Miên man sắc vàng dã quỳ Tây Nguyên

Bao giờ cũng vậy, khi những đợt gió chướng vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 hằng năm báo hiệu mùa khô tới cũng là thời khắc những bông hoa dã quỳ đầu vụ bắt đầu khoe sắc đua hương.

Hoa dã quỳ Tây Nguyên đang vào mùa khoe sắc đưa hương rực rỡ... (Ảnh: Đặng Đức)

Hoa dã quỳ Tây Nguyên đang vào mùa khoe sắc đưa hương rực rỡ... (Ảnh: Đặng Đức)

Dã quỳ còn có rất nhiều các tên gọi khác nhau như cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại, hướng dương Mexico, cúc Nitobe…, là loài cây hoa dại có nguồn gốc xuất xứ từ Mexico được người Pháp đưa vào trồng tại Đà Lạt đầu tiên, rồi sau đó được trồng rộng rãi tại các đồn điền tại tỉnh Lâm Đồng cũng như các tỉnh thuộc vùng đất Tây Nguyên.

Loài cây này được trồng khi đó với mục đích làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su, bởi thân dã quỳ chứa nhiều chất P, Ca, Mg nên làm phân hữu cơ khá tốt. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng qua phương pháp giâm cành nên loài cây này dần dà chiếm lĩnh các nơi hoang dại ở khắp mọi nơi ở Tây Nguyên.

Cách đây gần chục năm, dã quỳ đã được sử dụng làm biểu tượng chính cho lễ hội hoa Đà Lạt tháng 12/2005. Còn ở Gia Lai, hoa dã quỳ mọc, nở rộ khắp núi lửa Chư Đăng Ya, hằng năm tỉnh thường tổ chức lễ hội hoa dã quỳ tại chân ngọn núi này và thu hút rất nhiều du khách…

Mặc dù đã có tới hàng chục lần lên Tây Nguyên ngắm hoa dã quỳ, thế nhưng tôi và nhóm bạn chưa bao giờ cảm thấy “chán”, mà ngược lại còn yêu đến chết mê chết mệt loài hoa dại mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng quyến rũ này.

Chẳng vậy mà những ngày đầu tháng 11 năm nay, khi nghe thông tin dã quỳ bắt đầu vào mùa nở rộ là nhóm bạn vẫn thường cùng nhau đi “phượt” của chúng tôi lại bắt đầu lên đường ngay kẻo chậm trễ sẽ… lỡ một mùa hoa!

Những vạt dã quỳ nở vàng chạy dài miên man đẹp đến nao lòng chạy dài bên các con suối, bờ kênh, sường núi... (Ảnh: Đặng Đức)

Những vạt dã quỳ nở vàng chạy dài miên man đẹp đến nao lòng chạy dài bên các con suối, bờ kênh, sường núi... (Ảnh: Đặng Đức)

Cũng như nhiều lần trước, đoàn chúng tôi xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, tới Ngã ba Dầu Giây sau đó thẳng tiến theo Quốc lộ 20 để lên Đà Lạt mộng mơ. Khi qua địa phận thành phố Bảo Lộc không xa, vào địa phận huyện Di Linh là hai bên đường bắt đầu xuất hiện rất nhiều các bụi, đám hoa dã quỳ với màu vàng óng ả, rực rỡ làm bừng sáng cả một góc trời.

Tới huyện Đức Trọng thì tần suất của các đám hoa dã quỳ xuất hiện càng nhiều hơn, dày đặc khiến cho khung cảnh hai bên quốc lộ tựa như một bức tranh xen lẫn sắc vàng và xanh đẹp đến nao lòng.

Tất nhiên là đoàn chúng tôi, cũng như rất nhiều các bạn trẻ, các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đi du lịch Đà Lạt, cũng không dễ gì bỏ qua cơ hội dừng chân thưởng ngoạn, ngắm hoa dã quỳ và ghi dấu kỷ niệm bằng dăm ba tấm hình “tự sướng”.

