Miền Tây mênh mang mùa nước nổi
Miền Tây đang vào mùa nước nổi, mùa mang về sản vật dồi dào cho người dân. Năm nay nước về chậm, những cánh đồng vẫn chưa ngập nước, nhưng với người dân đây miền Tây đây vẫn là mùa họ mong đợi, còn với du khách phương xa, mùa nước nổi là thời điểm để cảm nhận nét đặc trưng về đời sống vùng sông nước giàu bản sắc văn hóa, con người hiền hậu, hào sảng và nghĩa khí…
Về vùng sông nước
Giữa tháng 9, vùng sông nước vào mùa con nước về không còn những đợt nắng gay gắt, chói chang mà rất đỗi dịu mát, khiến cho những vị khách phương xa chúng tôi phải trầm trồ bởi thời tiết trong lành và dễ chịu.
Không có vẻ đẹp hùng vĩ của núi đồi như vùng Tây bắc, hay sự hiện đại, sầm uất của các tỉnh miền Trung ven biển, hình ảnh miền Tây mênh mông những con nước đỏ ngầu, chằng chịt kênh rạch và những mái nhà lợp tôn thấp bé, yên bình bên sông nước nhẹ nhàng đi vào lòng người.
Từ Cần Thơ, đến Bạc Liêu và về An Giang, cảnh sắc, văn hóa miền Tây chan hòa, giản dị in đậm theo từng bước chân, qua từng nẻo đường con nước chảy, và khó quên nhất chính là những khuôn mặt hiền hậu, sự vui vẻ, hài hước và phong cách phóng khoáng, dân dã, ít hoa mỹ của người dân nơi đây.
Mùa nước nổi, miền Tây không nhiều hoa trái, nhưng tôm, cá lại dồi dào, rau màu tươi tốt. Những món ăn được chế biến từ chính sản vật sông nước địa phương đặc trưng vào mùa nước như cá linh, bông điên điển khiến cho những vị khách khó tính phương Bắc phải tắm tắc không ngớt lời.
Với nét đặc trưng này, mùa nước nổi còn là mùa du lịch hấp dẫn nhất của các tỉnh miền Tây nên dù những cơn mưa có rơi dày vẫn không là trở ngại đối với việc khám phá vùng đất trù phú này của nhiều du khách.
Mùa nước nổi, đến với Cần Thơ, không chỉ thăm chợ nổi, một nét văn hóa đặc trưng miền Tây du khách cần phải dừng chân Cồn Sơn cách đất liền 600m. Xuôi theo dòng nước bằng tàu trên sông Hậu Giang hiền hòa, thơ mộng để đến với Cồn Sơn khu du lịch cộng đồng của Cần Thơ chỉ có 79 hộ dân sinh sống và 19 hộ tham gia làm du lịch chính là một khoảng trời hữu tĩnh của miền Tây sông nước.
Dẫn chúng tôi tham quan Cồn Sơn, chị Út Hiền hướng dẫn viên khu Cồn Sơn dáng dấp bé nhỏ, đôi mắt to tròn, giọng nói ngọt ngào, rải bước trên con đường nhỏ, dưới cơn mưa rải rác vừa ân cần quan sát hỗ trợ khỏi khách trượt ngã, vừa bộc bạch, bấy lâu nay, khi con nước về, người dân Cồn Sơn chẳng phải đi chợ xa mà lên ghe ra rạch để bắt tôm cả, hai rau cỏ xung quanh vườn.
“Không chỉ phục vụ cho gia đình, rau màu, hoa trái, tôm cá quanh Cồn Sơn còn là nguyên liệu chính để các hộ gia đình kinh doanh homestay phục vụ khách du lịch. Đến nay, nhờ du lịch phát triển Cồn Sơn đã không còn hộ nghèo; bà con không còn phải dậy sớm bôn ba đi làm thuê, làm mướn ở thành phố mà có thể kiếm tiền ngay trên mảnh đất mình đang sinh sống”- chị Út Hiền chia sẻ.
Văn hóa miền Tây không chỉ gắn liền với sông nước mà còn có nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, di sản phi vật thể của nhân loại. Đến nay, cuộc sống với bao đổi thay, thăng trầm nhưng nét văn hóa truyền thống này vẫn bền bỉ được duy trì trong đời sống, các bài vọng cổ da diết thấm đẫm trong máu thịt mỗi người dân, vì vậy, nếu du khách có mong muốn được nghe hát không phải là điều quá khó khăn.
