Miền quê danh thơm nức tiếng

BẮC NINH - Là miền đất cổ ăm ắp dấu tích nguồn cội, Bắc Ninh nổi tiếng là đất văn hiến, đất học, đất của di sản, di tích, lễ hội, đất của thi ca, trữ tình, lãng mạn... Trải nhiều thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, bằng tất cả trí lực của mình, Nhân dân Bắc Ninh đã bảo tồn được kho báu di sản văn hóa phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình...

Phù sa Kinh Bắc

Đất Kinh Bắc được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng cùng nhiều con sông khác trong vùng. Đặc biệt là bốn con sông cùng mang chữ "Đức": Thiên Đức - sông Đuống, Nguyệt Đức - sông Cầu, Nhật Đức - sông Thương, Minh Đức - sông Lục Nam. Từ lớp lớp phù sa bồi tụ, miền đất Kinh Bắc - Bắc Ninh đã kết tinh nên một hệ giá trị văn hóa sâu dày, là minh chứng cho thấy "thứ gì vượt qua được sức nặng của thời gian sẽ trở thành vô giá".

 Lấp lánh văn hóa Quan họ. Ảnh: Trần Phan.

Lấp lánh văn hóa Quan họ. Ảnh: Trần Phan.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú (1782-1840) từng tổng kết: "Kinh Bắc có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, phủ Lạng Giang đẹp hơn. Văn học thì phủ Từ Sơn, phủ Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi...".

Di sản văn hóa Bắc Ninh khó có thể đo đếm mà phải cảm nhận bằng chiều sâu lịch sử, bằng khát vọng gửi gắm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngược dòng thời gian, thế hệ hôm nay không khỏi tự hào trước bao tinh hoa mà cha ông xưa dày công gây dựng và gửi gắm trong mỗi làng mạc, di tích, qua từng câu hát dân ca, lễ nghi, trò chơi... Trong sự đồ sộ của kho báu di sản, quan họ lấp lánh nổi bật như viên ngọc quý. Không chỉ là những lời ca điệu hát giao duyên, quan họ còn là lối sống, là triết lý nhân sinh chan chứa đạo lý, nghĩa tình.

Bởi thế, không phải ngẫu nhiên Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là sự ghi nhận một nền văn hóa lấy sự tử tế, nhã nhặn và ân tình làm kim chỉ nam trong giao tiếp ứng xử và các mối quan hệ cộng đồng. Cũng từ quan họ, phẩm chất, cốt cách người Kinh Bắc trở thành một biểu tượng văn hóa: Vừa lịch lãm, ý nhị trong lối sống, vừa hoạt bát năng động trong giao thương. Một vẻ đẹp vừa thâm trầm của kẻ sĩ Bắc Hà, vừa hào hoa, thanh lịch của nếp sống Thượng Kinh. Phẩm cách người Kinh Bắc như một thương hiệu được nâng niu gìn giữ như một hằng số văn hóa vượt thời gian...

Cùng với di sản văn hóa phi vật thể, Bắc Ninh còn là vùng đất ghi dấu nhiều mốc son rực rỡ với biết bao vàng son tên tuổi, bao công lao hiển hách, huy hoàng còn đậm in trên giấy gấm, bao dấu tích vật chất từ sâu trong lòng đất đến những chùa tháp, đình đền, lăng mộ, bến sông vẫn hiện diện trầm mặc, thiêng liêng. Đó là lăng và đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương, thành cổ Luy Lâu, chùa Dâu - trung tâm Phật giáo cổ nhất Việt Nam, Đền Đô - nơi tôn thờ các bậc minh vương triều Lý khai mở nền văn minh Đại Việt, chiến tuyến Như Nguyệt với bản "Nam quốc sơn hà" hào sảng, chiến trường Xương Giang oai hùng... Mỗi di tích là một chương sử thi, là chứng tích sống động của khí thiêng sông núi hội tụ.

Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, các phong trào giải phóng dân tộc từ Hai Bà Trưng đến Lý Nam Đế đều kết thúc ở đất Luy Lâu, Long Biên... tuy giành quyền độc lập tạm thời nhưng khắc sâu vĩnh viễn truyền thống quật cường bất khuất. Những thế kỷ tiếp sau, Kinh Bắc đều là phên giậu vững chắc của kinh đô Thăng Long. Người Kinh Bắc vừa phát triển kinh tế, văn hóa cho một xứ Bắc nổi tiếng phong nhã hào hoa, vừa góp phần dựng xây nền thịnh vượng chung cho cả nước. Trong kháng chiến chống Pháp, những người con ưu tú với khí tiết yêu nước như Nguyễn Cao, Hoàng Hoa Thám... tiếp đến Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ đã trở thành những tấm gương tiêu biểu kết tinh khí phách anh hùng của quê hương và đặt những viên gạch đầu tiên khởi xướng phong trào cách mạng trên mảnh đất này.

Nghìn năm lịch sử đi qua để lại cho Bắc Ninh ngày nay những giá trị, vẻ đẹp riêng. Nếu phải gọi tên một mạch nguồn âm thầm mà bền bỉ làm nên cốt cách và chiều sâu tâm hồn con người xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh thì không thể không nhắc đến Phật giáo. Dòng ánh sáng từ bi đã bén rễ từ vùng đất Luy Lâu hơn hai nghìn năm trước rồi dung hội, tiếp biến hòa hợp, lan tỏa thấm sâu vào nếp nghĩ, lối sống, tiềm thức cộng đồng cư dân Kinh Bắc.

