Miễn, hỗ trợ học phí:Có lộ trình rõ ràng, cụ thể, đánh giá kỹ tác động ngân sách

Nên quy định lộ trình thực hiện rõ ràng, cụ thể, đánh giá kỹ tác động ngân sách. Bên cạnh đó, cần có khung hướng dẫn thống nhất để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí, tránh trường hợp chính sách tốt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn đến chậm trễ hoặc không đồng đều trong triển khai.

Đây là đề nghị của các ĐBQH khi thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội): Đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của các địa phương

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội)

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội)

Tôi đồng tình và nhất trí cao với các nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết. Đây là một chính sách thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, bảo đảm tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; đồng thời, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Nghị quyết này được ban hành không chỉ có ý nghĩa về giáo dục mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện chiến lược dân số quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp ở nhiều đô thị lớn và bước vào giai đoạn già hóa dân số, thì việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ giúp các gia đình yên tâm sinh và nuôi con, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý, phát triển bền vững đất nước.

Tôi cũng đánh giá cao bố cục dự thảo Nghị quyết với 5 điều rõ ràng, súc tích, phản ánh các nội dung cốt lõi từ phạm vi điều chỉnh; chính sách miễn, hỗ trợ học phí đến cơ chế tài chính và tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, miễn học phí ở các trường công lập có thể khiến lượng học sinh chuyển từ trường tư sang trường công tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống trường công. Do đó, tôi đề nghị bổ sung quy định hoặc giao Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, biên chế giáo viên để bảo đảm chất lượng đào tạo đồng đều thực sự.

Mặt khác, thực tế hiện nay tồn tại một số loại hình cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trường năng khiếu, trường thực hành thực nghiệm thì thực thi chính sách miễn học phí như thế nào? Trong dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện rõ quy định đối với những loại hình này, vì vậy, cần làm rõ thêm nội dung này.

Về nguồn kinh phí thực hiện tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết, tôi đồng thuận với việc bố trí từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của các địa phương; đặc biệt là các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, Chính phủ cần tính toán cấp bù để bảo đảm nguồn cho các địa phương này, tránh trường hợp chính sách tốt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn đến chậm trễ hoặc không đồng đều trong triển khai.

Về hiệu lực và thời điểm áp dụng tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết, tôi cho rằng, việc áp dụng từ năm học 2025 - 2026 là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết, phân cấp cụ thể cho các bộ ngành, địa phương, nhằm chuẩn bị đầy đủ điều kiện triển khai ngay từ đầu năm học.

Tôi cũng đề nghị bổ sung điều khoản về trách nhiệm công khai học phí, hỗ trợ, kiểm tra định kỳ và xử lý sai phạm để hạn chế tiêu cực và bảo đảm thực hiện đúng chính sách.

ĐBQH Trần Thị Quỳnh (Nam Định): Xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng năm học, gắn với bố trí ngân sách phù hợp

ĐBQH Trần Thị Quỳnh (Nam Định)

ĐBQH Trần Thị Quỳnh (Nam Định)

Để chính sách miễn, hỗ trợ học phí được triển khai hiệu quả và công bằng, cần làm rõ về mức độ và cơ chế “hỗ trợ học phí” đối với cơ sở ngoài công lập.

Dự thảo Nghị quyết mới dừng ở nguyên tắc hỗ trợ, nhưng chưa nêu chi tiết hỗ trợ mức nào và bằng hình thức gì. Nếu Nhà nước hỗ trợ, có thể hiểu là ngân sách sẽ cấp một khoản tiền để bù đắp một phần hoặc toàn bộ học phí mà lẽ ra học sinh phải đóng cho trường tư thục, dân lập. Trong thực tế, học phí tại các cơ sở ngoài công lập rất đa dạng: nhiều trường tư thục thu mức học phí tương đương trường công, nhưng cũng có trường chất lượng cao thu học phí rất cao.

Do vậy, để bảo đảm công bằng và hiệu quả ngân sách, đề nghị Nghị quyết giao Chính phủ quy định rõ mức hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập. Có thể cân nhắc mức hỗ trợ tối đa không vượt quá mức trần học phí công lập tại địa phương hoặc mức ngân sách nhà nước chi bình quân cho một học sinh công lập. Với cơ chế này, học sinh trường tư sẽ được Nhà nước hỗ trợ tương đương như khi học trường công, phần chênh lệch (nếu học phí tư thục cao hơn) thì phụ huynh tự chi trả.

Quy định như vậy vừa bảo đảm mọi học sinh đều được hỗ trợ một cách bình đẳng, vừa tránh việc ngân sách phải gánh những mức học phí quá cao một cách không cần thiết. Ngoài ra, cũng cần làm rõ hình thức hỗ trợ: ngân sách sẽ cấp trực tiếp cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo số lượng học sinh, hay cấp cho địa phương, hay hoàn trả cho phụ huynh. Phương thức thực hiện minh bạch sẽ giúp tránh tiêu cực, bảo đảm hỗ trợ đến đúng đối tượng và mục đích.

