Miền Tây ứng phó mặn xâm nhập sớm

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025 ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cao nhất ở cuối tháng 2 - 4 và làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng ven biển.

Mặn đã xâm nhập qua các cửa sông lớn Cà Mau

Ngày 18/2, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau cho biết, từ ngày 11 - 20/2, tình hình xâm nhập mặn khu vực tỉnh Cà Mau ở mức xấp xỉ đến cao hơn cùng kỳ năm 2024 (ranh mặn 4‰).

Chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính: Phạm vi xâm nhập mặn trên sông Gành Hào khoảng 60 - 70km, trên sông Ông Đốc khoảng 60 - 65km, trên kênh xáng Chắc Băng khoảng 65 - 70km. Trong thời gian tới, độ mặn tại các điểm đo có xu hướng tăng dần và khả năng xâm nhập sâu hơn vào vùng ngọt hóa trên địa bàn tỉnh.

Mặn sẽ xâm nhập sâu qua cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nguyên Du.

Mặn sẽ xâm nhập sâu qua cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nguyên Du.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Cà Mau xác định, ưu tiên nhiệm vụ cấp nước, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt, không để xâm nhập mặn vào vùng ngọt hóa, đảm bảo nước phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó, hướng dẫn địa phương điều chỉnh lịch mùa vụ phù hợp với tình hình thực tế, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, độ mặn tăng cao.

Mùa khô 2024, hàng ngàn hộ dân ở tỉnh Cà Mau bị thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Ảnh: Nguyên Du.

Mùa khô 2024, hàng ngàn hộ dân ở tỉnh Cà Mau bị thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Ảnh: Nguyên Du.

Bạc Liêu lo ảnh hưởng nguồn nước nuôi thủy sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, nếu xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn dự báo, việc nuôi trồng thủy sản ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung trong tháng 3/2025. Ở vùng Nam Quốc lộ 1A còn chịu thêm tác động của các đợt triều cường diễn ra trong tháng 2 và 3/2025. Mực nước các đợt triều cường này dự báo vượt mức báo động III (báo động III: +2,20 m ở Trạm thủy văn Gành Hào), có nguy cơ đe dọa các ao. Đặc biệt, khoảng thời gian đó có thể gây khó khăn cho diện tích tôm nuôi sẽ bắt đầu từ giữa tháng 3 và dự báo có nguy cơ làm 2.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại.

Nhiều tuyến đường ở Bạc Liêu bị sụp xuống sông gây khó khăn trong việc đi lại trong mùa khô năm 2024. Ảnh: Nguyên Du.

Nhiều tuyến đường ở Bạc Liêu bị sụp xuống sông gây khó khăn trong việc đi lại trong mùa khô năm 2024. Ảnh: Nguyên Du.

Ông Huỳnh Minh Nhân - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Bạc Liêu cho hay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và khu vực tỉnh Bạc Liêu nói riêng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm, thấp hơn hoặc xấp xỉ năm 2023-2024 và không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Độ mặn cao nhất tại các trạm đo trong tỉnh xuất hiện khoảng trong tháng 4, sang đầu tháng 5 độ mặn có xu hướng giảm dần do mùa mưa bắt đầu. Tại trạm thủy văn Gành Hào độ mặn cao nhất khoảng 29.0-31.0‰; tại trạm thủy văn Phước Long độ mặn cao nhất khoảng 30.0-32.0‰.

Tình hình xâm nhập mặn tại Bạc Liêu ở mức xấp xỉ đến cao hơn cùng kỳ năm 2024. Ảnh: Nguyên Du.

