Mía Đường Sơn La chia cổ tức tiền mặt lên 150%
Mía Đường Sơn La đã thông qua việc tăng tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt cho niên độ 2022 - 2023 từ 100% lên 150% khi giá đường lập đỉnh 12 năm.
Ngày 26/9, CTCP Mía Đường Sơn La (Mã: SLS) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên độ 2023 - 2024. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận niên độ 2022 - 2023 với tỷ lệ 150% (15.000 đồng/cp), tương ứng số tiền cần chi trả gần 147 tỷ đồng. Trước đó, theo tài liệu, Mía Đường Sơn La dự định chia cổ tức 10.000 đồng/cp. Đây cũng là tỷ lệ cổ tức cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết trên sàn (năm 2012).
Tại ngày 30/6, bà Trần Thị Thái đang nắm 27,4% vốn điều lệ của Mía Đường Sơn La; Công ty TNHH Thái Liên nắm 15 và ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT sở hữu hơn 9,8% cổ phần. Số cổ phần còn lại thuộc về các cổ đông khác.
Phương án phân phối lợi nhuận được thông qua trong bối cảnh niên độ 2022 - 2023, Mía Đường đã ghi nhận mức doanh thu thuần trên 1.676 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 523 tỷ đồng, tăng trưởng 93% và 179% so với niên độ trước đó và là kết quả cao nhất từ trước đến nay của công ty. Yếu tố hỗ trợ cho Mía Đường Sơn La đạt được thành tích trên là giá đường thế giới đạt mức cao nhất 12 năm qua do nguồn cung bị co hẹp bởi ảnh hưởng từ El Nino.
Sang niên độ 2023 - 2024, Mía Đường Sơn La dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 50% (5.000 đồng/cp).
Đại hội cổ đông thường niên vừa qua cũng đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu thuần cho niên độ 2023 - 2024 là 1.046 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 137 tỷ đồng, giảm lần lượt 39% và gần 74% so với thực hiện trong niên độ trước.
Mía Đường Sơn La nhận định biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến công tác sản xuất nguyên liệu, dẫn đến diện tích mía còn lại đưa vào thu hoạch vụ 2023 - 2024 giảm 560 ha so với vụ trước. Ngoài diện tích, năng suất mía cũng sẽ giảm rất sâu, dự kiến bình quân chỉ đạt 80% so với vụ trước.
Bên cạnh đó, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao làm giảm thu nhập người trồng mía, vùng nguyên liệu của công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác.
Trong khi đó, theo báo cáo của SSI Research, giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam.
“Giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía. Các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường”, SSI Research viết.
Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu đường cho niên vụ tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10/2023. Nguyên nhân chính là để đảm bảo nhu cầu nội địa của Ấn Độ và lo ngại sản lượng yếu (El Nino gây thiếu mưa). Việc này có khả năng tác động tích cực đến giá đường thế giới trong niên vụ 2023 - 2024.