Microsoft áp đặt yêu cầu mới đối với các nhà cung cấp chính
Theo tờ The Wall Street Journal (WSJ), Tập đoàn Microsoft ngày 15/5 cho biết sẽ yêu cầu các nhà cung cấp chính của công ty sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này.
Đồng thời thừa nhận thách thức lớn nhất trong việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu là giải quyết lượng khí thải đến từ chuỗi cung ứng và các nguồn gián tiếp khác. Giám đốc phụ trách Phát triển bền vững của Microsoft, bà Melanie Nakagawa, cho biết công ty sẽ yêu cầu các nhà cung cấp có quy mô lớn, chọn lọc sử dụng 100% điện không có carbon vào năm 2030 đối với hàng hóa và dịch vụ được giao cho Microsoft.
Các yêu cầu này sẽ được triển khai vào đầu năm tài chính 2025 như một phần của bản cập nhật tổng thể Quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp của công ty. Tuy nhiên công ty chưa sẵn sàng loại bỏ các nhà cung cấp không đáp ứng được mục tiêu về khí hậu.
Micorosft có ảnh hưởng to lớn đối với lĩnh vực công nghệ do có chuỗi cung ứng rộng khắp và vị trí thống trị trên thị trường. Bất kỳ động thái nào nhằm buộc các nhà cung cấp tuân thủ quy định mới đều có khả năng gây ra phản ứng trong toàn ngành trong ngắn hạn, nhưng cuối cùng sẽ có tác động tích cực đáng kể đến nỗ lực khử cacbon của ngành.
Microsoft cho biết ưu tiên hàng đầu của công ty là hợp tác với các nhà cung cấp để hỗ trợ họ đáp ứng những yêu cầu này. Trong báo cáo phát triển bền vững công bố hôm 15/5, Microsoft cũng xác định chưa đi đúng hướng trong việc sử dụng nước và cho rằng công ty cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm mức tiêu thụ và bổ sung lượng nước nhiều hơn sử dụng cho các hoạt động của trung tâm dữ liệu.
Ngoài ra, Microsoft được cho là đã yêu cầu các nhân viên điều hành điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo làm việc ở trụ sở tại Trung Quốc cân nhắc việc chuyển ra khỏi nước này, trong bối cảnh Washington ngăn chặn việc Bắc Kinh tiếp cận công nghệ tiên tiến. Theo WSJ, các nhân viên, chủ yếu bao gồm các kỹ sư Trung Quốc, đã được trao cơ hội chuyển đến các quốc gia bao gồm Mỹ, Ireland, Australia và New Zealand, tổng cộng khoảng 700-800 người tham gia lĩnh vực học máy và các công việc khác liên quan đến điện toán đám mây.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Trung Quốc là nơi có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất của Microsoft bên ngoài lãnh thổ Mỹ.