Tình hình xâm nhập mặn tại Bạc Liêu ở mức xấp xỉ đến cao hơn cùng kỳ năm 2024. Ảnh: Nguyên Du.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu hiện đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Cổ phần Cấp nước Bạc Liêu chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố đề xuất và triển khai các biện pháp đảm bảo cung cấp nước sạch và bảo vệ môi trường. Tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng cho vụ lúa trên đất tôm. Tiến hành đóng các hệ thống cống nội đồng để ngăn mặn và giữ ngọt; theo dõi diễn biến mặn trên đồng ruộng và kênh rạch để áp dụng các biện pháp thay nước nhằm giảm mặn, phèn trong ruộng…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người dân cần kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước vào ruộng lúa. ( Ảnh: Nguyên Du)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người dân cần kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước vào ruộng lúa. ( Ảnh: Nguyên Du)

Hậu Giang có khoảng 170.000 ha nguy cơ ảnh hưởng hạn, mặn

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, tình hình xâm nhập mặn vào địa bàn tỉnh có thể xảy ra từ nhiều hướng. Cụ thể, theo thủy triều từ biển Đông, nước mặn vượt sông Hậu và kênh Đại Hải (tỉnh Sóc Trăng), uy hiếp thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành, một phần huyện Phụng Hiệp.

Ngoài ra, các kênh chính của tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bạc Liêu, nước mặn có thể ảnh hưởng đến thị xã Long Mỹ, một phần huyện Phụng Hiệp. Bên cạnh đó, từ thủy triều biển Tây, nước mặn theo sông Cái Lớn và sông Nước Trong đe dọa huyện Long Mỹ, một phần huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

Ngành chức năng kiểm tra, tu bổ hệ thống cống trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn hiệu quả. (Ảnh: Minh Thắng)

Ngành chức năng kiểm tra, tu bổ hệ thống cống trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn hiệu quả. (Ảnh: Minh Thắng)

Theo ước tính, toàn tỉnh có khoảng 170.000 ha lúa Đông xuân 2024-2025, lúa Hè thu 2025 và cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Cụ thể, vùng thượng nguồn của tỉnh bao gồm huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy có khoảng 90.000 - 110.000 ha; vùng hạ nguồn gồm huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh thì có khoảng 50.000 - 60.000 ha.

Ông Đinh Thanh Dững, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đại Phát, ở ấp 8, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang thông tin: “Là vùng thường chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm nên trong thời điểm trước, trong và sau Tết, tôi đều xem thông báo về độ mặn được cán bộ chuyên môn đi đo và gửi lên nhóm zalo của xã. Khi thấy độ mặn ở mức an toàn tôi mới thông báo cho bà con trong HTX đưa nước vào đồng ruộng cho lúa Đông xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến trổ bông.

Ngoài ra, tôi và một số thành viên trong HTX thường xuyên đi kiểm tra hệ thống cống ngăn mặn tại đầu kênh các trạm bơm nhằm đảm bảo trong tư thế sẵn sàng ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng khi có độ mặn ở mức cao. Hiện 145 ha lúa Đông xuân của bà con trong HTX đang phát triển tốt, kỳ vọng sẽ cho năng suất cao khi thu hoạch”.

Hậu Giang tiếp tục phát huy tính hiệu quả của các trạm đo mặn tự động trong mùa khô năm nay. (Ảnh: Minh Thắng)

Hậu Giang tiếp tục phát huy tính hiệu quả của các trạm đo mặn tự động trong mùa khô năm nay. (Ảnh: Minh Thắng)

Tỉnh Hậu Giang yêu cầu ngành chức năng thực hiện tốt việc theo dõi và sử dụng hiệu quả dữ liệu từ các trạm đo mặn tự động tại huyện Long Mỹ, huyện Châu Thành, thị xã Long Mỹ, thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh, từ đó thông báo sớm, chính xác và đầy đủ cho các cấp lãnh đạo, ngành chức năng và người dân. Ngoài ra, phối hợp với các địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát hộ gia đình có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt để triển khai biện pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không để người dân thiếu nước trong mùa hạn, mặn…

Nguyên Du - Minh Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mien-tay-ung-pho-man-xam-nhap-som-10300094.html