'Miễn người dân khỏi bệnh, họ không biết tôi là ai cũng không sao'

Với nhiều y bác sĩ ngày đêm mặc đồ bảo hộ kín mít chống dịch tại Trung Quốc, điều mong mỏi nhất là ngày càng chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân để nhanh chóng dập tắt dịch.

"Hôm nay, có tổng cộng 11 bệnh nhân trong phòng tôi phụ trách được xuất viện. Tôi và các đồng nghiệp rất vui mừng", bác sĩ Shang Xiending, thuộc nhóm nhân viên y tế từ Phúc Kiến tới hỗ trợ Vũ Hán chống dịch, chia sẻ với The Paper.

Mỗi buổi sáng, Shang sẽ tới kiểm tra các giường bệnh. Gần đây, có nhiều bệnh nhân đã được xuất viện nhưng tình hình dịch vẫn rất nghiêm trọng. Số bệnh nhân nguy kịch và nhập viện mới cũng tăng trong khi lượng giường bệnh có hạn, khiến đội ngũ chữa trị gặp áp lực rất lớn.

Giữa tình hình khó khăn, Shang và nhiều đồng nghiệp được tiếp thêm sức mạnh khi nhận về những lá thư cảm ơn của bệnh nhân. Một số chỉ biết cô là bác sĩ đến từ Phúc Kiến mà không rõ tên tuổi hay đơn vị cụ thể.

"Bệnh nhân không cần phải nhớ tôi là ai, miễn họ được khỏe mạnh xuất viện, chúng tôi sẽ rất hạnh phúc", nữ bác sĩ chia sẻ.

 Bác sĩ Shang Xiending và đồng nghiệp tình nguyện tới Vũ Hán chống dịch.

Bác sĩ Shang Xiending và đồng nghiệp tình nguyện tới Vũ Hán chống dịch.

"Chỉ sợ có đồng nghiệp ngã xuống"

Shang và các đồng nghiệp đã chiến đấu ở Vũ Hán được gần 20 ngày. Đây sẽ là một trải nghiệm khó quên trong đời cô.

Ngày 27/1, giống 137 nhân viên y tế khác, Shang đăng ký làm tình nguyện viên tới Hồ Bắc hỗ trợ chống dịch.

Sau khi tới Vũ Hán, mọi người đều cẩn thận và luôn mặc quần áo do bệnh viện cung cấp, đeo khẩu trang ngay cả khi ở khách sạn. Mỗi khi trở về từ bên ngoài, mọi người vẫn tiếp tục khử trùng.

"Chúng tôi làm việc như bình thường, được trang bị bảo hộ đầy đủ khi đối mặt bệnh nhân với quần áo, kính, khẩu trang và che kín toàn thân", nữ bác sĩ cho biết.

Shang và bệnh nhân thường giữ khoảng cách với nhau. Điều này ảnh hưởng tới việc tư vấn bệnh, kiểm tra nhiệt độ hay cơ thể bệnh nhân. Bên cạnh đó, cô và mọi người phải nói lớn để giao tiếp vì đồ bảo hộ kín, khó nghe âm thanh bên ngoài.

 Đội ngũ nhân viên y tế đang nỗ lực ngày đêm cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: China Daily.

Đội ngũ nhân viên y tế đang nỗ lực ngày đêm cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: China Daily.

"Cứ mặc đồ bảo hộ vào là chúng tôi không thể ăn cơm, uống nước hay đi vệ sinh vì mỗi lần cởi ra là không thể mặc lại. Chúng tôi thường chỉ uống nước một lần mỗi ngày", Shang nói.

Đội ngũ nhân viên y tế đến từ Phúc Kiến là các y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm đối phó dịch bệnh. Dù vậy, làm việc với cường độ cao và căng thẳng trong nhiều ngày, hầu hết đều lộ rõ sự mệt mỏi và không tránh khỏi lo lắng.

Một lần, có bệnh nhân do Shang Xiending phụ trách rơi vào tình trạng nguy kịch, phải chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt. Khi cùng hai y tá đưa bệnh nhân đi, Shang để ý một y tá có biểu hiện choáng váng, thở gấp, người ướt đẫm mồ hôi.

"May mắn là sau khi kiểm tra, cô ấy đã ổn định lại và không có dấu hiệu nhiễm virus. Tôi thì không sao, nhưng sợ nhất là trong đội của mình có ai đó gục ngã", nữ bác sĩ chia sẻ.

Hy vọng vào phép màu

Trong mắt của cô con gái 10 tuổi, Shang Xiending là một "người mẹ khó tính".

Nhưng khi nghe tin mẹ sẽ tới Vũ Hán chống dịch, cô bé lo lắng hỏi: "Mẹ sẽ không cô đơn chứ?". "Không đâu, vì mẹ có hàng trăm đồng nghiệp đi cùng rồi", cô trả lời.

 Bác sĩ Shang và đồng nghiệp làm việc nhiều giờ mỗi ngày.

Bác sĩ Shang và đồng nghiệp làm việc nhiều giờ mỗi ngày.

Dù trước khi tới Vũ Hán, Shang và nhiều nhân viên y tế không biết nhau. Nhưng sau gần 20 ngày kề vai sát cánh, tất cả đã trở thành những người anh chị em thân thiết.

"Không ai trốn tránh, né việc khi có chuyện xảy ra. Mọi người đều rất khẩn trương, nỗ lực. Tinh thần làm việc của họ thực sự khiến tôi xúc động", Shang nhận xét.

Hiện, tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán vẫn nghiêm trọng, các nhân viên y tế như Shang đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày.

"Ban đầu nhóm chúng tôi phụ trách 45 giường, giờ tăng lên thành 57 giường bệnh. Mỗi người sẽ được phân ca làm việc sáng, trưa, tối. Ca sáng từ 8h đến 13h, ca trưa từ 13h đến 20h, ca tối từ 20h đến 8h hôm sau. Dù được luân phiên nghỉ ngơi, nhiều người vẫn tình nguyện làm việc liên tục", Shang cho biết.

Đối với những y bác sĩ như cô, miễn là bệnh nhân được nhập viện, họ sẽ có thêm cơ hội để sống sót.

"Hy vọng sẽ sớm phát triển được các loại thuốc chữa dịch bệnh này, để phép màu có thể xảy ra", nữ bác sĩ bày tỏ.

Mai An

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/mien-nguoi-dan-khoi-benh-ho-khong-biet-toi-la-ai-cung-khong-sao-post1046633.html