Miền Tây hướng đến nền y tế thông minh

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định các đột phá chiến lược, trong đó có việc chú trọng phát triển nền tảng chuyển đổi số quốc gia, tiến đến xã hội số. Theo đó, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Riêng ngành y tế tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đang nỗ lực xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân, nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý góp phần cùng cả nước hướng đến xây dựng nền y tế thông minh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, mọi cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và người dân đang sôi nổi thực hiện chuyển đổi số.

Ngành y tế tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện đại hóa, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập trung; bảo đảm hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thống kê y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử,... Nhờ đó đã có những thay đổi tích cực trong hệ thống y tế địa phương, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nhân viên Trung tâm y tế huyện Ngọc Hiển hướng dẫn người dân sử dụng app VnCare trên điện thoại thông minh để đăng ký khám trực tuyến.

Nhân viên Trung tâm y tế huyện Ngọc Hiển hướng dẫn người dân sử dụng app VnCare trên điện thoại thông minh để đăng ký khám trực tuyến.

Tranh thủ thời gian lúc người dân đến khám bệnh, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển đã tích cực tuyên truyền, tận tình hướng dẫn cách thức cài đặt và sử dụng app VnCare trên điện thoại thông minh.

Chỉ cần thao tác vài bước trên điện thoại, mọi người có thể tiếp cận, tương tác và sử dụng các dịch vụ mà cơ sở y tế cung cấp như đặt lịch khám, tư vấn online với bác sĩ, tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh,… Nhờ đó, giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi ở những lần khám sau nhưng vẫn được thụ hưởng chất lượng dịch vụ tốt.

Chị Nguyễn Anh Thy, Phòng Kế hoạch, Nghiệp vụ Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển nhận xét: “Thuận lợi là cái app này tương đối dễ cho người dân khi sử dụng, cách thao tác các bước cũng đơn giản, người dân dễ tiếp thu, dễ cài, dễ sử dụng”.

Anh Trương Thành Công ngụ ấp Đường Kéo, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển vui vẻ cho biết: “Khi được cài đặt app đăng ký khám bệnh online thì mình có thể linh hoạt trong khám, chữa bệnh, rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, tạo điều kiện sắp xếp công việc đăng ký khám một cách thuận lợi nhất. Thêm nữa là tích hợp nhiều tính năng, nhưng thích nhất là có thể tìm kiếm cơ sở khám bệnh gần nhất”.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế gồm 3 nội dung chính: thứ nhất là đăng ký khám bệnh từ xa, thứ hai là thanh toán không dùng tiền mặt, thứ ba là sổ khám sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử. Thời gian qua chúng tôi rất thuận lợi trong việc tổ chức khám bệnh từ xa, đã triển khai và làm rất là tốt.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển Trần Văn Phước

Để từng bước làm chủ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thành công trong khám, chữa bệnh, Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển đã trang bị hệ thống máy tính kết nối mạng, có cài đặt phần mềm bảo vệ để được an toàn, bảo đảm triển khai các phần mềm nhanh, chính xác, hiệu quả. Đồng thời quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chị Phạm Thị Kiều Trang (Kiên Giang) được y bác sĩ chăm sóc sau khi điều trị chạy thận bằng thiết bị hiện đại tại Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ.

Chị Phạm Thị Kiều Trang (Kiên Giang) được y bác sĩ chăm sóc sau khi điều trị chạy thận bằng thiết bị hiện đại tại Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ.

Ông Phước thông tin, sắp tới trung tâm sẽ tổ chức một tổ chuyên viên xuống tận nơi, hướng dẫn người dân cách cài đặt cũng như làm sao biết được kế hoạch của Trung tâm Y tế đề ra trong 3 lĩnh vực hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và khám bệnh từ xa, khám bệnh không dùng tiền mặt; để người dân hiểu và chấp nhận thực hiện việc chuyển đổi số thành công.

