Miền Tây đang chìm

Đồng bằng sông Cửu Long đang có tốc độ sụt lún đất cao gấp 3 – 4 lần, có nơi cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Sạt lở đất miền Tây diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Anh

Sạt lở đất miền Tây diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Anh

Cụ thể, theo một số nghiên cứu, nước biển dâng với tốc độ khoảng 0,35cm mỗi năm, trong khi theo số liệu của Bộ Tài nguyên và môi trường, trong 10 năm qua, tốc độ sụt lún nền đất ở miền Tây đạt đến 0,96cm mỗi năm. Cùng với đó, hiện tượng ngập úng, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của bà con.

Thông tin trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra tại buổi làm việc với các bộ, ngành và lãnh đạo 13 tỉnh, thành miền Tây, ngay sau chuyến khảo sát tình trạng sạt lở của khu vực này bằng máy bay trực thăng.

Thủ tướng cho biết, trong khoảng nửa thế kỷ vừa qua, diện tích rừng ngập mặn ven biển Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm khoảng 80%. Ước tính trong giai đoạn 2011 – 2016, miền Tây mất khoảng 300 – 500 héc ta diện tích đất mỗi năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất của hàng nghìn hộ dân ven biển, ven sông tại khu vực này.

Trước đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết địa phương này có đường bờ biển dài nhất và cũng ghi nhận tình trạng xâm thực biển nặng nề nhất ở miền Tây.

Theo đó, trong 10 năm qua, Cà Mau ghi nhận hơn 180km đường bờ biển và 425km đường bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, diện tích đất bị mất khoảng hơn 5 nghìn héc ta đất và rừng phòng hộ, tương đương với diện tích của cả 1 xã.

Tại tỉnh láng giềng là Bạc Liêu, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp không kém. Ước tính, từ năm 2015 đến nay, cả tỉnh Bạc Liêu xảy ra 35 vụ sạt lở, thiệt hại ước tính lên đến 23 tỷ đồng.

Sóc Trăng, tình trạng biển lấn, sạt lở bờ sông cũng gây ảnh lớn đến đời sống và hoạt động kinh tế. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhiều đoạn rừng phòng hộ đã bị nhấn chìm, khiến sóng đánh trực tiếp vào chân đê, gia tăng nguy cơ vỡ đê.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, mức độ sạt lở của miền Tây ngày càng nghiêm trọng và diễn ra quanh năm, thậm chí còn diễn ra mạnh hơn vào mùa khô.

Tình trạng sạt lở xảy ra mạnh ở những vị trí đỉnh các khúc sông cong, vị trí phân nhập lưu, đầu các cù lao và đặc biệt là khu vực đông dân cư.

Bên cạnh nguyên nhân do dòng chảy phức tạp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng khẳng định, các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra một cách thiếu kiểm soát cũng tác động lớn đến sự “chìm dần” của Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tình trạng sạt lở đất miền Tây bằng máy bay trực thăng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tình trạng sạt lở đất miền Tây bằng máy bay trực thăng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vị trí chiến lược quan trọng trên nhiều lĩnh vực, sở hữu tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển, nông nghiệp và giao thông đường thủy, đóng vai trò quan trọng duy trì an ninh lương thực quốc gia cũng như quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận những khó khăn trong công tác ứng phó sạt lở đất, tuy nhiên cũng cho rằng một phần nguyên nhân đến từ công tác quy hoạch còn chưa được làm tốt, một số công trình phòng chống sạt lở chưa được đầu tư bài bản, dẫn đến hiệu quả kém.

Ứng phó với sạt lở, sụt lún nền đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 quan điểm điều hành.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về diễn biến và hậu quả của sụt lún, sạt lở, ngập úng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ hai, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức quản lý của chính quyền cũng như sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai giải pháp trước mắt cũng như nghiên cứu, xây dựng giải pháp có tính căn cơ, lâu dài. Thứ tư, huy động nguồn lực Nhà nước cũng như nguồn lực xã hội hóa cho công tác phòng, chống sạt lở đất.

Cuối cùng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát để thực hiện các giải pháp chống sụt lún, sạt lở đất trong ngắn và dài hạn.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/mien-tay-dang-chim-1691923760614.htm