Miền Tây ngóng mùa nước nổi
Đã bước sang tuổi 70, lão nông Phạm Út vẫn gắn bó với đồng ruộng, sông nước vùng đầu nguồn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Đã bước sang tháng 7 âm lịch, ông cứ nôn nao chờ con nước từ dòng Mê Công đổ về, vì năm nay nơi ông ở không sản xuất lúa thu đông (vụ 3), mà nông dân mở đập, xả lũ.
Điên điển trổ bông, cá linh chưa về
Con nước son mang đậm màu đỏ của phù sa đã ít nhiều phủ trên nhiều con sông ở ĐBSCL. Đúng ra mùa lũ năm nay đã bắt đầu, nhưng nước trên nhiều tuyến kinh nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười vẫn chưa nổi. “Dọc theo những bờ đất, cây điên điển đã trổ bông vàng rực nhưng cá linh chưa về” - ông Phạm Út (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) nói mà lòng như không vui.
Theo những lão nông cố cựu ở Hồng Ngự, không chỉ lũ năm 2020 con nước về muộn, mà năm 2019 cũng thế. Năm ngoái, lũ nhỏ về gói gọn tháng 9, không có thời gian ngâm lũ gần 3 tháng như nhiều năm trước. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi sẽ khó khăn hơn, đồng ruộng sẽ ít phù sa hơn.
Ông Lê Minh, người sống lâu năm ở thị xã Tân Châu (An Giang) cũng sốt ruột ngóng nước lũ về từng ngày. Vắng nước lũ có nghĩa là sinh kế đánh bắt thủy sản của người dân cũng cạn kiệt.
Ông Minh cho hay, qua các phương tiện truyền thông cũng biết ít thông tin về một số nước trên dòng Mê Công đã cảnh báo dòng nước năm 2020 thấp, đáng lo ngại. Ủy hội sông Mê Công (MRC) đang hối thúc 6 nước ven lưu vực sông giải quyết tình trạng nguồn nước thấp kỷ lục của hạ lưu dòng sông này. Mực nước trên sông chính Mê Công chảy ngược lên Biển Hồ (Tonle Sap) thấp nhất được ghi nhận từ năm 1997 trở lại đây. Theo MRC, hoạt động của các đập thủy điện trên dòng chính ở lưu vực sông Mê Công và các đập phụ ở hạ lưu con sông này là tác nhân khiến dòng chảy thấp hiện nay. “Đã đến lúc ngồi lại và cùng hành động vì lợi ích chung của toàn bộ lưu vực sông Mê Công và cư dân bị ảnh hưởng”, một vị có chức năng trong MRC kiến nghị.
Tại Trung Quốc, một số nơi đang cấp bách ứng phó với mưa lũ, khiến mực nước dâng cao trên sông Dương Tử đã gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân Trung Quốc. Song, phía dòng sông Lan Thương (thượng nguồn đổ về sông Mê Công và hạ lưu ĐBSCL), nước vẫn “nhỏ giọt” và bị chắn bởi các đập thủy điện.
Hệ lụy của tình trạng dòng chảy sông Mê Công thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hai nước Campuchia và Việt Nam. Nếu như Campuchia được cho là có thể mất nguồn thủy sản và nguồn nước tưới tiêu thì vùng trồng lúa của Việt Nam có thể bị giảm năng suất; nền nông nghiệp của hai nước Lào và Thái Lan cũng có thể bị ảnh hưởng.
Mở rộng không gian tích nước mùa mưa lũ
“Không chỉ là câu chuyện nước ngọt mà phải bàn đến phù sa. Nói đến ĐBSCL là nói đến lưu vực sông Mê Công và biển. Cần thấy rằng, gạo, cá, tôm... ĐBSCL không phải chỉ riêng của ĐBSCL! Đừng nhìn ĐBSCL như sân vườn của mình, mà phải nhìn trên vấn đề quốc tế” - Tiến sĩ Dương Văn Ni (chuyên gia Trường ĐH Cần Thơ) đặt vấn đề. Phải chăng, đó cũng là một cách để các nước trong khu vực và thế giới có phản ứng đúng chuẩn với vùng đất cung cấp nhiều lương thực, hàng hóa thủy sản cho khu vực và thế giới.
Thái Lan, Campuchia hay Lào chỉ phải đối phó với khô hạn; còn châu thổ ĐBSCL cuối nguồn sông Mê Công, nếu khô hạn xảy ra, hệ lụy kéo theo là nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Thiếu nước ngọt, không đủ lực đẩy thì nước mặn từ biển “phản đòn” lấn sâu vào nội đồng như những năm qua. Nhiều người cho rằng, nỗi lo về sự phát triển của vùng đất trù phú ĐBSCL lớn hơn người ta nghĩ.
Câu chuyện các nước thượng nguồn đua nhau xây đập thủy điện không chỉ làm suy kiệt nguồn nước, nguồn thủy sản mà còn tác động rất lớn đến “địa tầng” đã kiến thiết nên ĐBSCL trong hàng ngàn năm qua. Đó chính là nguồn “dinh dưỡng” phù sa nằm lại ở các đập thủy điện, không thể về đến đồng bằng. Tình trạng sạt lở lan rộng, xu hướng sụp lún nghiêm trọng ở bán đảo Cà Mau là những hệ lụy trước mắt. Việc mở rộng không gian tích nước ngọt mùa mưa lũ đang là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL, nhất là giảm diện tích sản xuất lúa thu đông để xả lũ lấy nước ngọt ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
“Hiện ở xã Thường Phước 1 đã bỏ sản xuất lúa thu đông. Tuy nhiên, một số vùng lân cận có đê bao khép kín, nông dân vẫn sản xuất. Nếu như nhiều diện tích đất bỏ sản xuất lúa thu đông, áp dụng xả lũ để lấy nước bồi bổ đồng ruộng sẽ hay hơn” - ông Phạm Út ở huyện Hồng Ngự mong muốn. Sạt lở, sụp lún, hoang hóa, sa mạc hóa là những hệ lụy đang diễn ra ở ĐBSCL do thiếu nguồn nước từ dòng Mê Công. Như một hẹn ước từ lâu, khi cây điên điển trổ bông, cá linh sẽ về ĐBSCL. Nay điều đó đã thay đổi!
“Điên điển đã trổ bông nhưng cá linh chưa về” - câu nói của ông Phạm Út như lời cảnh báo để vùng châu thổ ĐBSCL sẵn sàng chuẩn bị cho nhiều phương án tích nước ngọt tối đa trong mùa mưa lũ.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mien-tay-ngong-mua-nuoc-noi-680949.html