Mickey Mouse trở thành tài sản công chúng: Mỏ vàng hay 'bẫy chuột' của Nhà Chuột?
Từ cuối năm 2023, cộng đồng sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới đã râm ran rằng, nhân vật hoạt hình nổi tiếng trong tuổi thơ của bao thế hệ – Mickey Mouse (chuột Mickey) trở thành tài sản công chúng vào năm 2024. Sự kiện này đã làm tốn biết bao trang báo của giới báo chí nhưng liệu có đúng rằng việc sử dụng hình ảnh chuột Mickey sẽ được tùy ý cho bất kỳ mục đích nào?
Chuột Mickey đã trở thành tài sản công chúng nhưng công chúng vẫn có thể bị kiện vì sử dụng hình ảnh “chuột Mickey” của nhà Disney (công ty giải trí đang nắm giữ quyền SHTT của nhân vật hoạt hình này). Đây là một vấn đề lắt léo bởi không biết “chú chuột Mickey” nào sẽ trở thành tài sản của công chúng?
Mickey có tới 120 biến thể
Để bắt kịp với thời đại và ngành công nghiệp giải trí, Disney luôn cải tiến hình ảnh của Mickey. Ước tính đến thời điểm hiện tại, có tới 120 biến thể(1) của nhân vật hoạt hình này. Sự đa dạng và lịch sử phát triển lâu đời của chuột Mickey khiến cho phần lớn chúng ta khi nghe tin chú chuột tinh nghịch thuộc về công chúng đều sẽ nghĩ đến các phiên bản chuột hiện đại với đầy đủ màu sắc, chứ không phải phiên bản đầu tiên năm 1928. Đây mới thực sự là bản “miễn phí”. Vì suy cho cùng, chú chuột 1928 “lớn tuổi” hơn hầu hết khán giả hiện đại.
Sẽ không thừa khi một lần nữa nhấn mạnh: chỉ có chú chuột Mickey trắng đen được sáng tạo năm 1928(2) mới trở thành tài sản công cộng và cho phép công chúng sử dụng mà không vi phạm quyền tác giả của Disney cũng như không phải trả tiền.
Sở dĩ phiên bản Mickey Mouse năm 1928 trở thành tài sản công chúng vì nó sẽ kết thúc thời hạn bảo hộ quyền tác giả dài kỷ lục vào đầu năm 2024. Việc bảo hộ quyền tác giả cho chú chuột Mickey năm 1928 đến tận 95 năm là chưa có tiền lệ và thực ra, chính chú chuột này tạo ra tiền lệ bảo hộ quyền tác giả dài lâu cho những chú chuột phiên bản thời hiện đại.
Ban đầu, chuột Mickey được sáng tạo năm 1928 lẽ ra chỉ được bảo hộ trong 56 năm kể từ ngày nhân vật này được tạo ra. Tuy vậy, dưới sự tích cực vận động hành lang của Disney mà Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cho phép bảo hộ quyền tác giả tới 50 năm kể từ ngày tác giả mất, sau đó, thời hạn bảo hộ lại tiếp tục được gia hạn tới 70 năm. Chính vì vậy, có lẽ còn rất lâu để các phiên bản chuột Mickey có màu sắc trở thành tài sản công chúng và việc tính toán chính xác thời gian bảo hộ cho những chú chuột hiện đại cũng gặp nhiều khó khăn khi phải xác định phiên bản Mickey Mouse đó được sáng tạo bởi tác giả nào và đã mất hay chưa…
Hiểu được ngọn nguồn câu chuyện, có lẽ công chúng cũng sẽ bớt phần háo hức với thông tin hình ảnh Mickey Mouse trở nên miễn phí vì phiên bản 1928 khó có giá trị khai thác rõ ràng nào đối với xã hội. Thậm chí, ngay cả trong hoạt động của Disney, chú chuột 1928 cũng không còn được sử dụng đến nữa và có lẽ nó chỉ còn mang giá trị tinh thần là chú chuột đầu tiên của Nhà Chuột. Giá trị của chuột Mickey 1928 giờ đây không khác gì phiên bản Windows 1.0.
Sử dụng hình ảnh Mickey 1928: những chiếc “bẫy” vô hình
Không cần bàn cãi, chuột Mickey cho đến thời điểm hiện tại vẫn là một trong những tài sản mang giá trị thương mại cao cho Disney, đồng thời là hình ảnh đại diện của đế chế giải trí này. Chính vì vậy, Disney vẫn đang bảo vệ rất chặt chẽ các quyền SHTT liên quan. Như đã nói, bộ luật quyền tác giả của Mỹ phải nhiều lần thay đổi theo để bảo hộ chuột Mickey đến mức giới báo chí Mỹ còn châm chọc gọi đây là “Đạo luật bảo vệ Mickey Mouse”.