Nỗ lực trong chuyển đổi số của ngành y tế nói chung không chỉ có ý nghĩa đối với công tác quản lý, điều hành; cải cách quy trình khám, chữa bệnh công khai, minh bạch; theo dõi thông tin bệnh nhân chính xác hơn mà còn giảm phiền hà cho người bệnh, giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh hơn, theo dõi quy trình khám, chữa bệnh thuận tiện, chính xác, từ đó hướng tới sự hài lòng, ngày càng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tại thành phố Cần Thơ, để triển khai thực hiện Ðề án “Xây dựng Y tế thông minh, trọng tâm là Y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ”, các đề án, kế hoạch đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm xây dựng nền y tế thông minh, hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân thành phố.

Trung tâm y tế huyện Ngọc Hiển nghiên cứu lại hồ sơ qua phần mềm quản lý bệnh án điện tử.

Trung tâm y tế huyện Ngọc Hiển nghiên cứu lại hồ sơ qua phần mềm quản lý bệnh án điện tử.

Ðề án có 3 mục tiêu chính đến năm 2030 hình thành y tế thông minh là: Phòng bệnh thông minh, khám, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Các mục tiêu cụ thể như: 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế đầy đủ các chức năng; 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, thực hiện tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; 100% bệnh viện hạng 1 triển khai hồ sơ bệnh án điện tử…

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: Một phần rất quan trọng trong chuyển đổi số y tế là bệnh án điện tử. Nếu bệnh án điện tử được thực hiện tốt ở tất cả các bệnh viện và kết nối giữa các bệnh viện sẽ mang lại lợi ích lớn trong việc quản lý hồ sơ sức khỏe của từng cá nhân. Khi cá nhân di chuyển đến bất kỳ đâu, các số liệu sẽ luôn đầy đủ và chính xác, từ đó công tác khám và điều trị bệnh sẽ trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn rất nhiều.

Hiện nay, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cũng như tất cả các bệnh viện trên cả nước đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều nhờ vào công cuộc số hóa. Chẳng hạn, việc đăng ký khám bệnh giờ đây có thể thực hiện từ xa. Ngay cả khi đến khám tại bệnh viện, việc đăng ký cũng dễ dàng hơn nhờ sự tích hợp của VNeID, bảo hiểm y tế và sổ sức khỏe.

Người dân chỉ cần một chiếc điện thoại với sự tích hợp VNID để đăng ký mà không cần đem theo nhiều tài liệu như trước đây, bao gồm giấy chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh, giấy hẹn,...

Song song đó, thành phố Cần Thơ đã và đang có nhiều giải pháp cải tổ hệ thống y tế, nhất là các kỹ thuật y tế chuyên sâu, năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao giúp hoạt động thăm khám, điều trị bệnh đạt nhiều kết quả tích cực, làm tăng niềm tin trong nhân dân, giảm áp lực y tế cho tuyến trên.

Hiện mạng lưới bệnh viện đa khoa và chuyên khoa sâu được đầu tư mạnh mẽ; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh không ngừng được cải thiện.

Trong niềm vui hồi phục sức khỏe sau khi ghép thận thành công tại Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, chị Phạm Thị Kiều Trang đến từ tỉnh Kiên Giang xúc động bày tỏ: “Khi biết ngành y tế tại Cần Thơ có đủ điều kiện cấy ghép thận em mừng lắm, mừng cả cho những bệnh nhân khác nữa. Vì nếu phải lên Thành phố Hồ Chí Minh thì vừa xa vừa tốn kém về kinh tế. Ở đây làm được thật là quá quý, vừa nhanh lẹ mà bảo đảm sức khỏe”.

Có thể nói đến những thành tựu lớn của chuyển đổi số ở lĩnh vực này, đặc biệt là trong chẩn đoán hình ảnh. Chúng ta thấy rõ việc sử dụng AI, tức là trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh mang lại sự chính xác và nhanh chóng, thậm chí có kết quả ngay mà không cần tốn nhiều nhân sự, nhờ đó giúp tăng cường độ chính xác trong chẩn đoán. Về mặt điều trị, nhiều bệnh viện đã sử dụng robot trong một số phẫu thuật đặc biệt, góp phần nâng cao chất lượng điều trị.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ Nguyễn Quang Thái

Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tiến tới bệnh viện thông minh, hiện nay trong các hệ thống y tế đã triển khai và sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý bệnh án điện tử.

