Miền Tây nước Mỹ đối mặt đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 1.000 năm
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tới từ Đại học Columbia chỉ ra rằng miền Tây nước Mỹ đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất sau hơn 1.200 năm qua.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science cho thấy các khu vực bị ảnh hưởng bao gồm 9 tiểu bang của Mỹ và một phần miền bắc Mexico. Arizona và California là 2 bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Sử dụng dữ liệu vòng tăng trưởng của cây trong hơn 1.200 năm qua, tác giả chính của nghiên cứu A. Park Williams và các cộng sự của ông khẳng định họ đủ bằng chứng để nói rằng nước Mỹ đang "ở cùng quỹ đạo với đợt hạn hán tồi tệ nhất thời tiền sử".
Ông Williams, giáo sư nghiên cứu tới từ Đại học Columbia so sánh các đợt đại hạn hán trong khu vực từ những năm 800 tới cuối những năm 1500 với hồ sơ độ ẩm đất ghi nhận trong giai đoạn từ năm 2000-2018.
Ông này phát hiện rằng khoảng thời gian 19 năm mới đây là thời kỳ khô hạn nhất ở miền Tây nước Mỹ kể từ cuối những năm 1500.
Ở khu vực này, biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng lên 1,2 độ C trong 2 thập kỷ qua. Nhiệt độ tăng khiến nước bốc hơi khỏi mặt đất nhiều hơn so với thông thường.
"Nó giống như việc quần áo và cây khô nhanh hơn nếu đặt trong nhà có nhiệt độ ấm hơn so với bên ngoài", ông Williams cho hay.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng khoảng 1/2 tốc độ cũng như mức độ nghiêm trọng của đợt hạn hán lịch sử này là do biến đổi khí hậu. Chúng là tác nhân khiến các hồ chứa trở nên cạn kiệt và cháy rừng gia tăng.
"Không thể tránh khỏi kết luận cơ bản rằng đợt hạn hán mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay chắc chắn sẽ là một trong những đợt đại hạn hán tồi tệ nhất trong hơn một thiên niên kỷ qua và biến đổi khí hậu góp phần khiến nó trở nên tồi tệ hơn", ông Williams cho hay.
Daniel Swain, một nhà khoa học khí hậu không tham gia vào nghiên cứu gọi đây là một phát hiện quan trọng vì nó cung cấp bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra đã biến đợt hạn hán vừa phải trở thành một sự kiện nghiêm trọng như hiện nay.