Miền quê có những hàng tre
Tre trồng làm hàng rào, ngăn cách lối đi ở thôn Định Trung 3, xã An Định, huyện Tuy An. Ảnh: LÊ TRÂM
Ở miền quê, bà con nông dân trồng tre ngăn sạt lở bờ sông, suối và nhiều hàng tre đứng ven đường tỏa bóng râm, che nắng, che gió…
Thắt chặt tình làng nghĩa xóm
Dọc hai bên đường từ thôn Định Trung 2 ra Định Trung 3, xã An Định, huyện Tuy An, tre trồng làm hàng rào, ngăn cách lối đi. Bà Trần Thị Duyên ở thôn Định Trung 2, chia sẻ: Hàng tre trước nhà có từ thời ông bà, gắn với tuổi thơ tôi khi còn chơi đồ hàng, nhảy dây… Ở đây trũng thấp, trồng khoai, trồng rau dễ bị ngập lụt nên nông dân trồng tre. Từ cây tre cho ra đời nghề đan đát, tuy chỉ là nghề phụ. Từ cái sàng đến thúng, nia… đều đan bằng tre, giải quyết thời gian nông nhàn và thêm thu nhập cho gia đình. Vậy nên, từ đây ra đến bờ sông Ngân Sơn, hạ nguồn sông Kỳ Lộ, tre trồng từ ngõ nhà này nối ngõ nhà bên cạnh. Dọc bờ sông, bờ ao, mé đường, góc vườn... đều trồng tre.
Cũng theo bà Duyên, vùng này từ tháng tư đến tháng bảy nắng cháy da. Trưa nắng, người lớn, trẻ con tập trung dưới bóng mát của hàng tre trước nhà. Người lớn tuổi lên chức ông, chức bà bế cháu ra ngồi hóng mát. Mấy đứa nhỏ thì chơi ô ăn quan hoặc giữ em cho cha mẹ đan thúng, đan nia…
Dọc theo thôn Mỹ Long, xã An Dân, huyện Tuy An, những bụi tre xanh mượt nối thành hàng. Ông Bùi Văn Dũng sinh ra và gắn bó lâu năm với nơi này nói: Ở đây bà con trồng tre ngoài việc tạo bóng mát, thân tre làm nguyên liệu đan thúng chai; măng tre thì chế biến măng chua, măng luộc làm thức ăn cho gia đình vào những bữa cơm. Mỹ Long là làng đan đát nên rất quý tre, mọi người dưỡng từng mụt măng cái, chỉ bẻ măng vòi. Năm thuở mười thì, khi nào trong nhà kẹt tiền đi chợ, có đám tiệc hoặc thèm lắm họ mới bẻ măng cái để ăn.
Ông Cao Văn Tiên, nguyên Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, chia sẻ: Lúc đi xa, tôi nhớ quê nhà, nhớ da diết hàng tre. Tre già rụng lá bay theo làn gió rớt xuống sân nhà, ngoài ngõ; những chiếc lá chao nghiêng như đang khiêu vũ. Chiều chiều, mấy cô gái trong xóm quét lá tre từ trong sân ra đến ngoài ngõ, hình ảnh đó ở thành thị không có được. Còn gần tết, mỗi nhà một người quét lá tre khô làm sạch đường thôn, ngõ xóm để mọi người đi du xuân trên đường quê thoáng đãng trong ba ngày tết. Đến mùa gió nam cồ thổi mạnh, những cây tre cọ nhau ràn rạt…
Tre giữ làng, giữ xóm
Xóm nhà dọc theo sông Kỳ Lộ thuộc thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) có biệt danh là xóm Tre. Tre mọc thành hàng, bao bọc xóm nhà này. Xóm Tre nằm cạnh bờ sông, một vùng đất trũng thấp phía dưới liền kề với xóm Trường (cũ) của thôn Triêm Đức. Nhớ lại trận lũ lịch sử cuối tháng 11/2009, 18 người ở xóm Trường bị lũ cuốn trôi, 41 ngôi nhà đổ sập hoàn toàn. Nước lũ chảy xiết đến nỗi có những ngôi nhà bị trôi cả móng. Tuy nhiên, những ngôi nhà trong xóm Tre vẫn đứng vững trong lũ dữ. Ông Phạm Văn Trung, người dân xóm Tre nhớ lại: Buổi tối lũ ập đến bất ngờ, nước dâng cao ngập gần đến cổ. Nhà có chiếc sõng câu nên tôi đưa vợ cùng 2 con ngồi trên đó, rồi ngâm mình dưới nước giữ cho sõng thăng bằng. Sáng ra, nước rút, trong nhà bùn non ngập cả gang tay. Ở đây gần sông, nước chảy xiết nhưng nhờ tre bao quanh cản dòng nước. Cơn lũ đó, nếu không có tre che chắn, chắc cả xóm cũng đã trôi ra sông.
Cũng trong trận lũ lịch sử đó, dọc sông Kỳ Lộ, hàng ngàn héc ta đất canh tác bị bồi lấp cát. Nước lũ cũng làm xói lở, cào mất lớp đất thịt, nhiều người mất trắng diện tích đất sản xuất. Riêng đất soi ở đây cótre che chắn, không mất tấc nào, chỉ thêm phù sa. Mỗi năm khi mùa mưa đến cũng là lúc nông nhàn, nhiều người chặt tre già để bán, dưỡng măng và tre non. Với giá 10.000-15.000 đồng/cây, tùy lớn nhỏ, có người bán gần cả ngàn cây tre già, mang lại thu nhập cho gia đình. Ông Trần Văn Thọ, một người lớn tuổi ở đây, nói về cách chặt tỉa và dưỡng bụi tre: Khi chặt tre bán hoặc đan các vật dụng thì chặt tỉa, không chặt sát gốc và chừa lại một số cây để khi măng mọc lên có thể dựa vào đó mà lớn lên. Nếu chặt triệt lứa tre già thì măng mọc lên gió sẽ quật gãy, cây tre bị cụt đọt. Người dân ở đây có kinh nghiệm nuôi dưỡng, duy trì hàng tre để bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần sông không bị xói lở.
Sau đợt lũ lịch sử 2009, để đảm bảo tính mạng, tài sản người dân, UBND huyện Đồng Xuân đầu tư san ủi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư gần UBND xã Xuân Quang 2, đưa bà con xóm ngập lụt đến sinh sống. Có nơi ở mới, ai cũng vui mừng vì không còn cảnh chạy lũ. Tuy vậy hằng ngày, bà con vẫn ra xóm nhà cũ ven sông để chăm sóc tre, giữ đất, giữ làng…
Hàng tre trước nhà có từ thời ông bà. Ở đây trũng thấp, trồng khoai, trồng rau dễ bị ngập lụt nên nông dân trồng tre. Từ cây tre cho ra đời nghề đan đát, tuy chỉ là nghề phụ. Từ cái sàng đến thúng, nia… đều đan bằng tre, giải quyết thời gian nông nhàn và thêm thu nhập cho gia đình. Vậy nên, từ đây ra đến bờ sông Ngân Sơn, hạ nguồn sông Kỳ Lộ, tre trồng từ ngõ nhà này nối ngõ nhà bên cạnh. Dọc bờ sông, bờ ao, mé đường, góc vườn... đều trồng tre.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/288567/mien-que-co-nhung-hang-tre.html