'Miễn dịch lai' có hiệu quả chống dịch COVID-19 tốt nhất
Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Những người có "miễn dịch lai" nhờ được tiêm vắc xin đầy đủ và từng mắc COVID-19 có khả năng bảo vệ cao, chống lại sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 hiệu quả nhất. Đây là kết luận rút ra từ 2 nghiên cứu mới nhất được công bố ngày 1/4.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa chuyên về bệnh truyền nhiễm The Lancet, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu y tế liên quan 200.000 người trong năm 2020 và 2021 tại Brazil-nơi có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới.
Theo nghiên cứu này, đối với những người từng dương tính với virus SARS-CoV-2, vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả ngăn ngừa bệnh trở nặng và nhập viện lên đến 90%, trong khi vắc xin của Sinovac và Johnson & Johnson, các tỉ lệ này lần lượt là 81% và 58%.
Tác giả của nghiên cứu, ông Julio Croda thuộc Đại học Liên bang Mato Grosso do Sul, cho biết, cả 4 loại vắc xin trên đã được chứng minh có thể giúp những người từng mắc COVID-19 tăng đáng kể khả năng bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2.
Từ nghiên cứu trên, một số chuyên gia khác cho rằng "miễn dịch lai" đạt được do kết hợp kháng thể sản sinh từ sau mắc COVID-19 và tiêm vắc xin có thể sẽ trở thành chuẩn mực thông thường trên thế giới, thậm chí có thể hỗ trợ khả năng lâu dài chống lại các biến thể mới.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Thụy Điển kết luận những người phục hồi sau mắc COVID-19 có độ bền miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ cao tái nhiễm lên đến 20 tháng.
Đáng chú ý, những người có "miễn dịch lai" có nguy cơ tái nhiễm thấp hơn 66% so với những người chỉ có miễn dịch tự nhiên. Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu toàn quốc tính đến tháng 10/2021.
Một nghiên cứu khác tại Qatar, được đăng tải trên trang y khoa medRxiv tuần trước đi sâu vào tìm hiểu về hiệu quả của "miễn dịch lai" trong ngăn ngừa biến thể Omicron. Theo nghiên cứu này, việc tiêm 3 mũi vắc xin có hiệu quả 52% trong ngăn ngừa ảnh hưởng của biến thể phụ BA.2 (Omicron), song trong trường hợp người tiêm đã từng mắc COVID-19, độ hiệu quả này có thể lên đến 77%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy "miễn dịch lai" đạt được nhờ kháng thể sản sinh sau khi mắc COVID-19 kết hợp với mũi tiêm vắc xin tăng cường sẽ mang lại hiệu quả tối ưu trong ngăn ngừa ảnh hưởng của của 2 dòng phụ Omicron BA.1 và BA.2. Nghiên cứu trên hiện chưa được các chuyên gia khác thẩm định.
* Liên quan dịch COVID-19, các nhà khoa học cho biết chỉ cần một giọt rất nhỏ chứa virus – to cỡ một tế bào máu người – là đủ để lây truyền virus SARS-CoV-2 từ người sang người. Đó là một trong những phát hiện của một nghiên cứu, trong đó các tình nguyện viên khỏe mạnh được lây nhiễm virus một cách chủ động. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Medicine ngày 31/3.
Nghiên cứu trên bắt đầu tháng 3/2021. 36 tình nguyện viên tuổi từ 18-30. Họ chỉ được tham gia nếu không có nguy cơ nào khiến mắc bệnh nặng, như thừa cân, thận yếu hay có vấn đề về chức năng gan hoặc bất cứ vấn đề nào về tim, phổi hoặc máu.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ, các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo từng giai đoạn. 10 tình nguyện viên đầu tiên mắc COVID-19 được uống thuốc kháng virus remdesivir để giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng.
Các nhà nghiên cứu cũng có sẵn các thuốc kháng thể đơn dòng trong trường hợp ai đó trở nặng. Cuối cùng, thuốc remdesivir là không cần thiết và các nhà nghiên cứu chưa hề phải dùng kháng thể đơn dòng.
Các tình nguyện viên được cho tiếp xúc với một giọt nhỏ dung dịch có chứa chủng virus qua một ống mỏng dài đưa vào mũi. Họ được theo dõi 24/24h và ở lại phòng bệnh viện Royal Free Hospital trong 2 tuần, nơi đây có hệ thống thông khí đặc biệt để đảm bảo virus không thoát ra ngoài.
Tổng cộng 18 người đã nhiễm, 2 người không có triệu chứng, còn lại có triệu chứng nhẹ như ngạt mũi, hắt xì và đau họng. Hầu hết những người này đã mất khứu giác ở một mức nào đó, riêng 9 người không ngửi thấy gì.
Các triệu chứng này thấy rõ ở hầu hết mọi người, nhưng 6 tháng sau khi nghiên cứu kết thúc, có 1 người vẫn chưa lấy lại được khứu giác bình thường dù đã được cải thiện. Đây là điều đáng lo ngại vì một nghiên cứu khác gần đây cho thấy mất khứu giác liên quan đến những thay đổi trong não bộ.
Tiến sĩ Christopher Chiu, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết các nhà nghiên cứu đã cho tình nguyện viên làm các xét nghiệm nhận thức để kiểm tra trí nhớ ngắn hạn và thời gian phản ứng của họ. Hiện, các nhà nghiên cứu vẫn đang xem xét các dữ liệu này, họ cho rằng các xét nghiệm này “sẽ thực sự đem lại nhiều thông tin”.
Không có tình nguyện viên nào trong nghiên cứu trên gặp các vấn đề về phổi khi mắc COVID-19. Tiến sỹ Chiu cho rằng vì họ đều còn trẻ và khỏe mạnh và chỉ tiếp xúc với lượng nhỏ virus. Ngoai việc mất khứu giác, không có triệu chứng nào kéo dài.
Trong các điều kiện được kiểm soát thận trọng, các nhà nghiên cứu đã có thể hiểu nhiều điều về virus và cách chúng di chuyển trong cơ thể người.
Cụ thể, một lượng rất ít virus, chỉ khoảng 10 micron, tương đương lượng của một giọt bắn nhỏ mà ai đó hắt xì hoặc ho, có thể khiến một người mắc bệnh.
COVID-19 có thời gian ủ bệnh rất ngắn. Chỉ cần 2 ngày sau khi nhiễm, một người đã bắt đầu phát tán virus. Một người có thể phát tán một lượng lớn virus trước khi có triệu chứng.
Nhìn chung, người trẻ và khỏe mạnh phát tán virus trong vòng 6 ngày rưỡi nhưng một số người có thể tiếp tục phát tán virus trong 12 ngày. Người nhiễm có thể phát tán lượng lớn virus mà không có triệu chứng gì.
Khoảng 40 giờ sau khi virus được đưa vào người, chúng có thể được phát hiện ở họng. Mất khoảng 58 giờ để virus có thể hiện diện tại khu vực mũi, nơi chúng thường nhân lên với lượng lớn hơn nhiều. Các xét nghiệm nhanh tại nhà thực sự hiệu quả để phát hiện người nhiễm.
Tiến sĩ Chiu cho biết nghiên cứu này đã khẳng định một loạt những điều mà chúng ta đã biết về việc mắc COVID-19, cho thấy tại sao việc che mũi và miệng rất quan trọng để bảo vệ người khác.