Miễn, giảm học phí cho sinh viên ngành bán dẫn
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các trường đại học (ĐH) phải có chính sách ưu tiên, gồm học bổng, miễn giảm học phí, ký túc xá... cho sinh viên ngành bán dẫn.
Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian qua, Bộ GDĐT và các trường ĐH đã tích cực triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Từ giữa năm 2024, các trường đã tuyển sinh, bắt đầu đào tạo khoảng 18.000 sinh viên cho ngành này và kế hoạch năm sau có thể tuyển sinh, đào tạo nhiều hơn nữa. Dự kiến, chương trình đào tạo chuẩn về vi mạch bán dẫn đang được Bộ GDĐT khẩn trương xây dựng để kịp hoàn thành trong quý I/2025 như kế hoạch được giao.
Tuy nhiên, một khó khăn đặt ra đó là việc đầu tư phòng thí nghiệm tại các trường ĐH. Mặc dù 18 trường ĐH được ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành, nâng cấp phòng thí nghiệm bán dẫn, Đề án được duyệt nhưng không thể mua ngay như hàng tiêu dùng mà phải đặt hàng. Như vậy, trong 2-3 năm tới việc đào tạo của các trường sẽ khó khăn do chưa có trang thiết bị, phòng thí nghiệm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề xuất, nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ cùng chia sẻ, dùng chung một số cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu; nghiên cứu bổ sung hạng mục chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, chế tạo, sản xuất sản phẩm bán dẫn, thiết bị điện tử dân dụng, chuyên dụng thế hệ mới của Việt Nam từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Hiện tại, mới chỉ có các doanh nghiệp làm thiết kế và các doanh nghiệp kiểm thử, đóng gói sản phẩm; chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn với quy mô công nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam. Chưa nhiều cơ sở giáo dục ĐH có chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về vi mạch, thiết kế vi mạch. Trong thời gian tới, cần thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tăng cường gắn kết đào tạo nhân lực trình độ ĐH, sau ĐH với hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.
Tăng cường chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài phục vụ thiết kế, sản xuất vi mạch bán dẫn. Đồng thời, sớm xây dựng/ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bán dẫn...
Mới đây, Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch 1758 triển khai Quyết định số 1018 phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” và Quyết định số 1017 phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Theo đó, trong năm 2025, Bộ GDĐT sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước. Bộ cũng nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ GDĐT nhấn mạnh các trường ĐH có thể tìm thêm nguồn hỗ trợ kinh phí từ doanh nghiệp, tăng cường hợp tác để sinh viên thực tập, thực hành tại doanh nghiệp và được tuyển dụng sau khi ra trường. Ngoài ra, các trường cần ưu tiên cử giảng viên đi học tiến sĩ; thu hút chuyên gia ở nước ngoài về làm việc; nghiên cứu thành lập trường, khoa... chuyên đào tạo và nghiên cứu về bán dẫn.
Hiện, học phí các ngành, chương trình thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn ở các trường từ 16 - 78 triệu đồng một năm. Ông Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin, sẽ phấn đấu đào tạo khoảng 6.000 nhân lực có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030. Hiện nay, trường có hai chuyên ngành đào tạo trực tiếp và bảy ngành đào tạo liên quan. Bên cạnh đào tạo nhân lực trình độ chuyên môn sâu, ĐH này còn có các sáng kiến nhằm tăng số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn như tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư ở một số ngành liên quan. Đặc biệt, trường phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức trong xây dựng chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn cần huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong chương trình đào tạo và thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, đồng thời hình thành các nhóm nghiên cứu quốc tế trong các lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn ở các trường ĐH, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Tại Trường ĐH Công nghệ mỗi năm đang đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành vi mạch bán dẫn là một ngành không dễ đối với các sinh viên theo đuổi, vì đòi hỏi thực hành nhiều. Trong khi thực tế chưa có nhiều dự án hoạt động trong lĩnh vực này để họ áp dụng. Vì vậy, song song với quá trình học tập trong trường, sinh viên cần nỗ lực tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thông qua việc tham gia vào các dự án liên quan đến kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, lập trình và kiến trúc máy tính… để sẵn sàng đáp ứng ngay yêu cầu của doanh nghiệp khi tốt nghiệp.