Miền Tây ngày nhớ

Hai mươi năm kể từ khi về Sài Gòn đi học, tôi từng vô số lần xuôi miền Tây, trở lại quê nhà đón tết, từ xe đò, xe khách, vài năm nay là tự mình làm chủ hành trình. May thay, đường về đã có thêm nhiều cây cầu hiện đại, một đoạn cao tốc nay chẳng còn thu phí.

Mỗi lần ngang qua miền Tây, tôi đều mang cảm giác mình đang “về nhà”, không đượm bất kỳ nỗi lo âu thắc thỏm bất an nào, ngay cả khi “thân gái dặm trường” một mình ôm vô lăng xuôi vạn lý. Đơn giản, đấy là đường về quê hương xứ sở thân thương, toàn “người mình” cả.

Nơi ấy, các bác tài có thể hồn nhiên chửi thề khi bực bội khó ở, nhưng đó đơn thuần là câu cửa miệng vậy thôi. Họ hiền lành vô đối và sẵn sàng nhường đường hay hướng dẫn cho một “tài nữ” đôi lúc còn xử lý vụng về.

Ai trong chúng ta hẳn ít nhiều đều thấy rưng rưng trên chuyến xe về tết ngày cuối năm, xao xác kỷ niệm. Nơi này từng là phà Mỹ Thuận, phà Cần Thơ; chỗ dừng chân. Này quầy bánh pía, kia cây xăng có chưng mấy chậu vạn thọ quê mình… Thuở đó ai cũng khó khăn, nhưng vẫn gắng mua giúp chị bán vé số cụt cả hai tay, đeo cái giỏ bàng trên cùi trỏ, một vài tờ ủng hộ.

Lại nhớ cái tết đầu tiên của mình ở nhà chồng, mùng hai Tết tôi mới về thăm nhà. Trên xe mở những bài xuân náo nức, thi thoảng bác tài đổi dĩa, vang lên giai điệu mang hơi hướm dân ca bình dị, mộc mạc, hiền hậu của vùng sông nước. Áo mới Cà Mau hay cô bán chôm chôm chi đó, đủ để người ta “về miền tây là thấy thương em rồi”. Nỗi niềm dâu mới nhiều “tâm tư” dường như tan biến khi xe bon bon trên con đường rộng thênh quen thuộc.

 Ảnh: MINH TRƯỜNG

Ảnh: MINH TRƯỜNG

Ngang qua một cây cầu độc đạo, tôi kể bọn trẻ nghe đợt nó gặp sự cố vào ngay cận tết. Kẹt xe dai dẳng kéo dài cả ngày, mệt mỏi vô cùng. Tôi được một nhà dân bên đường nấu mì gói cho ăn, cho đi nhờ nhà vệ sinh và cung cấp cả nước uống miễn phí. Họ cương quyết từ chối tờ tiền mà tôi trả cho những ân cần ấy - “Có đáng gì đâu, giúp được ai thì giúp vậy mà”.

Sẵn đấy, tôi kể cho hai đứa con mình nghe về thời sinh viên khốn khó, từng phải thức dậy từ bốn giờ sáng về quê ăn tết. Trải qua gần một ngày dài thì tới huyện, liền vội vàng đổi qua một cái xe khác nhỏ hơn để xuống xã. Rồi từ xã, muốn tới gần nhà, sẽ phải đi đò. Đôi chân cuốc bộ là phương tiện cuối cùng để chạm ngõ nhà mình, đắm mình trong nỗi sung sướng vỡ òa.

Đó là khoảnh khắc của giữa trưa hai chín Tết, xe chúng tôi đang ngang qua Vĩnh Long, bắt gặp bên đường một ông bố với cô con gái nhỏ dưới trời gay gắt nắng. Cả hai trông lam lũ và dường như họ đang cố đón xe. Mấy ngày này, thật chẳng dễ dàng gì để tìm kiếm một chỗ ngồi tạm bợ cho một hành trình vãng lai. Một chiếc xe khách trờ tới, hai bên có vẻ thương lượng giá cả. Rồi người đàn ông lắc đầu, có chút gì như bối rối. Xe tôi lướt qua. Vài mét, hơn chục mét, rồi cả trăm mét.

Bỗng dưng tôi nghĩ ra, nếu chịu khó co kéo tí, thì mình vẫn có thể cho hai bố con họ đi nhờ được chứ. Tôi hội ý chớp nhoáng với cả nhà, rồi quyết định quay đầu lại, chấp nhận mất thêm chút thời gian lẫn sự tiện nghi của gia đình, cả việc đối mặt với làn xe đông nghẹt. Từ xa tôi đã trông thấy một chiếc bán tải vừa khẳng khái dừng lại. Một chị phụ nữ đang thò đầu ra hỏi han rồi bước xuống, kéo hai bố con nhà nọ lên xe, hẳn là cho “quá giang” đây mà…

Tôi không bực mình vì bị “hụt khách”, mà bỗng thấy trời như xanh hơn, hoa lá bên đường rực rỡ hơn, bởi người ta đối đãi với nhau sao mà đáng yêu. Các con tôi cũng vui lây, luôn miệng bảo rằng, miền Tây mình nhiều người tốt bụng ghê ha mẹ…

HOÀNG MY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mien-tay-ngay-nho-711742.html