Mía đường Việt Nam 'thoi thóp' nhìn đường ngoại bán phá giá
Từng khủng hoảng vì đường nhập lậu, nay ngành mía đường tiếp tục bị lép vế bởi đường ngoại nhập được ưu đãi thuế và có hiện tượng bán phá giá.
Sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, từ ngày 1/1/2020, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.
Khó khăn đến từ nhiều phía
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước.
Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%). Bên cạnh đó, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma cũng gia tăng..
Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) cũng cho biết, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước do gian lận thương mại đường nhập lậu, với đường nhập lậu chính là loại đường phá giá xuất phát từ Thái Lan.
Trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường của họ.
Tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” do Bộ Công Thương phối cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 1/12, ông Đỗ Văn Thảo, nông dân trồng mía tại Kon Tum cho biết, mía là cây chủ lực giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo. Nhưng từ đầu năm 2020, khi Việt Nam chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan với các nước ASEAN, người trồng mía gặp vô vàn khó khăn. Giá đường xuống thấp kéo theo giá mía xuống mức thấp kỷ lục.
“Mặc dù đã được công ty thu mua hỗ trợ nhưng người dân không thể tiếp tục trồng mía do giá thu mua quá thấp. Giá mua mía không thể bù đắp được chi phí đầu tư khiến nhiều nông dân trồng mía nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng mía, vì càng trồng càng lỗ”, nông dân Đỗ Văn Thảo lo lắng và đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần có biện pháp ngăn chặn đường nhập lậu, đẩy nhanh thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ người nông dân trồng mía, ngành mía đường trong nước.
Bà Trần Thị Yến, nông dân trồng mía đến từ Phú Yên cũng chia sẻ bức xúc, khi đi chợ chỉ thấy đường Thái Lan, bao bì đường có chữ Thái Lan, không hề thấy sự xuất hiện của đường trong nước. “Đại diện cho người trồng mía Phú Yên, tôi đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có biện pháp, nâng giá mía thu mua tại ruộng lên mức 900 đồng/kg, đồng thời, có biện pháp ngăn chặn đường nhập lậu, giúp ổn định giá mía đường trong nước”, bà Yến mong muốn.
Kiểm soát đường ngoại, tạo cơ hội cho đường trong nước
Trước sức ép của đường nhập khẩu khiến sản xuất và chế biến đường trong nước gặp nhiều khó khăn, đại diện nhiều doanh nghiệp mong muốn cần có chế tài phòng vệ thương mại kịp thời. Ngoài ra, ngành mía đường cũng cần được quy hoạch, triển khai những giải pháp mới nhằm “giải cứu” ngành thoát tình trạng “bết bát” như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường cho rằng, để phát triển ngành mía đường trong nước và tạo sinh kế của người trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường.
“Đây là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống", ông Lộc cho hay.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành mía đường, tháng 9/2020, Bộ Công Thương ban hành quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Bên cạnh đó, tháng 6/2020, Bộ Công Thương cũng ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
“Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Cục PVTM sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan, nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài", ông Dũng khẳng định.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho rằng, muốn phát triển ngành mía đường bền vững, trước hết phải củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu theo hướng hợp tác, liên kết giữa các nhà máy với nông dân.
Quá trình này nhiều khả năng sẽ phải loại bỏ những nhà máy hay diện tích trồng mía kém hiệu quả theo quy luật phát triển để có thể hình thành cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, chăm sóc, tưới tiêu đến thu hoạch./.