'Miền đất hứa' thị trường giải trí Việt
Những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến mà hàng loạt ngôi sao quốc tế yêu thích và nhận lời mời tham dự show diễn.
Sao quốc tế ồ ạt đổ bộ
Việt Nam đã và đang dần nổi lên như một điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ quốc tế. Những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến mà hàng loạt ngôi sao quốc tế yêu thích và nhận lời mời tham dự show diễn.
Điều này đem lại những kỳ vọng lớn thị trường văn hóa giải trí, điều mà trước đây ít người nghĩ tới.
BlackPink đã để lại rất nhiều dấu ấn và những khoảnh khắc đáng nhớ trong hai đêm diễn ở Hà Nội.
Có thể kể tới nữ ca sĩ người Mỹ Christina Aguilera (lưu diễn tại Hà Nội năm 2022); Lễ hội âm nhạc Glamping Music Festival 2022 chào đón tới 4 nhóm nhạc quốc tế đình đám như The Moffatts, A1, 911 và Blue.
Nhóm nhạc Super Junior trở lại Việt Nam sau 12 năm và biểu diễn World Tour Super Show 9 ở TP.HCM vào tháng 3; hay loạt ngôi sao Kpop gồm TAEYANG, BoA, aespa và Hyoyeon... đã có hai buổi biểu diễn vào tối 17 - 18/6 ở Hội An (tỉnh Quảng Nam).
Tháng 7/2023 có thể coi là tháng của các nghệ sĩ quốc tế tại Việt Nam. Siêu sao – Nhà sản xuất âm nhạc US-UK Charlie Puth trình diễn tại sự kiện đại nhạc hội 8Wonder - Vinpearl Nha Trang. Việt Nam cũng là điểm đến đầu tiên cho tour diễn tại khu vực châu Á của Charlie Puth.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Thanh Huyền nhận xét: "Hàng nghìn người hát vang hit "tỷ view" See You Again cùng Charlie Puth, tạo nên khoảnh khắc không thể nào quên. Đây là hình ảnh mà tôi nghĩ sẽ là những kỷ niệm đẹp đối với các nghệ sĩ quốc tế khi tới Việt Nam.
So với các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia, thị trường tiêu thụ văn hóa giải trí của họ đã vượt trước chúng ta. Việt Nam bây giờ mới bắt đầu nhập cuộc. Nhưng tôi tin với tốc độ phát triển như hiện tại, ngành giải trí Việt đã sẵn sàng để làm thật tốt".
Sự kiện đình đám không thể không nhắc tới là Born Pink Tour của BlackPink diễn ra tại Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) trong ngày 29 – 30/7. Fans Việt được cho là "chịu chi" hơn các fans Đông Nam Á, khi sẵn sang bỏ ra cả chục triệu đồng để có thể có mặt tại show diễn.
Thời điểm tháng 10, Monsoon Music Festival 2023 (MMF) sẽ "nổ pháo" sau 2 năm dịch dã. Nhạc sĩ Quốc Trung, giám đốc kiêm nhà sản xuất âm nhạc cho hay, MMF trở thành lễ hội Gió Mùa lớn nhất Việt Nam vì có sự góp mặt của hàng chục nghệ sĩ trong nước và quốc tế.
"Ê kíp MMF đã chuẩn bị tỉ mỉ trong suốt gần 2 năm chỉ để đem âm nhạc tới mọi góc phố Hà Nội với nhiều không gian khác nhau, đáp ứng tối đa nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của cộng đồng", nhạc sĩ Quốc Trung cho biết.
Không chỉ riêng âm nhạc mà ngay cả các cuộc thi nhan sắc cũng là yếu tố ghi điểm, giúp Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng trong tương lai. Phải kể đến cuộc thi Miss Charm (Hoa hậu Sắc đẹp Quốc tế) do người Việt sáng lập, quy mô quốc tế, mang sứ mệnh quảng bá văn hóa, du lịch và các hoạt động giáo dục.
Cuộc thi có dàn giám khảo là các hoa hậu thế giới cùng 40 gương mặt lọt vào vòng chung kết, ngôi hậu thuộc về người đẹp Luma Russo (Brazil). Bà Thúy Nga, Trưởng ban tổ chức từng tiết lộ tổng chi phí tổ chức cuộc thi lên tới 3-4 triệu USD.
