Xử lý rác thải hướng tới nền kinh tế 'xanh'
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong tư duy quản lý chất thải. Thay vì chỉ coi chất thải là gánh nặng, Luật coi chất thải là tài nguyên - một nguồn nguyên liệu đầu vào cho nền kinh tế tuần hoàn.

Công nhân thực hiện thu gom rác trên địa bàn thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: QUANG QUÝ)
Tư duy này mở ra hướng tiếp cận mới, đó là chất thải rắn sinh hoạt (thường gọi là rác thải) không còn là thứ bỏ đi, mà có thể trở thành ngành kinh tế “xanh” nếu được phân loại, thu gom và xử lý đúng cách. Tuy nhiên, để biến quan điểm này thành hiện thực, đòi hỏi sự đồng bộ giữa chính sách, đầu tư, hạ tầng kỹ thuật và sự tham gia của toàn xã hội, từ người dân, doanh nghiệp đến các cấp chính quyền.
Bài 1: Nguồn tài nguyên bị “lãng quên”
Phân loại rác thải tại nguồn đã được phát động ở nhiều đô thị lớn trong nhiều năm qua, nhưng đến nay, hiệu quả vẫn rất hạn chế. Không ít mô hình phân loại rác thải khởi đầu rầm rộ rồi nhanh chóng lụi tàn.
Khởi đầu hào hứng, kết thúc lặng lẽ
Chiều tối mỗi ngày, tiếng kẻng vang lên, báo hiệu đến giờ thu gom rác tại nhiều ngõ nhỏ ở các khu phố của Hà Nội. Từ các ngôi nhà, người dân lục tục xách rác ra cửa ném vào chiếc xe thu gom rác đang chờ sẵn. Cùng lúc đó, chị công nhân vệ sinh môi trường cầm chiếc xẻng cố gắng san những túi rác đều ra xe để có thể chứa thêm nhiều lượng rác khác. Không có túi mầu để phân biệt, tất cả lẫn lộn vỏ chai thủy tinh, lon bia, giấy vụn, và cả thức ăn thừa đang bốc mùi nồng nặc. Với nhiều người dân, rác thải vẫn là một mớ hỗn tạp, không cần phân loại dù một thời gian dài, các cấp chính quyền đã nỗ lực tuyên truyền cần phân loại tại nguồn.
Thực tế, không phải chờ tới khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, các địa phương mới kêu gọi việc phân loại rác. Cách đây nhiều năm, tại Hà Nội, dự án phân loại rác từng được thực hiện dưới sự hỗ trợ tài chính của Chương trình Đối tác Phát triển của JICA (Nhật Bản) thực hiện ở một số địa phương, cung cấp hai loại thùng rác cho một số hộ gia đình, trường học. Ban đầu, người dân hưởng ứng nhiệt tình, tỷ lệ phân loại khá tốt, nhưng khi dự án kết thúc, hoạt động thu gom lại quay về cách làm cũ.
Tương tự, ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số phong trào được phát động mạnh mẽ như “Ngày hội sống xanh”, “Ngày hội tái chế” thu hút rất nhiều người dân tham gia, nhưng sau lễ phát động, việc duy trì cũng gặp nhiều khó khăn, khiến phong trào cũng rơi vào quên lãng và chỉ trở lại khi có chương trình phát động.
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, trước đây, quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã được nêu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và năm 2014. Tuy nhiên, luật mới chỉ dừng ở việc khuyến khích người dân phân loại, mà chưa có quy định cụ thể và bắt buộc áp dụng. Do vậy, trước năm 2020, việc phân loại rác thải tại nguồn chỉ mang tính chất thí điểm có hỗ trợ nhưng khi kết thúc dự án thì việc phân loại cũng kết thúc theo.
Ông Phạm Minh Cường, Phó Trưởng phòng Quản lý Chất thải, Cục Môi trường đánh giá, nguyên nhân sâu xa chính là sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng kỹ thuật ngay từ giai đoạn thí điểm. Quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải lẽ ra phải được thiết kế liên thông, nhưng thực tế dù được người dân phân loại vẫn bị thu gom chung trên một phương tiện, rồi chuyển đến cùng một địa điểm để xử lý. Cách làm này khiến người dân dù có ý thức vẫn rơi vào cảnh bất lực, hành vi văn minh trở nên lạc lõng, còn mục tiêu phân loại rác thải tại nguồn không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Thiếu đầu ra, rác vẫn chỉ là rác
Không chỉ bất cập trong việc phân loại rác tại nguồn, việc tìm kiếm “đầu ra” cho nhiều loại rác thải có thể tái chế sau phân loại cũng bất cập. Nhiều địa phương lúng túng khi không biết phân loại rác thải ra để làm gì khi hạ tầng, cơ sở tái chế, tái sử dụng, biến rác thải thành nguyên liệu không có.