Về Bạc Liêu, chúng tôi đã rất đỗi ngỡ ngàng và ấn tượng với sức sống của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Đến nay, trên mảnh đất hoài cổ Bạc Liêu, bộ môn nghệ thuật này vẫn được duy trì, nuôi dưỡng trong từng thế hệ. Vì thế, khi giới thiệu về tiềm năng du lịch Bạc Liêu, cán bộ địa phương đã rất tự hào cho hay, không chỉ là vựa tôm, vựa muối mà Bạc Liêu là địa phương duy nhất có di sản nhà công tử Bạc Liêu danh tiếng; là mảnh đất sinh ra nhạc sĩ tài ba Cao Văn Lầu với tác phẩm Dạ Cổ Hoài Lang bất hủ, bài ca vua trong nghệ thuật cải lương của dân tộc.
Trong hành trình dọc dài 3 tỉnh miền Tây, dừng chân ở An Giang lại được hít thở không khí trong lành của khu Núi Cấm và hòa mình vào thiên nhiên tại khu sinh thái độc đáo bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long - rừng tràm Trà Sư xanh mướt ngập chìm trong nước, xen lẫn mênh mông bông súng, cây sen, cỏ năng, bìm bịp tươi tốt vươn mình, trổ bông…
Mùa nước nổi, như là một nhịp cầu để chạm đến đến những mạch nguồn văn hóa, những nét sinh hoạt thấm đậm sự dân dã, mộc mạc, vẻ đẹp thanh bình như lãng quyên đi sự hối hả của cuộc sống. Vì vậy, đến miền Tây mùa nước nổi bất cứ du khách nào cũng có cảm giác như được xoa dịu những lo toan thường nhật, và mang về cho mình những xúc cảm dịu nhẹ khi được đắm chìm vào hình ảnh sống động nhất về sinh hoạt, giao thương của người dân miền Tây gắn liền với những chiếc ghe độc mộc rêu phong bởi con nước; bắt gặp những đôi tay người nông dân miệt vườn rắn rỏi, hằn sâu những nhọc nhằn mưu sinh ở chợ nổi tấp nập, ngày đêm lênh đênh trên sông nước…
Đặc sản du lịch
Với nét văn hóa đặc trưng Đồng bằng sông Cửu Long, mùa nước nổi được xem là sản phẩm độc đáo để thu hút du khách đến với các địa phương. Thời gian qua Cụm liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long gồm Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Cà Mau đã lấy lợi thế này để khai thác, phát triển du lịch.
Nhờ đó, cùng với các tiềm năng, thế mạnh về du lịch chung cũng như riêng của từng địa phương, du lịch của các tỉnh miền Tây trong Cụm liên kết đã có sự tăng trưởng đầy tích cực. Theo thống kê, 6 tháng năm 2019, tổng lượt khách tham quan du lịch đến các địa phương trong Cụm liên kết khoảng 19,79 triệu lượt khách, tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2018, chiếm 74,84% trong tổng lượt khách du lịch đến Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, khách quốc tế khoảng 781 ngàn lượt, tăng 21% so với cùng kỳ, chiếm 42,66% trong tổng số khách quốc tế đến Đồng bằng sông Cửu Long. Doanh thu đạt trên 13.553 tỷ đồng, tăng 27.9% so với cùng kỳ, chiếm 82,02% trong tổng doanh thu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thực tế, so với tiềm năng, đến nay du lịch của Cụm liên kết phát triển du lịch miền Tây phát triển vẫn chưa tương xứng, vẫn còn nhiều khó khăn để là đòn bẩy kinh tế của các địa phương, song lĩnh vực mới mẻ này vẫn còn nhiều cơ hội để bứt phá nhờ sức hấp dẫn riêng biệt của miền Tây. Đặc biệt là nếu các tỉnh trong Cụm liên kết tranh thủ, huy động mọi nguồn lực tập trung khai thác các lợi thế đang sở hữu. Mặt khác, có quyết tâm xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, liên kết hợp tác, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng các khu, điểm du lịch tại địa phương, đa dạng sản phẩm du lịch.
Ngoài ra, các tỉnh cần tiếp tục triển khai và củng cố xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương đan xen với sức hấp dẫn chung của vùng; tăng cường xúc tiến, quảng bá văn hóa lịch sử, vùng đất, con người vùng Đồng bằng sông Cửu Long tới nhiều thị trường. Đồng thời, các địa phương tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong việc giới thiệu các điểm đến du lịch, các tour, tuyến và các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới cho du khách trong và ngoài nước, điển hình hợp tác xây dựng tour liên kết giữa 3 địa phương Cần Thơ – An Giang và Bạc Liêu...
Chia tay miền Tây trời lại bừng nắng, kỳ vọng, ngành du lịch giàu tiềm năng, nhưng bộn bề khó khăn, trở ngại của Đồng bằng sông Cửu Long không xa nữa sẽ hát huy được thế mạnh; kéo được nhiều khách từ các thị trường, lan tỏa vẻ đẹp sông nước, kênh rạch, các giá trị văn hóa đặc sắc, nông sản đa dạng, chất lượng của miền Tây tới nhiều du khách trong và ngoài nước.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mie-n-tay-menh-mang-mu-a-nuo-c-no-i-125497.html