Miền quê trong ký ức

HNN - Tôi lớn lên ở Hương Bình, theo chủ trương sau sáp nhập, các xã vùng núi Hương Bình, Bình Tiến, Bình Thành được gộp lại với cái tên gọi mới là Bình Điền.

Trường Mầm non Hương Bình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Trường Mầm non Hương Bình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Những năm chín mươi, gia đình tôi rời quê hương đi kinh tế mới. Nơi đến là một vùng đồi núi hoang vu. Thời điểm ấy, Hương Bình đã là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, đầy những dấu tích của bom đạn chiến tranh. Nhưng, tôi lại nhìn thấy dưới những tàn tích, những hố bom lặng lẽ ấy là một Hương Bình đầy mơ mộng, lưu luyến. Tôi tự hỏi, liệu đây có phải là sự sắp đặt của mẹ thiên nhiên, một vùng đất đầy đau thương lại được gắn với một cái tên mỹ miều như để bù đắp lại những dấu tích của chiến tranh vậy.

Hương Bình là một xã vùng núi thuộc thị xã Hương Trà, ra đời từ chủ trương kinh tế mới sau 1975 và gắn với quá trình di dân từ các vùng ven biển, ven phá của thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền lên vùng kinh tế mới Bình Điền - Khe Điêng.

Đời sống kinh tế mới của Hương Bình giai đoạn khai hoang vỡ đất, thiếu thốn đủ bề, người ở lại, kẻ rời đi cũng khá nhiều. Ban Kinh tế mới của huyện khi ấy phải hỗ trợ lương thực. Huyện đội và Huyện đoàn đưa lực lượng lên rà phá bom mìn, khai hoang làm nhà, mở rộng diện tích sản xuất và xây dựng đường giao thông từ Bình Điền vào Khe Điêng nhằm khắc phục khó khăn giúp đỡ dân chúng. Năm 1979, khi ổn định tư tưởng người dân, đất đai được mở rộng, cuộc sống dần ổn định hơn, chính quyền xã cũng được thành lập và đặt tên là Hương Bình, với ước mong về một nơi chốn bình yên, an cư lạc nghiệp cho người dân.

Nhắc đến Hương Bình, phải nói về phần lớn người dân đến từ các vùng khác nhau, như Thuận An, Hải Dương, Hương Sơ, Hương Long, Hương Phong, Quảng Lộc, Quảng An, Hương Vinh... Chính sự khác biệt ban đầu, những thiếu thốn, không quen với sản xuất nông - lâm nghiệp ở vùng gò đồi, đã khiến cuộc sống khó khăn hơn. Nhưng khao khát vươn lên, người dân ngụ cư nơi này đã cùng nhau xây dựng Hương Bình tươi đẹp bằng hành trang văn hóa, nghề truyền thống mà họ mang theo.

Người Hương Bình bắt đầu cuộc sống không dễ dàng gì. Nông, lâm nghiệp là nghề chính, còn những nghề truyền thống của các vùng quê khác không được phát huy bởi điều kiện tự nhiên và nhu cầu khác với vùng đồng bằng. Hồi đó, tôi nhớ o Huế lấy chồng ở làng An Thuận - xã Hương Toàn, nơi có nghề làm cốm vang danh. Sau khi lên xây dựng kinh tế mới, o vẫn mang nghề cốm theo để giảm nỗi nhớ quê và tăng thu nhập. Tôi không nhớ rõ quy trình làm cốm, chỉ lẽo đẽo theo lưng xem o nhóm bếp, rang cốm để được ăn cốm vụn. Sau đó, nghề cốm không hợp với vùng đất mới nên chỉ còn lưu lại trong ký ức. Mẹ tôi cũng mang theo nghề chằm nón, bởi mẹ bảo mẹ nức nón rất siêu, sẽ dễ kiếm thu nhập, nhưng rồi cuộc sống cần những nghề nặng nhọc hơn để dễ ổn định, mẹ đành gác chiếc nón sang một bên như gác giấc mơ dang dở.

Rồi thêm nghề bán lá thuốc. Họ rủ nhau vào rừng tìm cây lá thuốc, phơi khô gánh bộ ra Bình Điền, theo xe đò về phố bán. Nghề đốt than vất vả hơn, thế mà cả thanh niên lẫn phụ nữ 40 tuổi vẫn trèo lên các ngọn núi, chặt củi đốt than, chất từng bao tải rồi vác về nhà để chờ thương lái đến mua. Dường như, trong khó khăn, con người được tiếp thêm một sức mạnh lạ kỳ.

Tôi nhớ những ngày theo ba mẹ lên nương trồng đậu, trồng lúa, trỉa bắp… Ba cày vùng đất rộng, đánh đất thẳng hàng để trỉa; mẹ gùi hạt trên lưng, tay cầm mác chọc đất rồi gieo. Có những ngày cùng nhau lên đồi bứt tranh về lợp nhà. Nhà tranh, vách cũng là tranh, ba tôi thường lấy lạt cột tranh như rèm để hứng gió mát mùa hè. Ngày mưa, tiếng những giọt mưa thánh thót rơi trên mái tranh trong ký ức tôi như miền cổ tích.

Khi cuộc sống dần ổn định, xã đã chuyển dịch một số cây trồng có hiệu quả cao hơn như mía, cao su, cây ăn quả. Ba mẹ tôi cũng trồng mía, tôi cũng phụ giúp được ít việc như trảy lá, dọn cỏ. Đến ngày thu hoạch, những bó mía to và nặng được khuân ra đường chờ xe đến bốc. Đồng mía bấy giờ trống không. Đám trẻ con nhặt những cây mía cháy sót lại, ăn thơm và bùi. Giờ đây, thi thoảng tôi vẫn nhớ mùi mía cháy, nhớ cả bầu trời tuổi thơ vô tư, ngây dại.

Giờ nhìn lại, gần 50 năm khai hoang lập đất, chính quyền và Nhân dân đồng lòng, hợp sức, Hương Bình khởi sắc từng ngày, đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Những con đường bê tông liên thôn nơi đây trải dài, đèn đường sáng bừng; những ngôi nhà khang trang với tường rào, cổng chào. Hệ thống trường học, trạm y tế đầy đủ. Nhiều mô hình nông, lâm nghiệp phát triển, nhiều doanh nghiệp, công ty của chính những người con Hương Bình được thành lập, tạo dựng công ăn việc làm cho người dân trong xã. Trái ngọt của Hương Bình hôm nay là từ những vất vả, đắng cay đời trước.

Năm 2025, theo chủ trương của nhà nước, bãi bỏ cấp huyện và thành lập chính quyền địa phương 2 cấp. Sau khi sáp nhập ba xã Hương Bình, Bình Tiến, Bình Thành, thì Bình Điền bây giờ hay Hương Bình trong ký ức vẫn là những cái tên mà tôi luôn khắc sâu vào tâm khảm.

Bài, ảnh: Phương Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/mien-que-trong-ky-uc-155770.html