Miễn công đoàn phí và chậm nộp bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp phản hồi... không thực hiện được
Đây là những đề xuất hết sức cấp thiết mà theo Ban IV và các hiệp hội là để doanh nghiệp giữ được dòng vốn nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động trước khi kiệt quệ, đổ vỡ và không thể nào khắc phục.
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp vừa tiếp tục đưa ra những đề xuất kiến nghị bổ sung vào Nghị quyết của Chính phủ “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo chuẩn bị trình Chính phủ ban hành.
Đây là những đề xuất hết sức cấp thiết mà theo Ban IV và các hiệp hội là để doanh nghiệp giữ được dòng vốn nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động trước khi kiệt quệ, đổ vỡ và không thể nào khắc phục.
Trước hết về đề xuất miễn đóng kinh phí công đoàn năm 2020. Theo Ban IV, miễn đóng phí công đoàn là biện pháp hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp cả về mục tiêu duy trì dòng vốn cũng như tiết giảm thời gian, công sức đối với các quy trình thủ tục hành chính, đồng thời cũng thể hiện được tinh thần “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp và Chính phủ.
Theo Chỉ thị 11 / CT-TTg, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đối với các doanh nghiệp có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) phải nghỉ việc.
Tuy nhiên, dẫn kết quả khảo sát doanh nghiệp diện rộng Ban IV cho biết, doanh nghiệp phản hồi hầu như không thực hiện được chính sách này vì 2 lý do cơ bản.
Thứ nhất, mặc dù các doanh nghiệp hết sức khó khăn bởi chuỗi sản xuất kinh doanh đứt gãy trong dịch, nhiều ngành doanh thu gần như bằng không trong suốt thời gian dài nhưng vẫn cố gắng sản xuất cầm chừng, phân chia ca kíp, trả lương tối thiểu... để ổn định đời sống cho người lao động cũng như giảm gánh nặng và chi phí tuyển dụng lại cho chính doanh nghiệp. Bởi thế, doanh nghiệp hầu như không đạt tiêu chí “có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH phải nghỉ việc” dù thực tiễn hết sức khó khăn.
Thứ hai, việc chứng minh thiệt hại cả về người và tài sản là hết sức phức tạp và đòi hỏi các quy trình hành chính mất rất nhiều thời gian, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, vận tài hàng hóa đường bộ, logisitcs, du lịch, hàng không... chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã là hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người mất việc.
“Các doanh nghiệp cho rằng nếu đã phải cho nghỉ việc 50% tổng số lao động đóng BHXH thì tương đương với tình trạng doanh nghiệp đã kiệt quệ, “chết lâm sàng”, không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí như trên. Cho nên, chính sách “hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020” dường như không đạt được mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh như cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự định”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV lý giải cho đề xuất đưa ra.
Đề xuất thứ 2 là chậm nộp BHXH và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến 31/12/2020.
Ngày 17/3/2020, BHXH Việt Nam cũng có Công văn số 860/BHXH-BT để thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ tử tuất, quỹ hưu trí trong 12 tháng nếu doanh nghiệp có “số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra”.
Theo Ban IV, phản hồi của hầu hết các doanh nghiệp cho thấy tương tự 2 lý do với chính sách kinh phí công đoàn, đây cũng là chính sách các doanh nghiệp không thực hiện được, đặc biệt đối với việc chứng minh thiệt hại tài sản, bởi rất khó có tiêu chí, thước đo cụ thể để doanh nghiệp làm hồ sơ, cũng như thời gian cần để xác minh thì đặc biệt lâu vì nhiều thiệt hại không diễn biến hết ở những tháng trong dịch mà sẽ xảy ra ở những tháng kế tiếp (hàng tồn kho, các hợp đồng bị hoãn, hủy vô thời hạn, các đổ vỡ do chuỗi sản xuất dần đứt gãy...).
Bên cạnh đó, khoản tiền đóng BHXH và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đang chiếm tỷ trọng chi không hề nhỏ trong quỹ tiền của doanh nghiệp.