Sau vài ngày đêm dạo chơi, thăm thú, khám phá các địa điểm danh thắng ở ngoại ô cũng như nội thị của Đà Lạt, đoàn chúng tôi lên đường trở lại TP. Hồ Chí Minh vào buổi sáng sớm của ngày Chủ nhật. Cũng giống như mọi lần khác, đoàn chúng tôi không về theo lối đường cũ (Quốc lộ 20) như lúc đi lên, mà đi về theo tỉnh lộ ĐT 725- con đường có chiều dài 176,82 km, điểm đầu tại Đà Lạt, điểm cuối kết nối với đường ĐT 721 tại thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Để nói về con đường ĐT 725 này, theo cảm nhận của tôi cùng nhóm bạn, cũng như rất nhiều các bạn trẻ khác từng đi qua thì cung đường này tuyệt đẹp. Con đường không chỉ nhẵn nhụi dễ đi, vắng xe, nhất là xe ô tô rất hiếm, mà chỉ có xe gắn máy, hay xe công nông của người dân bản địa dùng chuyên chở phân bón, nông thổ sản thu hái từ nương rẫy chuyên chở về nhà mà thôi.

ĐT 725 xuyên qua tỉnh Lâm Đồng là cung đường tuyệt đẹp để ngắm hoa dã quỳ... (Ảnh: Đặng Đức)

ĐT 725 xuyên qua tỉnh Lâm Đồng là cung đường tuyệt đẹp để ngắm hoa dã quỳ... (Ảnh: Đặng Đức)

Điều mang lại cho chúng tôi sự thích thú hơn cả khi khám phá cung đường này, đó là ngoài vệc được chinh phục các cung đèo vô cùng ngoạn mục như đèo Tà Nung, đèo Con Ó… hay được hòa mình vào không gian bát ngát của các nương cà phê sai trĩu trịt trái chín đang bắt đầu vào mùa thu hái, thì việc được ngắm, thưởng ngoạn hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ ở hai bên con đường là một ấn tượng không dễ gì có thể quên được trong cuộc đời.

Vùng đại ngàn Tây Nguyên rất nhiều khu vực có sự xuất hiện đã quỳ, nhưng con đường này dường như dã quỳ nhiều hơn, đẹp hơn, rực rỡ hơn bất cứ nơi đâu. Hầu như đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp miên man sắc vàng của dã quỳ, từ các bãi đất trống, dải phân cách ranh giới quanh các nương rẫy, quanh các gia đình, hay cho tới ven các con suối, thậm chí tận tít sườn đồi trên cao…, thì hoa dã quỳ cũng xuất hiện, sinh sôi nảy nở và phát triển rất mạnh.

Chủ yếu loài cây hoa này mọc dại tự nhiên, nhưng cũng có một số ít gia đình gieo trồng vài bụi làm hàng rào trước ngõ để trang trí cho không gian cảnh quan ngôi nhà mình thêm đẹp, sinh động hơn. Có thể với người dân bản địa thì những bông dã quỳ trổ hoa, tàn lụi đi chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng với đoàn chúng tôi nói riêng, cũng như khách du lịch phương xa chưa một lần được tận mắt ngắm nhìn những bông hoa dại của núi rừng khoe sắc rực rỡ như thế, khi bắt gặp chắc chắn ai cũng sẽ vô cùng thích thú, rồi chụp thật nhiều các bức hình làm kỷ niệm cùng với dã quỳ để gia dấn ấn hành trang của những chuyến đi…

Dã quỳ đã, đang vào mùa khoe sắc rực rỡ đẹp đến nao lòng, vậy nên nếu các bạn trẻ nào có dự định đi “phượt” vùng đại ngàn Tây Nguyên nói chung, cũng như Đà Lạt mộng mơ nói riêng, thì hãy xách ba lô lên và đi, bởi chỉ cần chậm trễ một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, khi đó dã quỳ đã lụi tàn, thì chắc chắn bạn sẽ tiếc hùi hụi vì đã bỏ lỡ một mùa hoa…

Ven những con đường ở Tây Nguyên mùa này hoa dã quỳ nở rực rỡ khiến bất cứ ai qua đường cũng thích thú... (Ảnh: Đặng Đức)

Ven những con đường ở Tây Nguyên mùa này hoa dã quỳ nở rực rỡ khiến bất cứ ai qua đường cũng thích thú... (Ảnh: Đặng Đức)

Đặng Đức

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mien-man-sac-vang-da-quy-tay-nguyen-250232.html