Microsoft xác nhận sẽ tiếp tục sa thải nhân viên trong năm 2024
Sau đợt cắt giảm việc làm lớn nhất trong 8 năm vào tháng 1/2023, Công ty công nghệ lớn thứ hai thế giới Microsoft đã xác nhận sẽ tiếp tục nói lời chia tay với nhân viên của mình trong năm 2024.
Năm 2023, làn sóng sa thải của các công ty công nghệ đã khiến hàng chục nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp.
Những cái tên đình đám nhất như Google, Amazon, Microsoft, Yahoo, Meta và Zoom đều đã buộc phải nói lời chia tay với nhân viên của mình. Trong đó, chỉ riêng tháng 1/2023, Microsoft đã cho 10.000 nhân viên thôi việc.
Dựa trên những bài đăng trên mạng xã hội của các cựu nhân viên Microsoft, đa phần nhân sự bị sa thải là nhân viên thuộc bộ phận trải nghiệm khách hàng và bán hàng.
Người phát ngôn của Microsoft cho biết trong một email rằng: "Điều chỉnh về tổ chức và lực lượng lao động là một điều cần thiết trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của công ty. Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên và đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng chiến lược cho tương lai cũng như hỗ trợ khách hàng và đối tác.
Ngoài ra, người này đã từ chối đưa ra con số nhân viên bị sa thải trong đợt cắt giảm mới nhất.
Ngoại trừ đợt sa thải mạnh mẽ nhân sự vào tháng 1 vừa rồi, lần gần nhất Microsoft cắt giảm số lượng lớn việc làm là năm 2014. Khi ấy, 18.000 người đã mất việc do công ty rút khỏi mảng điện thoại di động và các mảng kinh doanh phụ khác.
Theo Layoffs.fyi, riêng trong năm 2023 đã có tới 844 doanh nghiệp công nghệ phải cắt giảm nhân sự. Tổng số nhân viên trong ngành bị sa thải đã lên tới 216.364 người.
Ông Joseph Bonner, Công ty nghiên cứu Argus, Mỹ, cho biết: Việc tuyển dụng quá mức trong thời gian đại dịch là một lý do. Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn đang đối mặt với nền kinh tế vĩ mô không chắc chắn. Vì vậy, họ phải hành động để cắt giảm chi phí, điều chỉnh để phù hợp với một giai đoạn dự kiến là khó khăn trong vài quý tới đây.
Bên cạnh đó, ông Aaron Terrazas, nhà kinh tế trưởng, Công ty Glassdoor, cho rằng: Rất nhiều công ty công nghệ đang phải giải quyết hệ quả của việc gia tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn cũng có nghĩa chi phí rủi ro cao hơn. Trong khi công nghệ là ngành kinh doanh nhiều rủi ro. Họ đặt cược vào tương lai, vào các sáng kiến, hy vọng rằng ý tưởng đó sẽ mang lại lợi nhuận vào thời điểm nào đó và họ phải đánh giá lại các khoản đầu tư và chi phí lao động.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khó khăn về mặt tài chính chưa hẳn đã là nguyên nhân đằng sau làn sóng "đại sa thải" này. Bởi giá cổ phiếu và tình hình tài chính của hầu hết tập đoàn công nghệ đều khá khỏe mạnh.
Một phần nguyên nhân có thể đến từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo AI. Một số doanh nghiệp khẳng định sẽ xem xét nghiêm túc việc sử dụng ChatGPT để vận hành công việc.