Miễn học phí cho học sinh: Chính sách hợp lòng dân
Bộ Chính trị vừa quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trong cả nước, kể từ năm học mới 2025-2026 (từ tháng 9-2025). Đây là quyết đáp hợp lòng dân, thể hiện tinh thần ưu việt của chế độ và chủ trương đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục; đồng thời, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Giờ học của học sinh Trường THPT Lương Phú (Phú Bình).
Thông tin miễn toàn bộ học phí cho học sinh phổ thông khiến đông đảo nhân dân, các bậc phụ huynh, gia đình có con đang theo học tại các trường phổ thông phấn khởi. Quyết định này có tác động tích cực, góp phần thay đổi cuộc sống của hàng triệu gia đình trong cả nước và hàng trăm nghìn phụ huynh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đặc biệt là đối với những người dân lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn, hằng ngày phải bươn trải, căn cơ tính toán từng đồng mua gạo, mua rau, nhưng vẫn phải lo học phí để con được theo học hết phổ thông.
Chị Vũ Thị Xuân, ở xóm Phú Thịnh 2, xã Phú Thịnh (Đại Từ): Từ năm học tới, các cháu học sinh đều có thể đến trường mà phụ huynh không phải chịu áp lực về tiền học phí. Việc miễn giảm học phí cho học sinh giúp gia đình tôi vơi bớt gánh nặng kinh tế, khi đang có 2 con theo học phổ thông. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ không còn phải lo việc con em mình bị gián đoạn học tập do không đủ tiền đóng học phí.
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh Thái Nguyên có 346.595 học sinh; trong đó cấp học mầm non có 76.493 trẻ; cấp tiểu học có 117.623 học sinh; cấp THCS có 95.521 học sinh, cấp THPT có 40.775 học sinh và 15.692 học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Trong năm học này, trẻ em mầm non, học sinh tiểu học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh và các em học sinh THCS, THPT thường trú tại 6 xã của huyện Võ Nhai (gồm Nghinh Tường, Sảng Mộc, Vũ Chấn, Thần Sa, Thượng Nung, Cúc Đường, không thuộc đối tượng được miễn học phí theo quy định) được hỗ trợ học phí tối đa 9 tháng/1 năm học. Tổng số tiền hỗ trợ là trên 40 tỷ đồng được tỉnh chi từ ngân sách Nhà nước.

Ngày hội giáo dục STEM Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP. Thái Nguyên).
Từ năm học 2025-2026, theo lộ trình thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, sẽ có 99.286 học sinh THCS công lập được miễn học phí.
Đồng thời, khi thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, toàn bộ học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập sẽ được miễn học phí, trong đó có 40.326 học sinh cấp THPT và 6.060 học viên học chương trình GDTX cấp THPT. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ căn cứ vào các văn bản hướng dẫn, liên quan, tính toán, đề xuất tổng số tiền chi thực hiện chính sách, dự kiến khoảng 50 tỷ đồng.
PGS.TS Trần Đình Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên): Sự quyết đáp mạnh mẽ của Bộ Chính trị thể hiện bước tiến lớn của đất nước ta trong xây dựng nền giáo dục cômg bằng bền vững; đồng thời, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Khi mọi học sinh đều có cơ hội học tập, tiếp cận tri thức mà không bị giới hạn bởi hoàn cảnh kinh tế thì đó chính là nền tảng để Việt Nam bứt phá và vươn xa.
Chính sách miễn học phí cho toàn bộ trẻ em mầm non đến THPT thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với thế hệ tương lai và nhận được sự đồng tình cao của toàn xã hội. Chính sách nhằm hỗ trợ giáo dục và thực hiện công bằng xã hội, góp phần hiện thực Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, là sự đầu tư chiến lược cho tương lai; tạo nền móng vững chắc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước; là tiền đề quan trọng tạo ra một thế hệ công dân mới, có tri thức và cơ hội phát triển toàn diện.