Microsoft bước sang tuổi 50 với nhiều thách thức trong thời đại AI

Với việc chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập vào ngày 4/4 tới, Microsoft đang nỗ lực duy trì vị thế bằng cách đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) vốn đang bùng nổ nhanh chóng.

Biểu tượng Microsoft. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Biểu tượng Microsoft. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Được tỷ phú Bill Gates và người bạn thời thơ ấu Paul Allen sáng lập năm 1975, Microsoft giờ đây đã là 1 trong 5 "gã khổng lồ" trong nhóm Big Tech với giá trị vốn hóa thị trường 2.900 tỷ USD, đứng đầu thế giới tại thời điểm này. Là biểu tượng của ngành điện toán trong thời đại internet nửa thế kỷ qua, Microsoft đã đạt được những thành công vang dội như hệ điều hành Windows do tập đoàn phát triển được cài đặt tại hầu hết các máy tính trên thế giới, hay chương trình Microsoft Office (bao gồm Word, Excel và PowerPoint) được coi như một ứng dụng văn phòng không thể thiếu. Ngoài ra, việc Microsoft chuyển sang cung cấp phần mềm trên hầu hết mọi thiết bị dưới dạng dịch vụ điện toán đám mây cũng góp phần thúc đẩy doanh thu của tập đoàn.

Tuy vậy, tập đoàn đa quốc gia của Mỹ này cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ nhiều đối thủ. Trình duyệt web Internet Explorer của Microsoft lần đầu tiên ra mắt vào năm 1995 và từng thống trị thị phần vào những năm đầu thế kỷ này khi chiếm tới 95% người dùng sử dụng nhưng cũng đã không thể cạnh tranh nổi với các trình duyệt khác ra đời sau như Google Chrome và Firefox. Internet Explorer chính thức bị Microsoft khai tử vào năm 2022 và được thay thế bằng Microsoft Edge. Tuy vậy, theo dữ liệu của Statcounter vào tháng 2 vừa qua, Microsoft Edge hiện chỉ chiếm 5,3% thị phần, kém xa Chrome (66,3%) và Safari (18%).

Ngoài ra, Microsoft hiện vẫn nằm dưới bóng của các "gã khổng lồ" công nghệ khác trong một số mảng như mạng xã hội, điện thoại thông minh và trợ lý kỹ thuật số tích hợp AI. Dù đã cho ra mắt công cụ tìm kiếm Bing vào năm 2009 nhưng Microsoft vẫn không thể cạnh tranh được với Google, tập đoàn đang thống trị thị trường này.

Hay một ví dụ khác là vào năm 2016, Microsoft đã mua mạng xã hội LinkedIn và sau đó đã có được sự tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, số lượng người dùng LinkedIn vẫn kém xa Facebook và Instagram của Meta, hoặc mạng xã hội X của tỷ phú Elon Musk.

Theo chuyên gia Jeremy Goldman thuộc công ty phân tích thị trường eMarketer, trong khi Apple và Google đã xuất sắc trong việc nâng cấp trải nghiệm và tiện ích cho người dùng mạng xã hội của họ thì đây lại là "gót chân Achilles" của Microsoft.

Bên cạnh đó, Microsoft cũng gặp thất bại trong lĩnh vực di động. Ông Steve Ballmer, người kế nhiệm Bill Gates làm Giám đốc điều hành (CEO) Microsoft từ năm 2000 - 2013, bị chỉ trích vì đã bỏ lỡ cơ hội chuyển dịch sang lĩnh vực điện thoại thông minh và các thiết bị điện toán di động khác. Người tiếp quản Satya Nadella cam kết sẽ biến Microsoft thành một công ty "ưu tiên di động, ưu tiên đám mây" và kể từ đó đã đầu tư mạnh vào AI, nắm giữ cổ phần tại OpenAI là công ty phát triển chatbot ChatGPT để ứng dụng vào các dịch vụ như trình duyệt Bing.

Dù vậy, theo chuyên gia phân tích độc lập Jack Gold, mặc dù đã đầu tư và nỗ lực rất nhiều nhưng Microsoft vẫn tụt hậu trong lĩnh vực AI vì thiếu chip hoặc do mô hình nền tảng của công ty. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Google Cloud đang trên đà vượt qua Azure của Microsoft để giành vị trí thứ hai trên thị trường điện toán đám mây.

Nguyễn Viễn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dien-tu-vien-thong/microsoft-buoc-sang-tuoi-50-voi-nhieu-thach-thuc-trong-thoi-dai-ai-20250331152948129.htm