Miền ký ức chưa xa…

Đâu cần những món đồ cổ đắt giá, đối với nhiều người, chỉ cần một vài vật dụng ngày xưa mà gia đình họ đã từng sử dụng như chiếc xe đạp Thống Nhất, bộ bàn ghế gỗ, ti vi màn hình đen trắng, máy đánh chữ, đài cassette chạy băng, đĩa cũ kỹ… gợi nhớ về một thời gian khó, giúp người chơi như tìm được một miền ký ức chưa xa, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Tiếp chúng tôi tại “thế giới” của riêng mình, cặm cụi lau chùi chiếc đèn dầu “gia bảo” của gia đình, anh Trần Cao Sơn, phường Đồng Xuân (Phúc Yên) vui vẻ cho hay: "Bây giờ tôi mới tin vào chữ “duyên”, bởi, đến như cái đèn dầu này đã thất lạc trên 30 năm, một dịp tình cờ đến nhà người họ hàng xa ở tỉnh Yên Bái chơi, thấy lăn lóc ở xó nhà kho, hỏi ra mới hay, chiếc đèn dầu này được ông cụ thân sinh đem cho người em lúc đó còn nhiều khó khăn, tôi liền xin về bổ sung vào bộ sưu tập đồ cũ của mình.

Như anh thấy, bộ sưu tập hiện có này chỉ là bộ bàn ghế búp phê, cái đèn dầu, phích nước vỏ nhôm… đều là những vật dụng của gia đình sử dụng từ thời bao cấp. Đối với tôi, đây là những đồ vật rất ý nghĩa mà phải mất nhiều thời gian, công sức mới tìm lại được.

Các cụ xưa có câu: “Của một đồng, công một nén”, ngay như bộ bàn ghế búp phê này, tôi phải thuê xe chở về, mất thêm 3 triệu để thợ mộc xử lý, vá víu lại như nguyên bản thời trước. Đối với lớp trẻ hiện nay, bộ bàn ghế này chỉ là món đồ cũ, vừa xấu lại lạc hậu, nhưng với thế hệ 7X như chúng tôi, nó lại là cả “bầu trời ký ức”.

Nay có điều kiện kinh tế, những lúc rảnh rỗi, tôi thường cất công đi tìm những “mảnh ghép ký ức xưa” để tự thưởng cho mình những phút giây đầm ấm, yên bình bên gia đình mà thời nay khó có thể tìm lại được...".

Có thể nói, mỗi người lại có sở thích sưu tầm đồ cũ khác nhau, tùy điều kiện, nhưng có một điểm chung là đều hướng đến nét đẹp truyền thống và coi đó là một nét văn hóa cần giữ gìn để giáo dục thế hệ con cháu biết ngày xưa cha ông chúng ta đã nỗ lực, phấn đấu như thế nào mới có được như ngày hôm nay.

Những năm gần đây, thú chơi đồ cũ đã thu hút được nhiều người dân tham gia, tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để chơi, mặc dù những món đồ đó có giá trị không lớn với thời giá bây giờ.

Anh Dương Thành Lâm, phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) cho biết: Việc chơi đồ xưa cũ có nhiều kiểu, có những món đồ không được đẹp hay đã lỗi thời không dùng được nhưng vẫn được người chơi ráo riết sưu tầm bởi có nó, người chơi sẽ được hoài niệm rõ nét hơn về một thời đã qua.

"Thời gian khó xưa, mỗi dịp gần Tết, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh bà nội tần tảo bên chiếc cối đá, còng lưng xay từng cân gạo nếp để làm bánh cho kịp chợ phiên bán kiếm chút tiền mua cho các cháu bộ quần áo mới. Hay mỗi buổi sáng tinh mơ, trên triền đê, trời rét căm căm, mẹ run cầm cập đạp xe đi làm nuôi đàn con thơ.

Cuộc sống cứ vậy cuốn chúng tôi vào “quên lãng” lúc nào không hay. Đến khi chợt nhận ra, những hình ảnh thân thuộc, yêu thương đó cứ dần phai nhạt trong tâm trí. Nay, tôi quyết tâm tìm lại những vật dụng đã góp phần nuôi tôi khôn lớn. Thật may mắn, tôi đã tìm lại được chiếc cối đá, xe đạp cũ năm xưa để có thể “ru tôi vào giấc ngủ bình an” khi những người thân thương nhất đã đi xa"- Anh Lâm tâm sự.

Anh Nguyễn Quốc Cường, phường Trưng Nhị (Phúc Yên) lại có cách chơi riêng của mình. Trong khi bạn bè trong giới vẫn hay sưu tầm đồ gốm sứ, đồng hồ, anh Cường lại chuyên về những vật dụng gắn bó với tuổi ấu thơ hay vật dụng đã giúp mình khởi nghiệp thành công.

Như chiếc xe máy cũ đã cùng anh “chinh chiến” khắp các tỉnh miền núi phía Bắc trên 20 năm về trước, nếu theo thời giá bây giờ bán khéo cũng chỉ được 3 triệu đồng, tuy nhiên, hiện nay nó đã được “đắp” vào trên 30 triệu đồng và hàng quý phải bỏ thêm chi phí thuê thợ giỏi bảo dưỡng.

Anh Cường chia sẻ: "Nhiều bạn bè biết chuyện tưởng tôi “chơi ngông”, thực ra mỗi điều tôi làm đều có lí do riêng. Chiếc xe máy này đã gắn bó với tôi từ thời còn ngồi trên giảng đường đại học với bao kỷ niệm buồn vui. Giờ đây, chiếc xe này như một phần cuộc sống của tôi vậy. Hay như chiếc tivi đen trắng, tôi thuê thợ phục hồi lại như mới với giá hàng chục triệu đồng, thực ra không có nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ hay giá trị sử dụng nhưng nó mang lại giá trị tinh thần rất lớn. Giờ đây, mỗi khi nhìn thấy bất kỳ cái ti vi đen trắng nào, những năm tháng tuổi thơ lại dâng trào…".

Việc chơi đồ cũ dường như đã trở thành xu thế mới cho những người thích hoài niệm. Trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đã xuất hiện một số quán cà phê sử dụng đồ cũ để trang trí cho không gian quán của mình. Đến nơi đây, khách hàng dễ dàng bắt gặp những vật dụng trang trí nhuốm màu thời gian, như những chiếc xe đạp cũ được treo trên tường, đài cassette, chiếc quạt con cóc, đầu đĩa cối xưa hay chiếc điện thoại để bàn… đều gợi nhớ đến một thời đã qua.

Bây giờ kinh tế khá giả, mỗi dịp Tết đến, Xuân về được quây quần cùng người thân, bạn bè bên những món đồ gợi nhớ về một thời chưa xa để “ôn cố tri tân”, hướng đến những điều thiêng liêng thì mùa Xuân ấy càng được trọn vẹn.

Thành Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/73374/mien-ky-uc-chua-xa%E2%80%A6.html