Đồng thời, cần chú trọng việc triển khai đồng bộ chính sách miễn, giảm học phí với các quy định hiện hành và kiểm soát các khoản thu khác ngoài học phí. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn chặt chẽ về danh mục và mức trần các khoản thu dịch vụ, thỏa thuận trong nhà trường, kèm cơ chế giám sát bởi phụ huynh và chính quyền địa phương. Như vậy mới bảo đảm học sinh được hưởng giáo dục miễn phí thực chất, chứ không phải miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản khác.

Chính phủ cũng cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành để loại bỏ chồng chéo, trùng lặp. Những đối tượng trước đây đã được miễn, giảm học phí theo diện chính sách (như hộ nghèo, dân tộc thiểu số...) cần được tích hợp vào chính sách chung, bảo đảm không ai bị thiệt khi chuyển sang cơ chế mới. Việc đồng bộ hóa pháp luật sẽ giúp Nghị quyết được thực thi thông suốt, tránh các cách hiểu khác nhau tại các địa phương.

Bên cạnh đó, cần tính đến yếu tố thực tiễn và lộ trình thực hiện. Chính sách miễn, hỗ trợ học phí trên phạm vi toàn quốc là một bước tiến lớn nhưng cũng đặt ra thách thức về nguồn lực. Dự thảo Nghị quyết nên quy định lộ trình thực hiện rõ ràng, lộ trình cụ thể đến đâu cần được đánh giá kỹ tác động ngân sách; yêu cầu Chính phủ xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết theo từng năm học, gắn với bố trí ngân sách phù hợp. Có lộ trình, kế hoạch rõ ràng sẽ tăng tính khả thi, giúp Quốc hội, Chính phủ theo dõi và điều chỉnh kịp thời nếu phát sinh vướng mắc.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Có hướng dẫn thống nhất để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Để triển khai hiệu quả thì trước hết, cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách cần được thiết kế chặt chẽ, minh bạch. Bởi, mức kinh phí dự kiến khoảng 9 nghìn tỷ đồng mỗi năm là không nhỏ. Do đó, việc xác định đối tượng, phạm vi, mức hỗ trợ, cũng như phương thức chi trả cần có hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng dàn trải, thất thoát, hay trục lợi chính sách. Việc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ là cần thiết, nhưng cần có hướng dẫn thống nhất từ trung ương để đảm bảo công bằng giữa các địa phương, nhất là những tỉnh còn khó khăn về ngân sách.

Thứ hai, cần có lộ trình triển khai và thứ tự ưu tiên hợp lý. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, chúng ta nên ưu tiên trước cho các cấp học phổ cập - đặc biệt là trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Đối với học sinh mầm non (dưới 5 tuổi) và trung học phổ thông, có thể tính toán lộ trình phù hợp để mở rộng dần phạm vi miễn và hỗ trợ học phí, tránh gây áp lực đột ngột lên ngân sách.

Thứ ba, tôi muốn nhấn mạnh vấn đề công bằng giữa học sinh trường công lập và ngoài công lập, giữa các mô hình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đề xuất hiện nay, học sinh trường công lập sẽ được miễn toàn bộ học phí, trong khi học sinh tại các cơ sở ngoài công lập sẽ được hỗ trợ học phí, với phần kinh phí cấp trực tiếp cho người học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, học phí của trường ngoài công lập thường cao hơn rất nhiều so với trường công lập, do không nhận được đầu tư cơ sở vật chất và lương từ ngân sách nhà nước. Nếu không có quy định cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng một học sinh trường ngoài công lập được hỗ trợ học phí cao hơn mức miễn học phí của học sinh trường công lập. Đây là điều cần đặc biệt lưu ý để tránh nghịch lý chính sách và bảo đảm công bằng trong tiếp cận nguồn lực ngân sách.

Để tránh nguy cơ này, cần bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định “mức tiền hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập không vượt quá mức học phí được miễn tại các cơ sở giáo dục công lập tương ứng về cấp học và địa bàn”. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng và ban hành mức học phí chuẩn cho từng cấp học, từng năm học - làm căn cứ để tính toán mức miễn và mức hỗ trợ phù hợp, thống nhất giữa các loại hình trường và giữa các địa phương.

Chúng ta đang bàn về một chính sách lớn, tác động trực tiếp tới hàng chục triệu học sinh và hàng triệu gia đình. Nếu được thiết kế thận trọng, chính sách miễn và hỗ trợ học phí sẽ là cú hích quan trọng để nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, và thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong giáo dục.

Thanh Hải - Hoàng Ngọc - Minh Trang ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/mien-ho-tro-hoc-phi-co-lo-trinh-ro-rang-cu-the-danh-gia-ky-tac-dong-ngan-sach-10373443.html