Miền cao nguyên đá Hà Giang

Do chưa bao giờ tôi lên cao nguyên đá Hà Giang vào cuối mùa xuân, nên lần này thấy đây là điều lý thú. Đầu năm, cảnh sắc vẫn tươi tắn màu của xuân sắc. Dọc con đường từ TP Hà Giang lên Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn vẫn bắt gặp những sắc hoa đào đỏ sậm, nổi bật giữa sắc xanh của cây rừng, của trời xanh mây trắng vùng biên. Không phải mùa hoa tam giác mạch, nghĩa là không phải mùa lễ hội, nhưng du khách trong và ngoài nước vẫn tấp nập ngược dốc cổng trời Quản Bạ…

Du khách tham dự lễ chào cờ ở cột cờ quốc gia Lũng Cú.

Du khách tham dự lễ chào cờ ở cột cờ quốc gia Lũng Cú.

Thiêng liêng lễ chào cờ ở cột cờ quốc gia Lũng Cú

Sau lần lên thăm cột cờ quốc gia Lũng Cú, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn cách đây vài năm, tôi chỉ tâm niệm điều duy nhất: phải trở lại đỉnh thiêng tột Bắc này nếu có dịp…

Được trở lại vào đầu năm nay, thế cũng là toại nguyện. Khi cùng dòng người vượt qua hàng trăm bậc lên đỉnh cột cờ lại nhận được thông tin bất ngờ: buổi trưa có lễ chào cờ tại đây. Đã thấy cán bộ, chiến sỹ trẻ Đồn Biên phòng Lũng Cú đang chuẩn bị cho lễ chào cờ. Nhóm du khách từ nước Anh chuẩn bị máy ảnh, trang phục để cùng tham gia. Gần trưa, khi nắng vàng chan hòa trải khắp vùng núi biên cương Lũng Cú, lễ chào cờ linh thiêng và xúc động được diễn ra. Tiếng cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú hô khẩu lệnh vang lên: "Nghiêm! Chào cờ! Chào!” cũng là lúc bài Quốc ca vang lên: "Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc”. Tiếng nhạc trầm hùng hòa cùng lời ca được tất cả du khách đồng thanh vang lên, bay cao nơi biên cương khiến lòng người tự hào, hãnh diện. Cảm nhận về biên cương, bờ cõi, đất Mẹ và Tổ quốc được sâu lắng nhất. Cha ông bao đời đã dựng cờ bằng cây mộc sa khẳng định chủ quyền nơi đây, giờ lớp thế hệ trẻ cũng vững vàng, đồng lòng trấn ải biên cương. Những ánh mắt hướng lên lá cờ đỏ tung bay lồng lộng trong gió núi biên cương. Phía xa là những làng bản và cuộc sống yên bình của đồng bào người Lô Lô, người Mông, người Giáy…

Chị Linh Lan (Quảng Ninh) chia sẻ: "Tôi thật hạnh phúc khi lần đầu tiên lên cột cờ quốc gia Lũng Cú được tham gia lễ chào cờ trang nghiêm và xúc động. Đây sẽ là một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ của tôi đối với mảnh đất cực Bắc, với Hà Giang mến yêu”. Cột cờ quốc gia Lũng Cú tọa lạc trên đỉnh núi Rồng, có độ cao 1.468 m so với mặt nước biển. Suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, cột cờ Lũng Cú là biểu tượng, sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất Việt nơi biên ải. Tại thời điểm này, tổng chiều cao cột cờ gần 35 m, lá cờ rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 2009, cột cờ quốc gia Lũng Cú được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bất cứ du khách nào đã lên Hà Giang đều không thể bỏ qua điểm di tích lịch sử và danh thắng này.

Phút tâm tư bên cung đường Mã Pí Lèng

Chị Nguyễn Thanh (TP Hòa Bình) lần đầu đi trên cung đường TP Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc, vì vậy chị thực sự háo hức với những cảm xúc dâng trào. Tại cụm tượng đài Thanh niên xung phong, xã Pải Lủng, huyện Đồng Văn, chị chia sẻ: "Thiên nhiên vùng cao nguyên đá đẹp, hùng vĩ. Trước khi lên Hà Giang tôi đã vào mạng đọc thông tin về những địa danh nơi đây, nhưng khi được đặt chân đến cung đường Mã Pí Lèng, nhìn thấy dòng Nho Quế, tôi thấy bao điều kỳ thú, bất ngờ, khâm phục những chàng trai, cô gái vùng cao bám vách đá, mở đường. Thật đúng là con đường Hạnh Phúc…”. Để tạo nên hình hài con đường Hạnh Phúc, nhất là tại điểm Mã Pí Lèng (sống mũi ngựa), không chỉ là mồ hôi đã đổ mà còn cả xương máu của 14 thanh niên xung phong. Họ ngã xuống để có được con đường rộng mở cho muôn đời sau. Cho nên cũng dễ hiểu khi nén hương thơm được dâng lên, chị và những du khách thực sự xúc động khi đọc những lời gửi lại của anh Lương Quốc Chanh (1942 - 1961), quê ở Gia Lộc, Chi Lăng (Lạng Sơn): "Hôm nay tôi nằm lại mảnh đất Đồng Văn - Mèo Vạc này. Các đồng chí nếu có về xứ Lạng. Hãy nhớ đến tôi”. Rồi những cái tên như: Đào Ngọc Phẩm (Thái Nguyên), Vũ Cao Vân (Nam Định), Nguyễn Thị Danh (Quản Bạ - Hà Giang), Lý Thị Vân, Vi Văn Đạo (Lạng Sơn), Triệu Kim Thoòng (Cao Bằng)… Trong đó, chàng thanh niên Giàng Mí Nô (Mèo Vạc - Hà Giang) ngã xuống trong quá trình mở đường khi mới 17 tuổi… Mỗi cái tên được khắc nơi đây như lời nhắn nhủ đến thế hệ mai sau về sự vất vả, hy sinh một thời, cũng như lòng biết ơn, tri ân của hậu thế hôm nay…

Từ ngày 10/9/1959 - 15/6/1965, trên cung đường dài 185 km, 1.200 dân công và hơn 1.200 thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Nam Định, Hải Dương đã chung sức chung lòng phá đá, mở đường. Với trên 2 triệu ngày công, họ đã đào đắp, di chuyển trên 3 triệu m3 đất, đá. Đoạn đường qua Mã Pí Lèng dài 24 km cheo leo vách đá, vực thẳm được xác định là điểm nguy hiểm, thách thức nhất. Để mở được đoạn đường này, "những chiến sỹ cảm tử” chỉ bằng đôi tay cùng các công cụ thô sơ trải qua 11 tháng thường xuyên treo mình trên những vách đá dựng đứng để phá, nhích từng cm vào vách đá để mở đường. Nguy hiểm, gian khó là vậy, nhưng bằng tinh thần thép, cùng sự đồng lòng, quyết tâm, họ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Đó thực sự là kỳ tích của cả một thế hệ trẻ nhiều tâm huyết vì cộng đồng, vì tương lai phát triển của vùng biên cương.

Đứng dưới chân tượng đài và ngắm nhìn con đường rộng mở cùng đông đảo du khách, bỗng muốn nhắc lại câu thơ của một thi sĩ Nga: "Không ai bị quên lãng, không điều gì bị lãng quên”… Chắc chắn miền cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc là một địa chỉ đỏ luôn nhắc, khơi gợi, thúc giục những ai chưa từng đến phải đến và những ai từng qua nơi đây sẽ trở lại.

Bùi Huy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/176939/mien-cao-nguyen-da--ha-giang.htm