Miễn giảm học phí ngành bán dẫn chỉ là giải pháp phần ngọn

Nhu cầu thị trường bán dẫn lớn, mức lương khởi điểm cao và có nhiều cơ hội phát triển, nhưng cần có chính sách phù hợp để thu hút sinh viên học ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhu cầu lớn nhưng thiếu nhân lực

Với lợi thế có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, nhiều học sinh ưa thích môn Toán, Việt Nam được đánh giá là thị trường nhân lực tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn.

Nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á, doanh số của lĩnh vực bán dẫn vi mạch năm 2022 đạt xấp xỉ 600 tỷ USD. Trong những năm tới, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng với mức tăng 2 con số để đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Mặc dù nhu cầu thị trường lớn, nhưng theo Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang "khát" lượng lớn nguồn nhân lực.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang "khát" lượng lớn nguồn nhân lực.

Để thu hút người học, đặc biệt là nâng cao tỉ lệ đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành này. Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch 1758 triển khai Quyết định số 1018 phê duyệt "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050" và Quyết định số 1017 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Theo đó, trong năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước.

Cần có chính sách tạo động lực cho người học là phù hợp, tuy nhiên, việc hỗ trợ học phí đối với ngành được đánh giá có mức thu nhập và khả năng phát triển cao thì lại đặt ra nhiều băn khoăn.

Cần có chính sách thu hút từ "gốc"

Bình luận về mức lương đầy hấp dẫn của ngành bán dẫn, trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Đặng Văn Sơn – Nghiên cứu viên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cho rằng cần đánh giá kỹ phương án thu hút người học phù hợp.

Theo chuyên gia, miễn giảm học phí cho sinh viên ngành bán dẫn có thể là một chính sách tốt, tuy nhiên, bất cứ chính sách nào đều cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ trước khi thực thi.

TS. Đặng Văn Sơn – Nghiên cứu viên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

TS. Đặng Văn Sơn – Nghiên cứu viên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Đưa ra ví dụ đơn giản, ông Sơn cho hay hiện nay có rất nhiều trường có chuyên ngành bán dẫn, có trường tư thục, có trường công tự chủ tài chính, có trường công vẫn nhận ngân sách, chính sách học phí của các trường này rất khác nhau và có mức chênh lệch rất lớn. Vậy nếu miễn, giảm học phí cho sinh viên theo ngành này thì miễn giảm theo mức độ nào, là điều cần tính tới.

"Theo tôi, đối với sinh viên, học phí có thể là một rào cản, tuy nhiên, đó không hẳn là rào cản lớn lắm bởi các chi phí phát sinh của sinh viên trong quá trình học là rất lớn.

Vì vậy, việc miễn, giảm học phí có thể không phải là chính sách hấp dẫn, thay vào đó, nhà nước cần có chính sách cho vay tài chính miễn lãi cho sinh viên, cũng như chế độ tính lãi linh hoạt cho các ngành nghề khác nhau. Chế độ này đã được nhiều nước áp dụng nên chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều thay vì là chế độ miễn giảm học phí cho từng ngành riêng biệt", TS. Đặng Văn Sơn cho hay.

Ở góc độ rộng hơn, không chỉ có bán dẫn mà các ngành khoa học cơ bản nói chung hiện nay đều rất khó thu hút người học. Nguyên nhân đến từ nhiều phía và cũng là xu hướng chung của cả thế giới.

Hơn 20 năm trước, các trường Đại học của Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... đã đến các trường khoa học kỹ thuật của Việt Nam để tuyển người học. Điều đó cho thấy xu hướng chung về việc thiếu hụt người học trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã diễn ra tại các nước phát triển không chỉ phương Tây,mà cả các nước phát triển ở Châu Á nơi mà học giỏi toán vẫn được coi trọng.

Ông Đăng Văn Sơn đánh giá để thu hút được người học, các cơ quan quản lý cần có chính sách khuyến khích giáo dục STEM, phát triển các loại hình câu lạc bộ STEM trong nhà trường phổ thông, nuôi dưỡng, bồi dưỡng những học sinh đam mê, kết nối nhà trường phổ thông với các cơ sở giáo dục bậc cao hơn, các công ty, các viện nghiên cứu...

Điều này giúp định hướng nghề nghiệp, nuôi dưỡng đam mê cho các em học sinh từ bậc phổ thông chứ không phải đợi đến lúc các em đăng ký vào đại học mới tính đến chuyện thu hút.

Cần chính sách hợp lý thu hút sinh viên học ngành bán dẫn.

Cần chính sách hợp lý thu hút sinh viên học ngành bán dẫn.

Tuy nhiên, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024-2025, số lượng các em chọn tổ hợp thi các môn Khoa học tự nhiên sẽ ít hơn so với các năm trước vốn đã rất ít.

Bởi hiện nay Chương trình GDPT 2018, đang có 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử (ngoài 2 môn về giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng), trong 4 môn thì có 3 môn thuộc nhóm xã hội, vì thế việc học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội để thi sẽ nhiều hơn là điều dự đoán được.

Hơn nữa, việc bố trí lựa chọn môn học tại các trường THPT hiện nay đang không do học sinh chọn mà dựa trên thực tế nhà trường, vì thế nhiều học sinh muốn học cũng không có chỗ học. Chính vì vậy, về mặt chính sách cần một cơ chế khác để thích ứng với chương trình mới.

"Theo tôi cần một chính sách tổng thể, lâu dài để thúc đẩy giáo dục STEM chứ không nên chỉ riêng bán dẫn, đặc biệt là việc thúc đẩy chính sách để chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực thi một cách đúng đắn", ông Sơn đề xuất.

TS.Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô.

TS.Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô.

Đồng quan điểm, TS.Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô việc Nhà nước hỗ trợ, miễn giảm học phí chỉ nên áp dụng với những ngành quan trọng cho phát triển đất nước, nhưng lại khó tìm được việc làm như ngành Khoa học cơ bản, Khoa học xã hội, hoặc những ngành đặc thù như sư phạm, y dược.

Những ngành kể trên, cần một lực lượng nhân lực lớn làm trong môi trường Nhà nước, nên cần được "bao cấp". Còn các ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn phát triển mạnh mẽ ở khối tư nhân, là thị trường tương đối tự do, nếu nếu hỗ trợ như vậy, vẫn chỉ là giải quyết vấn đề ở ngọn.

"Hiện tại, Nhà nước đang có những chính sách ưu đãi về mặt đầu tư cho các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn và sẽ tiến tới có những đầu tư cho thị trường của ngành này. Do đó, nếu tiếp tục đầu tư vào việc đào tạo nhân lực, thì vô tình sẽ tạo ra hỗ trợ "kép", gây lãng phí, không cần thiết", ông Hiệp cho hay.

Theo chuyên gia, chỉ cần hỗ trợ qua kênh thị trường lao động và doanh nghiệp là đủ. Nếu bây giờ lại đầu tư "kép" vào ngành công nghệ bán dẫn, sẽ tạo ra một bức tranh rất mất cân bằng, trong khi các ngành khoa học nền tảng, phục vụ cho công nghệ bán dẫn là ngành Hóa học, Vật lý, Vật liệu, Kỹ thuật điện tử,... lại không được đầu tư đúng mức.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mien-giam-hoc-phi-nganh-ban-dan-chi-la-giai-phap-phan-ngon-204241220111738963.htm