Theo Ban IV, để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được dòng tiền, tập trung chi phục hồi sản xuất kinh doanh, chi ổn định đời sống người lao động, các Hiệp hội và doanh nghiệp đặc biệt đề xuất và mong sự chia sẻ từ phía nhà nước với chính sách cho chậm nộp BHXH và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác đến hết 31/12/2020. Đây sẽ là một trong các chính sách tối quan trọng mang lại nguồn lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay.
Liên quan đến quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT), Ban IV cho rằng, lập luận của Bộ Tài chính rằng đây là thuế gián thu, không ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp là chưa chính xác.
“Các doanh nghiệp hiện nay đang rất cần vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh và duy trì lao động, việc bỏ ra thêm 10% thuế GTGT và phải đợi đến cuối năm mới được hoàn trả gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đồng thời cũng khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng”, đại diện ban IV lý giải.
Vì vậy, Ban IV kiến nghị giảm 50% thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.
Ngoài ra, với quy định giảm 30% tiền thuê đất trong thời hạn 6 tháng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như dự thảo Nghị quyết, Ban IV đề nghị bổ sung quy định: “Giảm 50% tiền thuê đất trong thời hạn 9 tháng đối với các doanh nghiệp lưu trú du lịch (khách sạn, khu nghỉ dưỡng…), các công viên chủ đề", bởi đây là 2 ngành bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch và cũng là ngành sẽ phục hồi chậm hơn các ngành khác.
Đưa ra đề xuất trên, theo lập luận của Ban IV còn do chi phí tiền thuê đất chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu giá thành của các doanh nghiệp này. Để hỗ trợ các doanh nghiệp kích cầu du lịch bằng cách giảm giá dịch vụ sau dịch bệnh thì việc giảm giá thành thuê đất sẽ rất hiệu quả.
Cũng theo Ban IV, Dự thảo Nghị quyết đưa ra giải pháp miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước … trong năm 2020, sẽ tạo khả năng giảm giá nước sạch. Vì vậy, ban này cũng đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi cùng Bộ Công thương để trình Chính phủ cho bổ sung việc giảm giá nước sạch trong năm 2020.
Ban cũng đề nghị có gói hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp du lịch. Lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm rút vốn vay + 0,5% (hiện tại là 5%/năm + 0,5% = 5,5%/năm), cố định trong 6 tháng và điều chỉnh theo lãi suất tái cấp vốn tại thời điểm + 0,5%.
Bên cạnh đó, tại kiến nghị này, Ban IV đề nghị Bổ sung vào mục “8. Bộ Xây dựng” thêm nội dung “Nhanh chóng hoàn thành các quy định về condotel và các bất động sản lưu trú tương tự khác để cung cấp cho người mua cơ sở pháp lý hợp lý và khả năng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng)”.
Lý do bổ sung theo Ban IV, đây là một vấn đề lớn đã được nêu ra trước đây và trong bối cảnh đại dịch, ngành bất động sản gần như đóng băng thì sẽ là một vấn đề thậm chí còn lớn hơn nữa. Việc cung cấp một cơ sở pháp lý rõ ràng cho các sản phẩm này để người mua có thể Tài trợ an toàn các tài sản dạng này cũng như có thể dễ dàng bán các tài sản này để huy động tiền mặt. Điều này sẽ trợ giúp rất lớn cả cho doanh nghiệp bất động sản, bất động sản du lịch cũng như là biện pháp kích cầu tốt nhằm huy động dòng tiền trong dân để phục hồi kinh tế.
Cùng với đó, kiến nghị bổ sung vào mục liên quan Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch” thêm các nội dung: Báo cáo Chính phủ kế hoạch cho phép doanh nghiệp lữ hành quốc tế được ứng lại 50% số tiền ký quỹ (trong tổng số 500 triệu đồng ký quỹ để được cấp giấy phép lữ hành quốc tế/1 đơn vị) nhằm làm vốn lưu động với thời hạn trong 2 năm. Có kế hoạch mở lại các khách sạn khi khách sạn được cấp Giấy chứng nhận khách sạn an toàn hoặc áp dụng các tiêu chuẩn y tế tối thiểu; và tổ chức thực hiện kiểm tra, cấp chứng nhận sức khỏe cho du khách để đảm bảo du lịch an toàn sau dịch.