Tại tỉnh Phú Thọ, trong gần 10 năm qua, dù đã hai lần xây dựng đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nhưng mục tiêu của đề án vẫn chưa tính đến việc phát triển các cơ sở tái chế mới, thậm chí việc duy trì, mở rộng các đơn vị đã có cũng không được quan tâm đúng mức. Một thí dụ điển hình là Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì, được xây dựng từ năm 1998, với chức năng tái chế rác hữu cơ thành phân compost cho nông nghiệp, và xử lý các loại rác vô cơ như gạch, thủy tinh, đá… thành vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nhà máy này đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa khi Nhà máy xử lý rác thải phát điện Trạm Thản (huyện Phù Ninh) đi vào hoạt động, dẫn đến rác thải đang được “ưu tiên” chuyển về nhà máy điện rác để bảo đảm khối lượng đầu vào ít nhất 400-500 tấn/ngày như cam kết trong hợp đồng. Chính thực tế này tạo ra mâu thuẫn là nếu phân loại theo chuẩn thì không đủ rác để đáp ứng nhà máy điện rác, còn nếu thu gom rác lẫn lộn thì đi ngược với quy định của Luật Bảo vệ môi trường về phân loại rác thải.
Không riêng tỉnh Phú Thọ, tại Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày phát sinh khoảng 10 nghìn tấn rác thải sinh hoạt, chưa tính tới rác thải công nghiệp, xây dựng, y tế… Con số này sẽ tăng theo đà gia tăng dân số, quy mô đô thị và mức sống của người dân. Hiện, rác thải được đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi với quy mô tiếp nhận khoảng 5.700 tấn/ngày và Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước khoảng 4.000-4.200 tấn/ngày. Tuy nhiên, phương pháp xử lý rác thải chủ yếu vẫn là chôn lấp, dẫn đến nhiều hệ lụy như rò rỉ nước, ô nhiễm không khí… Rác tái chế như nhựa, kim loại, giấy cũng chưa có cơ sở tái chế đạt chuẩn mà được thu mua qua các cơ sở tái chế nhỏ lẻ. Những cơ sở này hoạt động tự phát, không có giấy phép và chưa bảo đảm quy chuẩn môi trường.
Một trong những điều kiện tiên quyết để phân loại rác thải đạt hiệu quả là xác định được đầu ra phù hợp từng loại và đến nay, bài toán này vẫn chưa có lời giải. Thực tế cho thấy, quá trình phân loại, xử lý rác thải đang rơi vào một vòng luẩn quẩn: Người dân không phân loại vì không thấy ý nghĩa; lượng rác thấp khiến doanh nghiệp tái chế không mặn mà đầu tư, và cuối cùng, phần lớn rác thải lại quay về bãi chôn lấp như chưa từng được phân loại.
Theo số liệu thống kê của của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng lượng rác thải phát sinh trong năm 2024 là 69.503 tấn/ngày. Chi phí để thu gom, vận chuyển và xử lý 1 tấn rác thải trung bình là 50 USD thì một ngày trung bình cả nước sẽ chi gần 3,5 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý cho toàn bộ rác thải phát sinh, tương đương khoảng 1.277,5 triệu USD/năm. Với chi phí lớn như vậy, ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ không chỉ gây tốn kém về kinh tế, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội và môi trường.
Theo Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chất thải thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng rác thải phát sinh hằng ngày, dao động từ 50% đến 70%.
Rác thải này nếu được phân loại ngay tại hộ gia đình thì có thể dùng để sản xuất phân compost chất lượng cao hoặc tạo thành điện sinh khối. Rác thải có khả năng tái chế khoảng từ 20%-25%, là nguồn nguyên liệu có giá trị phục vụ làm nguyên liệu sản xuất.
Còn các rác thải sinh hoạt khác như ni-lông, vỏ kẹo, hộp xốp, mảnh gỗ... có giá trị thấp, nhưng nếu được sơ chế, tạo viên nén nhiên liệu vẫn có thể làm chất đốt cho một số ngành công nghiệp. Như vậy, gần như toàn bộ rác thải phát sinh đều có thể tái chế, tái sử dụng hoặc tạo thành năng lượng và tạo ra giá trị.
Tuy nhiên, khoảng 65% lượng rác thải vẫn xử lý bằng phương pháp chôn lấp; khoảng 16% lượng rác thải xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 19% tổng lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác như tái chế, khí hóa, làm viên nén nhiên liệu...
Với thực trạng phân loại, xử lý rác thải như hiện nay, mỗi ngày chúng ta có thể mất đi những giá trị kinh tế, trong khi lại tốn thêm chi phí cho việc thu gom, xử lý rác thải, khiến cơ hội từ tái chế, tái sử dụng vẫn chưa được khai thác xứng tầm…
(Còn nữa)
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xu-ly-rac-thai-huong-toi-nen-kinh-te-xanh-post869430.html