Nếu trước đây mọi thông tin về khám bệnh, thực hiện cận lâm sàng, chẩn đoán… đều phải ghi chép bằng tay, rất khó khăn khi cần truy cứu lại hồ sơ, nhất là trong trường hợp khẩn cấp phục vụ công tác cấp cứu, hội chẩn,... thì hiện nay tất cả đều được lưu trữ trên phần mềm một cách chi tiết, có hệ thống và đồng bộ với tuyến trên.

Mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình ở thành phố Cần Thơ hỗ trợ giảm tải bệnh viện tuyến trên.

Mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình ở thành phố Cần Thơ hỗ trợ giảm tải bệnh viện tuyến trên.

Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, chiến lược phát triển chuyển đổi số y tế Cần Thơ khi hoàn thiện bộ dữ liệu y tế dùng chung trên địa bàn thành phố, xây dựng hệ thống quản lý thông minh chuyên ngành y sẽ có khả năng chia sẻ và kết nối các tuyến.

Trong đó, về y tế cơ sở thì nền tảng là trạm y tế quản lý toàn diện các hoạt động khám, chữa bệnh; kết nối liên thông dữ liệu với nền tảng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của y tế tuyến quận, huyện, thành phố và của Bộ Y tế. Đồng thời, xây dựng và sử dụng hiệu quả hệ sinh thái ứng dụng các tiện ích y tế thông minh hướng đến sự hài lòng của nhân viên y tế và bệnh nhân.

Cuối tháng 10 vừa qua, tại hội nghị Phát triển y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ Hoàng Quốc Cường cho biết, thành phố đang định hướng phát triển y tế cơ sở theo mô hình Phòng khám Bác sĩ gia đình.

Mới đây, Cần Thơ đã khánh thành 3 Phòng khám Bác sĩ gia đình tại các trạm y tế xã Thạnh Tiến (huyện Vĩnh Thạnh), phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) và phường Thường Thạnh (quận Cái Răng). Các phòng này hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, thực hiện tư vấn, khám, chữa bệnh trực tiếp; tại đây còn triển khai app ứng dụng "Chăm sóc sức khỏe Cần Thơ" với chức năng đặt lịch khám, hội chẩn từ xa…

Chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu Phòng khám Bác sĩ gia đình chất lượng cho thành phố Cần Thơ, tạo ra một địa chỉ chăm sóc sức khỏe toàn diện ban đầu cho người dân. Mục tiêu là tăng độ bao phủ dịch vụ, cải thiện độ tiếp cận cho cộng đồng và làm hài lòng người dân, giúp họ không cần phải lên tuyến trên. Hiện nay, ứng dụng (app) của chúng tôi đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ Hoàng Quốc Cường

Ông Cường cho biết, Sở Y tế thành phố đã tổ chức tập huấn cho một số trạm y tế và bệnh viện triển khai mô hình Phòng khám Bác sĩ gia đình cũng như đầy đủ các quy trình khám, chữa bệnh và tiêm chủng.

Thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn cho các trạm y tế và nhân viên y tế, đồng thời hướng dẫn người dân cách cài đặt, sử dụng ứng dụng này. Trước mỗi lần đi khám, chữa bệnh, họ sẽ có thể đặt lịch qua ứng dụng. Trong tương lai cũng sẽ mở rộng thêm nhiều dịch vụ trong ứng dụng.

Các bác sĩ Bệnh viện. S.I.S Cần Thơ chẩn đoán hình ảnh từ công nghệ chụp CT đếm Photon (Photon Counting CT).

Các bác sĩ Bệnh viện. S.I.S Cần Thơ chẩn đoán hình ảnh từ công nghệ chụp CT đếm Photon (Photon Counting CT).

Dù có những khó khăn nhất định trong công tác chuyển đổi số, nhưng thành phố Cần Thơ luôn xác định các mục tiêu ưu tiên trong chuyển đổi số ngành y tế là phải xây dựng giải pháp đồng bộ nhằm giúp các cơ sở trên địa bàn cũng như ngành y tế các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội giao lưu trao đổi kinh nghiệm và được tiếp cận, trải nghiệm các sản phẩm số hóa từ doanh nghiệp trong và ngoài nước để đảm bảo ứng dụng chăm sóc sức khỏe người dân được hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.

PHƯƠNG LIÊN và PHƯƠNG BẰNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mien-tay-huong-den-nen-y-te-thong-minh-post844253.html