Nghệ sĩ bước ra thế giới "đầy cô đơn"
Thực tế cho thấy, ngành công văn hóa nghiệp giải trí mang tính mở đường, giúp quảng bá và khai thác thị trường cho nhiều ngành công nghiệp khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp văn hóa giải trí của Việt Nam vẫn ở mức tự phát, mang tính cá nhân, hoặc do các công ty truyền thông thúc đẩy.
Chẳng hạn, phim điện ảnh "Nhà Bà Nữ" cũng mang về doanh thu gần 19,6 triệu USD (460 tỷ đồng) sau chưa đầy một tháng.
Đặc biệt, bộ phim "Bố già" đã công chiếu tại 45 rạp trên toàn nước Mỹ, đạt doanh thu hơn 1 triệu USD. Phim "Bóng đè" của đạo diễn Lê Văn Kiệt đã được thị trường phim quốc tế săn đón với số lượng quốc gia mua lại bản quyền gây sốt.
Gần đây hơn nữa, Liên hoan phim Cannes 2023 dành cho đạo diễn Trần Anh Hùng với giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim "La passion de Dodin Bouffant", cùng với đạo diễn Phạm Thiên Ân giành giải Ống kính vàng cho bộ phim "Bên trong vỏ kén vàng".
Còn ở mảng âm nhạc, cá nhân nữ ca sĩ Chi Pu cũng phải tìm một bước đi riêng cho mình, khi cô tham gia show truyền hình Đạp Gió 2023 của Trung Quốc, giành hạng đứng thứ 6 tại chung kết, tạo hiệu ứng và sự yêu thích lớn từ đất nước hơn 1 tỷ dân.
Trong khi đó, ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh cũng tạo hiệu ứng rất lớn sau khi xuất hiện trong tập 649 của Running Man (show truyền hình thực tế nổi tiếng của Hàn Quốc).
Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: "Mọi thành công dù nhỏ hay lớn của bất cứ cá nhân nào đều là những tín hiệu tốt. Và nó mang lại cảm hứng và sự khát khao, dám mơ ước có thể đàng hoàng bước ra bên ngoài cho các nghệ sĩ trẻ - điều mà trước đây chúng ta gần như chưa nghĩ đến".
Cũng theo anh, lộ trình để trinh phục thị trường quốc tế của nghệ sĩ Việt cần phải chuẩn bị từ bây giờ với tâm thế kiên nhẫn, đón chờ những sức ép và sự cạnh tranh ở mức độ đỉnh cao toàn cầu.
Theo chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, cùng với việc tạo ra những sản phẩm với chất lượng đúng chuẩn quốc tế, các nghệ sĩ, các nhà tổ chức, các nhà quản lý cũng phải tìm hiểu để có những đề xuất và đột phá.
"Nếu không đột phá, không cải cách, không chịu suy nghĩ thì chúng ta sẽ không thể đuổi kịp thế giới", ông nói.
Để phát triển, hỗ trợ văn hóa giải trí Việt phát triển ra ngoài biên giới, PGS.TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng: "Cần đầu tư cho con người, chính là đầu tư cho đội ngũ cán bộ, cho các tài năng. Cần có một chính sách đặc thù về tài năng, quy định rõ ràng đào tạo ra sao, sử dụng con người, tạo điều kiện phát triển như thế nào. Cạnh đó, cần dành nguồn lực đầu tư xứng đáng cho văn hóa".
Theo ký giả Dylan Nguyen, người có hơn 25 năm kinh nghiệm trong cả ngành công nghiệp giải trí Mỹ và Việt Nam, ngành giải trí Việt có nhiều tiềm năng để phát triển. Dù vậy, để ngành giải trí nước nhà đến với thị trường toàn cầu, cần một cách tiếp cận đa diện hơn.
"Sự hợp tác giữa Chính phủ và tư nhân sẽ thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Chính phủ có thể thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác và thúc đẩy bản sắc văn hóa.
Nếu có môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động văn hóa và giải trí, tư nhân sẽ tập trung nỗ lực vào việc mang lại các nguồn tài trợ thương hiệu. Điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng trên thị trường toàn cầu, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và trao đổi văn hóa của đất nước", vị chuyên gia góp ý.