Ngoài quyền tác giả, Disney còn thực hiện chiến lược bảo vệ toàn diện nhân vật bằng cách kết hợp bảo hộ nhãn hiệu. Vì vậy, việc sử dụng hình ảnh Mickey Mouse còn vướng phải nhiều giới hạn cho công chúng. Cụ thể, công chúng có thể sử dụng hình ảnh Mickey Mouse nhưng không thể sử dụng tên “Mickey Mouse” hay một phần hình ảnh của chú chuột, ví dụ như chiếc tai chuột nổi tiếng vốn đã hình thành mối liên kết mạnh mẽ cho người tiêu dùng rằng đó là hình ảnh chú chuột Mickey của Disney mà không phải là của công ty hay cá nhân nào khác. Chính xác hơn, một bên chỉ có thể dùng lại chính xác, toàn vẹn hình ảnh Mickey Mouse năm 1928 và việc sử dụng này không được gây nhầm lẫn cho công chúng rằng bên này có bất kỳ mối liên hệ nào với Disney.
Việc công chúng muốn sáng tạo, chỉnh sửa hình ảnh chú chuột Mickey năm 1928 về lý thuyết là không bị cấm. Tuy nhiên, vì có rất nhiều biến thể Mickey Mouse vẫn đang trong thời gian được bảo hộ quyền tác giả, vậy nên, việc chỉnh sửa, phát triển một chú chuột từ chuột “Mickey” 1928 rất dễ bị xem là xâm phạm quyền tác giả (có thể là quyền tạo ra tác phẩm phái sinh) từ hình ảnh những chú chuột Mickey còn đang được bảo hộ. Đây chính là “cạm bẫy” có thể khiến công chúng vướng vào những vụ kiện tụng với Disney.
Disney trong thời gian sắp tới sẽ giám sát rất kỹ lưỡng việc sử dụng hình ảnh Mickey Mouse 1928 và việc Disney nhận thấy tác phẩm sáng tạo từ phiên bản này có khả năng gây nhầm lẫn và phương hại đến quyền sở hữu của họ (đối với những chú chuột đang được bảo hộ khác) sẽ quyết định việc một người có bị kiện hay không. Dù người này có khả năng chứng minh rằng mình không sao chép từ những chú chuột Mickey đang được bảo hộ đi nữa thì phần phán quyết sẽ phụ thuộc vào tòa án và không cần nhắc lại, đây sẽ là một trận chiến pháp lý trường kỳ và khó nhằn khi phải đấu với một gã khổng lồ nhiều năm tuổi như Disney.
Công chúng có thể đang quá hào hứng về việc được sử dụng hình ảnh Mickey Mouse, vốn đã và đang mang nhiều giá trị thương mại khi nhìn vào thực tế việc chú gấu Winne Pooh trở thành tài sản công chúng và ngay lập tức được dựng thành phim nhưng Disney không có bất kỳ động thái nào. Tuy vậy, chúng ta cần lưu ý rằng, vị thế của chú gấu Winnie Pooh và Mickey Mouse không hề tương đồng. Cứ nhìn vào các công viên giải trí của Disney trên toàn thế giới vẫn có hình ảnh Mickey Mouse làm hình ảnh đại diện và tượng của Walt Disney nắm tay chú chuột này ở các công viên giải trí thuộc Disney mà không phải Winnie Pooh thì bạn sẽ thấy dễ hiểu hơn về những khó khăn sắp tới trong việc sử dụng hình ảnh Mickey Mouse.
Vậy phải chờ bao lâu thì Mickey Mouse nổi tiếng thực sự trở thành tài sản của công chúng thì đó là một câu hỏi khó. Liệu Disney sẽ cố gắng thay đổi luật hay áp dụng các biện pháp bảo vệ Mickey Mouse bằng những quyền SHTT khác? Hoặc đơn giản là liên tục đổi mới hình ảnh Mickey Mouse để tạo ra những phiên bản mới và từ đó kéo dài thời hạn bảo hộ chú chuột này đến vô tận!
Việc Micky Mouse trở thành tài sản công chúng có lẽ đã làm chúng ta quá bay bổng với những dự định trong việc sử dụng hình ảnh chú chuột. Thế nhưng khi thực sự đặt chân và rảo bước trên con đường của sự tự do thì những khó khăn, giới hạn và sự kiểm soát chặt chẽ từ Disney sẽ dần lộ ra bóng hình là những chiếc “bẫy chuột”. Liệu sức mạnh từ công chúng có thể phá bỏ chiếc bẫy từ Nhà chuột hay không sẽ là một câu chuyện thú vị trong thời gian sắp tới.
(*) IP Paralegal, Hogan Lovells International LLP