Vào thời Lý, Phật giáo không chỉ phát triển rực rỡ về tư tưởng mà còn thăng hoa trong kiến trúc, nghệ thuật, trở thành quốc đạo với những đại danh lam thấm đẫm tinh thần Đại Việt nhân văn, khai mở như: Chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Tĩnh Lự... Tư tưởng Thiền tông tiếp tục đạt tới đỉnh cao ở thời Trần, khi vua Trần Nhân Tông sau hai lần đánh bại quân Mông Nguyên đã từ bỏ ngai vàng, lên núi Yên Tử sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Nhà vua cùng hai đệ tử Pháp Loa và Huyền Quang đã khai sáng một dòng thiền nhập thế, hòa điệu giữa đạo và đời với triết lý thuần Việt sâu sắc "cư trần lạc đạo" - sống giữa đời thường vẫn an vui trong đạo.

Như mạch nước ngầm thấm vào từng lớp trầm tích văn hóa, nuôi dưỡng đời sống tâm linh và nhân sinh quan của người Kinh Bắc, dòng chảy Phật giáo không đứt đoạn, mà tiếp tục kế truyền qua các chặng đường lịch sử với những ngôi chùa nổi tiếng như Vĩnh Nghiêm, Bút Tháp, Bổ Đà... Ngày nay, tư tưởng Phật giáo vẫn tiếp tục tuần hoàn, trở thành nơi nương náu cho niềm tin, cho những tâm hồn yêu thương, sống chậm và thấu hiểu nhiều hơn.

Khát vọng tương lai

Lịch sử dân tộc từng trải qua những thời khắc chuyển mình quan trọng, từ Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, đến Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập thế hoằng dương Phật pháp, tiếp đó là những bước chuyển lớn của đất nước trong thời kỳ đổi mới... Và hôm nay, Bắc Ninh lại đứng trước một khởi đầu mới mà sự đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh và tình yêu quê hương sẽ quyết định tương lai.

Trong tâm thức người dân Kinh Bắc, Bắc Ninh và Bắc Giang dù có lúc sáp nhập, chia tách về địa giới hành chính nhưng chưa bao giờ xa cách trong dòng chảy văn hóa, trong tình nghĩa đồng bào, trong mạch nguồn lịch sử ngàn năm của vùng đất địa linh nhân kiệt.

Trong tâm thức người dân Kinh Bắc, Bắc Ninh và Bắc Giang dù có lúc sáp nhập, chia tách về địa giới hành chính nhưng chưa bao giờ xa cách trong dòng chảy văn hóa, trong tình nghĩa đồng bào, trong mạch nguồn lịch sử ngàn năm của vùng đất địa linh nhân kiệt. Từ khi được vua Minh Mệnh định danh là tỉnh Bắc Ninh năm 1831, đến năm 1895 Bắc Giang được tách ra, rồi năm 1962 hai tỉnh hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc và năm 1997 lại chia tách, đến nay sau hơn một phần tư thế kỷ, Bắc Ninh và Bắc Giang lại sum họp.

Việc hợp nhất hai tỉnh hôm nay không đơn thuần là "về lại ngày xưa" mà là mở đường cho tương lai. Đây còn là cơ hội vượt thoát khỏi những thói quen cũ, xây dựng mô hình phát triển cân bằng, nhân văn và khai phóng, nơi truyền thống văn hóa vừa là nền tảng tinh thần vừa là nguồn lực phát triển, nơi hiện đại không chỉ hào nhoáng qua những chỉ số tăng trưởng mà còn là tầm nhìn và khả năng đánh thức nội lực, thúc đẩy sáng tạo bền vững.

Bắc Ninh đang sở hữu hơn 3.600 di tích, trong đó gần 1.500 di tích được xếp hạng gồm: 11 di tích và cụm di tích Quốc gia đặc biệt, 322 di tích quốc gia và 1.096 di tích cấp tỉnh; có 24 bảo vật quốc gia; 6 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh - nhiều nhất cả nước gồm: Dân ca quan họ; ca trù; nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp; thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; thực hành nghi lễ Then của người Tày, Nùng; mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Cùng với gần 1.400 lễ hội truyền thống, hàng chục làng nghề đặc sắc và đội ngũ trí thức, nghệ nhân, văn nghệ sĩ hùng hậu chính là tiềm lực, tài nguyên quan trọng để phát triển kinh tế sáng tạo.

Với đội ngũ lãnh đạo bản lĩnh, hiểu văn hóa, giỏi quản trị, cùng khát vọng khơi dậy nội lực từ con người, tỉnh Bắc Ninh mới - nơi kết tinh di sản, văn hóa và trí tuệ - chắc chắn sẽ bước sang một chương mới thịnh vượng và tỏa sáng, khẳng định tầm vóc xứng đáng của "miền đất danh thơm nức tiếng" trong huyết mạch ngàn năm văn hiến Việt Nam.

Thanh Lâm

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mien-que-danh-thom-nuc-tieng-postid421012.bbg