Miền quê đáng sống
Nép mình bên dòng sông Lam thơ mộng, xã Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đang đổi thay mạnh mẽ. Sau 38 năm đổi mới và hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã kiến tạo nên một miền quê đáng sống.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Xã Nghi Xuân có vị trí địa lý tiếp giáp với thị xã Cửa Lò, nằm cách trung tâm TP. Vinh 10km và có các tuyến giao thông quan trọng đi qua, như: quốc lộ 46C, Tỉnh lộ 535, Đại lộ Vinh - Cửa Lò… Đây là điều kiện thuận lợi về giao thương, kết nối, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Với tổng diện tích tự nhiên 616,77ha, Nghi Xuân có 7 xóm với 2.389 hộ và 10.831 nhân khẩu. Trong đó, 6 xóm có đồng bào theo đạo thiên chúa giáo với 27% nhân khẩu toàn xã.
Bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những thuận lợi, Nghi Xuân cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức bởi xuất phát điểm là một xã thuần nông. Nguồn tài nguyên hạn hẹp, lực lượng lao động nông nghiệp ngày càng giảm, hạ tầng văn hóa được xây dựng từ lâu đã không đáp ứng được các tiêu chí mới nên phải đầu tư nhiều nguồn lực. Với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, năm 2014, Nghi Xuân đã trở thành một trong 2 xã đầu tiên của huyện Nghi Lộc được công nhận đạt chuẩn NTM.
Đến năm 2020, 16 xóm của xã được sáp nhập lại chỉ còn 7 xóm. Kết cấu hạ tầng như đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa xóm và một số công trình đã xuống cấp không còn bảo đảm. Từ đạt chuẩn NTM, địa phương lại khẩn trương bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao với chỉ 6/19 tiêu chí đáp ứng yêu cầu. Đây là trọng trách với khối lượng công việc nhiều, cần nguồn vốn lớn để đầu tư.
Để khắc phục khó khăn về nguồn lực, địa phương tranh thủ lồng ghép các nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện thông qua các dự án cùng với ngân sách địa phương; tranh thủ kêu gọi con em xa quê và đặc biệt nội lực và sức mạnh của nhân dân vừa hiến đất, tài sản, đóng góp tiền, vừa đóng góp ngày công lao động để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang diện mạo nông thôn. Theo báo cáo của UBND xã, đến nay tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn đạt hơn 222 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cấp trên hỗ trợ hơn 64 tỷ đồng; ngân sách xã hơn 39 tỷ đồng; người dân đóng góp hơn 119 tỷ đồng.
Những con số biết nói
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, xã Nghi Xuân trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của huyện Nghi Lộc. Diện mạo nông thôn Nghi Xuân ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại văn minh, đường làng được bê tông hóa và trải nhựa, hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, kết cấu hạ tầng của các ngành y tế, giáo dục đạt chuẩn. Đặc biệt, khu văn hóa trung tâm của xã, đường giao thông được mở rộng, các công trình văn hóa được xây dựng khang trang to đẹp, tạo thêm niềm tin và sự phấn khởi cho nhân dân.
Hiện, toàn xã đã hoàn thiện 3 tuyến giao thông với tổng chiều dài 5.2km, mặt đường rộng từ 3.5 - 9m, nhựa hóa 100% và có đèn chiếu sáng. Trong đó, toàn bộ 3,8km đường qua khu dân cư đều có rãnh bảo đảm tiêu thoát nước tốt; bảo đảm đi lại thuận lợi, an toàn cho người dân, nhất là mùa mưa lũ. Hệ thống đường trục xóm và liên xóm của xã cũng được bê tông hóa hoặc thảm nhựa với mặt đường từ 3.5 - 6m và lắp đặt điện chiếu sáng.
Bên cạnh kết cấu hạ tầng, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn không ngừng được cải thiện. Xã cũng hình thành những mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Trong đó, có 5 hộ sản xuất nước mắm truyền thống, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 - 22.000 lít nước mắm, đem lại doanh thu khoảng 2 - 2,2 tỷ đồng/năm. Sản phẩm nước mắm được tiêu chuẩn hóa để tham gia Chương trình OCOP vào cuối năm 2023, có tem mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Toàn xã có 74 tàu thuyền, sản lượng đánh bắt thủy hải sản hàng năm từ 750 tấn đến 800 tấn...
Năm 2022, thu nhập bình quân/người của xã đạt 56 triệu đồng thì đến năm 2023, đã tăng lên 64,69 triệu đồng; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 95%. Với nhiều hoạt động quan tâm thiết thực, hộ nghèo trong xã được hỗ trợ về nhà ở, tiếp cận y tế và các dịch vụ xã hội thiết yếu, cùng với đó là hỗ trợ về vốn, tư liệu sản xuất… đã chủ động vươn lên, ổn định đời sống. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã hàng năm đều giảm bền vững, tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới chỉ còn 3,93%.
Trưởng thôn Xuân Lộ Nguyễn Văn Hoa cho biết, 5 năm trở lại đây, đời sống người dân tăng lên nhiều. Toàn thôn có 50 hộ xây nhà cao tầng/382 hộ dân. Thu nhập và đời sống của người dân ổn định và tăng cao. Bên cạnh đó, người dân còn được hưởng thaafnh quả của chương trình nông thôn mới mạng lại như nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, hệ thống truyền thanh; 98% đường nông thôn được bê tông hóa… Phong trào sinh hoạt văn hóa, thể thao được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho nhân dân - yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển về mọi mặt.