, trong đó ghi nhận biến động lớn từ hàng tồn kho với 1.080 tỷ động, tăng hơn 330 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn 415 tỷ đồng, tăng gần 90 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn Mía đường Lam Sơn có một số khoản mục chiếm tỷ trọng lớn và có biến động lớn như: đầu tư xây dựng dở dang 335 tỷ đồng, giảm 45 tỷ đồng so với đầu kỳ; đầu tư tài chính dài hạn 85 tỷ đồng tăng hơn 50 tỷ đồng... Trong khi tài sản dài hạn ghi nhận hơn 1.371 tỷ đồng, giảm khoảng 50 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Trong báo cáo tài chính kỳ này ghi nhận, Mía đường Lam Sơn đang đầu tư vào 7 công ty con, 1 công ty liên kết và góp vốn vào 2 đơn vị khác.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Công ty CP Mía đường Lam Sơn có cổ đông lớn là Hiệp hội Mía đường Lam Sơn - Thanh Hóa nắm giữ khoảng trên 22% tổng số cổ phần của Lasuco. Hiêp hội này được chính Lasuco sáng lập năm 1995 nhằm mục tiêu hỗ trợ, kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trồng nguyên liệu. Ông Lê Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT của Lasuco cũng từng là Chủ tịch HĐQT Hiệp hội Mía đường Lam Sơn nhiệm kỳ 2020-2022 và không tham gia HĐQT của Hiệp hội từ giai đoạn 2022-2024.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của Mía đường Lam Sơn, một cổ đông lớn khác là Công ty CP Thương mại và Đầu tư Thăng Long Hà Nội đã gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Lasuco lên gần 10,5% cổ phần tại đơn vị này.