Miễn, hỗ trợ học phí: Một chính sách nhân văn, hợp lòng người
Nghị quyết số 217/2025/QH15 là dấu mốc quan trọng, thể hiện tính ưu việt trong chính sách giáo dục của Việt Nam, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ngày 26/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 217/2025/QH15 (Nghị quyết 217) về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện tính ưu việt trong chính sách giáo dục của Việt Nam, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân.
Trong suốt quá trình lịch sử 80 năm kể từ ngày thành lập nước đến nay, giáo dục luôn được ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Năm 1945, sau khi giành được độc lập, dù nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xóa mù chữ, xem giáo dục là chìa khóa để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
Người chỉ ra rằng: “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng” do đó không phân biệt già, trẻ, gái, trai, cứ là người Việt Nam thì phải tham gia học tập, tham gia xóa nạn mù chữ, vì “chỉ có không ngừng học tập thì mới tiến bộ mãi”.
Điều 61, Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. 2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý...”.
Điều thứ 15, Hiến pháp 1946 quy định: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí (...) Học trò nghèo được Chính phủ giúp”.
Đến Hiến pháp năm 2013, các chính sách giáo dục tiếp tục được cải thiện với nhiều điểm vượt trội. Cụ thể, Điều 61 Hiến pháp quy định: “1. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. 2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý...”.
Chính sách miễn, hỗ trợ học phí được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục 2019: “Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo (Khoản 2, Điều 85).
Qua các kỳ đại hội, Đảng ta luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện những chính sách giáo dục nhân văn, trong đó có phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, và quan tâm hỗ trợ học phí cho các đối tượng khó khăn.
Ngày 4/11/2013 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 29), đề ra mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2000.
Nhằm triển khai các văn kiện, nghị quyết của Đảng về giáo dục, trong đó có vấn đề học phí, ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo đó, từ ngày 1/9/2024, trẻ mầm non 5 tuổi được hưởng chính sách miễn học phí. Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29, trong đó chỉ rõ: Kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế; Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn, giảm học phí.
Tại phiên họp Bộ Chính trị ngày 28/2/2025, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về khả năng cân đối tài chính trong và sau quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh, từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên toàn quốc, bắt đầu từ năm học 2025-2026.
Trước đó, phát huy tinh thần chủ động, nhiều tỉnh, thành phố đã thí điểm việc miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông từ nguồn ngân sách địa phương. Mới đây, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết 217 được thông qua.
Từ năm học 2025 - 2026, tất cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập trên cả nước sẽ được miễn học phí. Đồng thời, học sinh tại các cơ sở dân lập, tư thục cũng được hỗ trợ học phí.
Mức hỗ trợ học phí do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định theo khung học phí do Chính phủ quy định nhưng không vượt mức thu học phí của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Chính sách này áp dụng cho công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam và học tập trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Như vậy có thể thấy, trong mỗi giai đoạn, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đảng, Nhà nước ta đều có những chính sách phù hợp, đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có khoảng 23,2 triệu học sinh, trong đó 21,5 triệu học sinh học tại các cơ sở công lập và 1,7 triệu học sinh tại các cơ sở ngoài công lập.
Áp dụng chính sách miễn học phí cho khối công lập và hỗ trợ học phí cho khối dân lập, tư thục sẽ giảm gánh nặng tài chính đáng kể cho hàng triệu gia đình.
Miễn và hỗ trợ học phí không chỉ là một chính sách kinh tế- xã hội mà còn là một lựa chọn phát triển có tầm nhìn dài hạn, một bước tiến trong tư duy về vai trò của Nhà nước kiến tạo và vì dân. Trong lựa chọn ấy, chúng ta thấy rõ sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo đến cơ quan lập pháp, hành pháp, và rộng hơn - từ lòng dân.
(Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng)
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất trong ASEAN miễn học phí từ mầm non đến phổ thông. Ngay khi ban hành, Nghị quyết 217 đã được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận nồng nhiệt, đánh giá cao.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá: “Miễn và hỗ trợ học phí không chỉ là một chính sách kinh tế-xã hội mà còn là một lựa chọn phát triển có tầm nhìn dài hạn, một bước tiến trong tư duy về vai trò của Nhà nước kiến tạo và vì dân. Trong lựa chọn ấy, chúng ta thấy rõ sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo đến cơ quan lập pháp, hành pháp và rộng hơn - từ lòng dân.
Chúng ta đang đi đúng hướng: Dùng thể chế để khơi thông nguồn lực; dùng nguồn lực để đầu tư cho con người; và dùng con người để kiến tạo tương lai”.
Với mục đích ra sức cản trở việc thực thi một chính sách nhân văn, đúng đắn, cản bước phát triển tại Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động đã rêu rao rằng chính sách miễn học phí không mới và không giải quyết được gốc rễ bất bình đẳng giáo dục, chỉ là “chiêu trò mị dân”, đồng thời ra sức tuyên truyền chính sách thiếu khả thi do ngân sách hạn chế; bịa đặt rằng Việt Nam miễn học phí nhưng tăng các khoản thu bên ngoài.
Thậm chí, có ý kiến cố tình bóp méo, cho rằng chính sách gây bất bình đẳng giữa các loại hình trường học, khi học sinh trường công được miễn hoàn toàn, còn học sinh trường tư chỉ nhận hỗ trợ một phần.
Tuy nhiên trên thực tế, Nghị quyết 217 được thông qua với sự đồng thuận cao, với lộ trình thực hiện cụ thể, rõ ràng, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta.
Về nguồn lực thực hiện, ngày 17/5/2025 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 196/2025/QH15 về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó thống nhất chuyển nguồn 6.623 tỉ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ còn lại sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.
Chính phủ cũng xây dựng lộ trình dài hạn với tổng kinh phí 30.600 tỉ đồng, bảo đảm tính khả thi của Nghị quyết 217.
Liên quan đến hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, Nghị quyết 217 nêu rõ: “Mức hỗ trợ học phí do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định theo khung học phí do Chính phủ quy định nhưng không vượt mức thu học phí của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục”, do đó sẽ không tạo ra bất bình đẳng.
Việc thu quỹ tại các cơ sở giáo dục được ngành chức năng giám sát chặt chẽ, tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm với những trường hợp sai phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các phụ huynh cùng phối hợp thực hiện theo đúng quy định; không có việc miễn học phí để tăng nguồn thu khác như các đối tượng xấu đang cố tình rêu rao.
Để những luồng thông tin xấu độc, sai sự thật không tác động đến tâm lý cộng đồng và ảnh hưởng đến thực thi chính sách, cơ quan chức năng cần kịp thời cung cấp thông tin minh bạch, chính xác đến người dân.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, nhất là các gia đình có thành viên là đối tượng được thụ hưởng lợi ích từ chính sách mới ban hành cần chủ động tiếp cận những thông tin chính thống, chỗ nào chưa hiểu hoặc còn vướng mắc có thể tìm gặp cơ quan chức năng để được tháo gỡ kịp thời, tránh đăng tải những thông tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội.