Michal Silhavy và ác mộng xe máy, thú vui nhận phong bì
Trong nhiều năm, việc người Việt Nam tới CH Czech lao động khá phổ biến. Tuy nhiên Michal Silhavy quyết định đi theo hướng ngược lại để khi trở về sau 3 năm chơi bóng ở V-League, anh đã thay đổi cách nhìn nhận của người CH Czech về đất nước hình chữ S.
“Anh không sợ khi quyết định tới Việt Nam sao?”, “Anh có bị theo dõi không?”, “Nghe nói có nhiều tội phạm ở đó?”… là những câu hỏi mà thủ môn Michal Silhavy, người CH Czech đầu tiên chơi bóng tại V-League, thường đối mặt khi về nước. Và đó là lúc để anh nhận ra nhận thức về Việt Nam của nhiều đồng hương hoàn toàn sai lầm. 3 năm khoác áo 3 CLB, gồm Thể Công (2008), Sông Lam Nghệ An (2009) và Hoàng Anh Gia Lai (2010), giúp Silhavy có cái nhìn rất khác về Việt Nam.
“Tôi từng nghe nói về những điều này kia, nhưng khi tới Việt Nam, tôi chỉ thấy một đất nước đang mở mang, đầu tư, xây dựng ở khắp mọi nơi và mọi thứ thay đổi từng ngày”, Silhavy nói với báo CH Czech. “Đó cũng là một đất nước tự do, người dân thân thiện và các đồng đội cũng rất tuyệt. Đó là lý do có rất nhiều người nước ngoài tới đây, bao gồm những người đến để chơi bóng”.
Dĩ nhiên với một người nước ngoài, việc thích nghi không phải dễ dàng. “Mỗi ngày bạn sẽ gặp phải những bất ngờ nhỏ, một điều gì đó không được như ý muốn. Nhưng tôi hiểu mình đang ở một đất nước khác, một nền văn hóa khác”, Silhavy cho biết. “Ví dụ cứ mỗi buổi sáng khi thức dậy tôi lại nghe tiếng loa phường. Người ta nói cái gì trên đó mà tôi không hiểu, nghe cứ như đang tuyển quân, hoặc cảnh báo đám nợ nần liệu mà trả sớm”.
Thật ra, Silhavy cũng cố học tiếng Việt để hiểu, nhưng nó quá khó với anh. “Tôi có một cuốn sách giáo khoa, nhưng mù tịt khi nhìn vào đó”, cựu thủ môn người CH Czech nói. “Đây thực sự là ngôn ngữ cực khó, sau cùng tôi chỉ có thể nói vài từ như con số, chào hỏi hay món ăn”.
Nhân nói về thức ăn, Silhavy kể rằng ở Việt Nam không thiếu thứ gì, kể cả bia CH Czech cũng có. Nhưng điều anh ấn tượng nhất là cách thức ăn uống cùng nhau. “Trong đội, chúng tôi cứ 6 người ngồi quanh cái bàn, trước mặt là thức ăn đựng trong vài ba cái tô, sau đó mọi người cùng gắp và ăn uống. Khi về phòng, các đồng đội của tôi mua khoai tây chiên và bày ra sàn, rồi tất cả cùng ăn. Đó là những chàng trai thực sự tốt, sẵn sàng chia sẻ mọi điều họ có”.
Chỉ một thứ văn hóa mà Silhavy cảm thấy khổ sở là chuyện người Việt tuân thủ lịch trình ăn uống. “Ăn trưa vào lúc 11 giờ và bữa tối bắt đầu lúc 18 giờ, vì vậy mọi việc phải được hoàn thành trước giờ đó”, anh nói. “Đó là lý do chúng tôi vẫn ra sân tập hay thi đấu lúc 3 giờ chiều. Cái nắng tháng 7, tháng 8 thì thật khủng khiếp, có lẽ phải tới 50 độ”.
Điều an ủi với Silhavy là bầu không khí nóng bỏng vào những ngày thi đấu. “Thường có khoảng 2 vạn khán giả cổ vũ chúng tôi, cao nhất có trận lên đến 3 vạn rưỡi”, thủ môn từng chơi cho Thể Công và Sông Lam Nghệ An kể. “Dưới sân, các cầu thủ nhanh và kỹ thuật. Họ cũng thích tấn công nhưng thiếu ý thức chiến thuật khi phòng thủ. Đứng trong cầu môn, tôi phải liên tục hét lên, thậm chí là van nài, họ đứng đúng vị trí”.
Trong một sự liên tưởng, điều này cũng khá giống cách người Việt tham gia giao thông. Silhavy nói: “Ở Việt Nam, vì thuế cao nên không phải ai cũng có ô tô, nhưng xe máy thì người nào cũng có một chiếc. Họ đi theo cách họ thích, bất chấp các quy định. Ví dụ, thay vì vòng qua bùng binh, họ lại đi ngược chiều. Hồi ở Thể Công, CLB cấm tôi đi xe máy vì sợ tai nạn nên tôi thường đi taxi. Phải đến khi tới Vinh, tôi mới dám đi xe máy. Có điều phải cẩn thận hết mức, đi chậm hết mức. Thế nên tôi rất thích Tết. Mọi thứ đều sạch đẹp và đường thì thông thoáng”.
Chia tay Việt Nam đã 12 năm và Silhavy “thực sự tiếc khi không thể ở đó lâu hơn”. Ngoài những trải nghiệm từ Bắc chí Nam, điều mà anh thích nhất là thu nhập cao, cộng với các khoản thưởng. Anh nói với sự phấn khích cao độ: “Điều kỳ lạ ở nơi khác nhưng hết sức bình thường ở đây là việc chúng tôi được thưởng tiền sau các trận thắng hoặc hòa. Thật tuyệt. Tôi cầm phong bì và đi thẳng tới ngân hàng để gửi”.