Miền Bắc bước vào đợt mưa to, gia tăng thiệt hại do ngập lụt, sạt lở đất
Từ chiều tối mai 28-7 đến ngày 31-7, Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc mưa to, có nơi mưa rất to, gia tăng nguy cơ thiệt hại do ngập lụt, sạt lở đất...
Gia tăng nguy cơ thiệt hại
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp hội tụ gió trên cao nên từ chiều tối mai 28-7 đến ngày 29-7, các tỉnh, thành phố miền Bắc mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa vùng núi, trung du miền Bắc 40-100mm, có nơi cao hơn 200mm; đồng bằng 30-70mm, có nơi cao hơn 100mm.
Từ đêm 29 đến ngày 31-7, miền Bắc mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn ở miền Bắc có khả năng giảm dần từ đêm 31-7.
Riêng Hà Nội, Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, đêm nay 27-7, có mưa vài nơi, nhiệt độ 27-29 độ C. Trưa và chiều mai 28-7, Hà Nội nắng gián đoạn, nhiệt độ cao nhất 32-34 độ C. Từ chiều tối và đêm mai, Hà Nội mưa rào và dông, có nơi mưa to; tổng lượng mưa tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố 30-50mm, có nơi cao hơn 70mm; phía Nam và trung tâm thành phố 20-40mm, có nơi cao hơn 60mm. Từ đêm 29 đến ngày 30-7, Hà Nội có mưa rào và dông, có nơi mưa to.
Do các hồ thủy điện tuyến trên đang mở cửa xả điều tiết lũ nên mực nước một số sông chảy qua địa phận Hà Nội tiếp tục ở mức cao. Dự báo 7h ngày 28-7, mực nước sông Đà tại Trạm thủy văn Trung Hà (huyện Ba Vì) có thể đạt 7,05m; sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội (đoạn quận Long Biên) đạt 5,4m; sông Đáy tại Trạm thủy văn Ba Thá (huyện Ứng Hòa) đạt 6,1m...
Đặc biệt, do xuống chậm nên mực nước sông Tích, sông Bùi tiếp tục ở mức cao. Đến 7h sáng mai, mực nước sông Bùi tại Trạm thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) xuống mức 7,25m, cao hơn báo động lũ cấp III là 0,2m; sông Tích, đoạn huyện Quốc Oai, Thạch Thất xuống 8m, ở mức báo động lũ cấp III.
Cơ quan trên cảnh báo, mực nước sông đang ở mức cao tiếp tục gây ngập lụt sâu tại những vùng ven sông, trũng thấp, nhất là ở các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất; gia tăng nguy cơ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân...
Tập trung khắc phục, ứng phó
Thực tế chiều 27-7, tại các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn còn hàng nghìn héc ta sản xuất nông nghiệp bị ngập sâu. Để giảm nguy cơ thiệt hại, lãnh đạo các tổ chức thủy lợi thành phố Hà Nội đã huy động 100% lực lượng, ứng trực vận hành 100% hệ thống tiêu úng... Các huyện tiếp tục phân công lực lượng tuần tra, kiểm soát các trọng điểm, xung yếu đê điều, công trình thủy lợi; thống kê các hộ bị ngập sâu, hoàn cảnh khó khăn để cấp nhu yếu phẩm, ổn định đời sống...
Đặc biệt tại huyện Chương Mỹ, 1.177 hộ dân ở 36 thôn, xóm thuộc 13 xã, thị trấn ven sông Bùi, như: Quảng Bị, Tốt Động, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên... vẫn ngập sâu từ 0,3 đến 2m.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống người dân, các xã nêu trên tiếp tục huy động lực lượng, ứng trực 24/24h để kiểm soát hoạt động giao thông khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; cảnh báo người dân, nhất là trẻ em hoạt động trên sông; kịp thời xử lý các tình huống thiên tai; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả...
Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái cho biết, các xã vùng ngập úng đã cấp phát hơn 1.000 bình nước uống (loại 20 lít); lắp đặt 10 điểm cấp nước sạch sinh hoạt, bố trí một trạm y tế lưu động để cấp thuốc cho người dân...
Để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, úng ngập, sớm ổn định đời sống và sản xuất, kịp thời ứng phó mưa lớn trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị, các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai bố trí lực lượng tăng cường kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, sập đổ công trình; khẩn trương triển khai phương án ứng phó thiên tai, sự cố, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng tránh dịch bệnh, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân theo phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm an toàn về người, giảm tthiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ...
Cập nhật về thiệt hại, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến ngày 27-7, mưa lũ lớn do hoàn lưu bão số 2 gây ra tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố miền Bắc, Bắc miền Trung đã làm 11 người chết (trong đó, tỉnh Sơn La 7 người, tỉnh Điện Biên 2 người, Hà Nội 2 người), 8 người mất tích (tỉnh Sơn La 3 người, tỉnh Điện Biên 5 người), 9 người bị thương.
Bên cạnh đó, mưa lũ lớn còn làm 102 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, di dời khẩn cấp, 1.966 ngôi nhà bị hư hỏng; 40.534ha lúa, hoa màu bị ngập úng, 11.899 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, 1.721ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 769 điểm giao thông trên các tuyến quốc lộ bị sạt lở với tổng khối lượng hơn 47.383m3 đất đá...