Miền thiêng trên mái ngói âm dương
Đã đội mưa, đội nắng, thậm chí cả những trận bão gió, tuyết sương hơn bốn mươi năm qua, nhưng những viên ngói âm dương ở bản vùng cao vẫn chưa hết sứ mệnh che chở cho biết bao mái ấm gia đình, cho biết bao thế hệ lớn lên dưới miền thiêng liêng ấy…
Chẳng biết nguồn gốc viên ngói âm dương từ phương nào nhưng cách nay chừng bốn mươi năm có lẻ, bà con người Nùng Dín ở Tung Chung Phố (Mường Khương) đã thấy người ta truyền cho nghề làm ngói bằng đất để lợp lên mái nhà thay vì mái cọ, mái gỗ sa mộc. Bản người Nùng Dín dưới chân núi Văng Leng lúc bấy giờ còn hoang sơ, bao quanh là núi đá, rừng cây, thác nước ào ạt, những con suối róc rách… Nhà nào cũng học làm ngói, tự tay làm ra ngói để lợp nhà cho gia đình mình, cho anh em trong dòng họ... nên hầu hết đàn ông Nùng Dín đều biết đến kỹ thuật làm ra viên ngói đất, phơi ngói mộc và làm lò để nung ngói.
Nghệ nhân Ưu tú Lù Phìn Hòa, người Nùng Dín ở thôn văn hóa Văng Leng nhớ lại ký ức được tự tay đi lấy đất, làm ngói mộc, cho đến đốt lò nung ngói ra sao… Trong ký ức tuổi thanh xuân của nghệ nhân nơi miền sơn cước là những tháng ngày được truyền dạy nghề của ông cha, khi đó là chàng thanh niên đang ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”.
“Tôi không nhớ chính xác mốc thời gian, nhưng khoảng trước năm 1979, có ông Lùng Tả Chéng, người Nùng ở thôn Lồ Sử Thàng (xã Dìn Chin) về dạy cả bản làm ngói đất âm dương. Hồi đó, hầu như đàn ông trong bản Nùng Dín ai ai cũng theo học và biết làm ngói đất” - Nghệ nhân Ưu tú Lù Phìn Hòa tâm sự.
Theo tiếng dân tộc Nùng Dín thì viên ngói đất âm dương này gọi là “chích cổm”. Để làm được ngói đất, người già đi chọn nơi có đất thịt, rồi giao nhiệm vụ cho thanh niên trẻ tuổi nhặt sạch đá. Sau đó, mọi người dùng trâu giẫm trên đất chừng 3 đến 4 buổi, rồi mới nhào đất để cho vào khuôn làm ngói.
Thật tiếc, cách đây mấy năm, ông Lù Phìn Hòa đã bỏ đi chiếc khuôn làm ngói âm dương vì nó quá cũ, cũng bởi ông và nhiều người trong bản giờ đây không còn làm ngói nữa. Theo lời mô tả của nghệ nhân Lù Phìn Hòa, khuôn làm ngói được người Nùng Dín đẽo từ gỗ thông, dùng dây cây móc làm đai. Khuôn làm ngói có hình dáng như chiếc xô tôn, đường kính khoảng 30 - 40 cm. Một khuôn như vậy, mỗi lần làm được 4 viên ngói âm dương. Sau khi thành viên ngói mộc, lựa ngày nắng, người Nùng Dín đem phơi, chờ ngói khô rồi mới đắp lò để nung.
Mặc dù không tổ chức thành nghi lễ, nhưng thường thì trước khi đốt lò một mẻ ngói âm dương, người Nùng Dín cũng mổ lợn, mổ gà để dâng cúng tổ tiên theo quan niệm làm “lý” cho “địa lợi, nhân hòa”. Thế rồi, cả bản lại cắt cử nhau đi lấy củi về nung ngói. Hồi đó, cả bản có 32 hộ người Nùng thì cả 32 hộ đều có người biết làm ngói đất nung từ việc truyền dạy cho nhau. Để nung một mẻ ngói, mọi người phải đốt lò bằng củi và thay phiên canh lò trong 4 ngày 4 đêm liên tiếp. Mỗi mẻ ngói nung được khoảng 4 vạn viên ngói. Mỗi ngôi nhà lợp hết khoảng 10 nghìn viên ngói.
Biết làm ngói từ khi mới 17 tuổi, nhưng sau năm 1979, cả bản người Nùng Dín dừng lại không làm ngói một thời gian, cho đến tận năm 1981 - 1982, ông Lù Phìn Hòa và đàn ông trong bản mới đốt lò ngói trở lại, những viên ngói từ năm đó vẫn dùng cho đến ngày nay. Sau đó, ông Lù Phìn Hòa đốt thêm được 4 - 5 lò ngói nữa, vừa để dùng, vừa để cho anh em, họ hàng, phần thì bán cho bà con người Nùng ở thôn Nấm Oọc, xã Nấm Lư. Nhưng từ năm 1995 đến nay, ông Lù Phìn Hòa không làm ngói nữa… Hiện tại, trong bản người Nùng Dín cũng không còn ai làm ngói đất âm dương.
Vậy nhưng, mái ngói âm dương ở Văng Leng vẫn được ví như nhân chứng lặng thầm, không chỉ chở che cho con người mà còn cả những vui buồn, ký ức tốt đẹp theo tháng năm của những gia đình, những cuộc đời nối tiếp các thế hệ trong ngôi nhà đó. Âm dương hài hòa cũng là mơ ước của người Việt nói chung và người Nùng Dín ở vùng cao Mường Khương nói riêng về một gia đình trên kính dưới nhường, hòa hợp, hạnh phúc. Mái ngói âm dương còn là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đất và trời mang theo niềm tin về một cuộc sống yên bình, giản dị và đậm nét truyền thống.
Thuận bước chân, chúng tôi tiếp tục bon bon trên con đường rực rỡ mùa hoa cúc quỳ ngược thượng nguồn sông Xanh, sang đất Si Ma Cai. Dọc miền biên ải, những cây hồng trút hết lá, nhường chỗ cho “chùm đèn lồng” quả khoe sắc cam đỏ… Bản làng người Nùng, người Thu Lao nằm yên bình bên vách núi, vẫn còn xen lẫn những ngôi nhà tường đất, lợp ngói âm dương đã đậm màu thời gian. Những viên ngói âm dương ở miền đất biên ải đã đi qua dãi dầu mưa nắng của biết bao đời người vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Biết bao mùa hoa đào, hoa mận nở rực nương đồi, nhưng những viên ngói tưởng chừng như vô tri, vô giác ấy, cứ lặng thầm viết nên câu chuyện của riêng mình - đời ngói.
Tôi có đọc ở đâu đó về triết lý trong kiến trúc về ngói âm dương, đó là sự kết hợp hài hòa, trong dương có âm, trong âm có dương… thể hiện sự vận động luân hồi trong dòng chảy cuộc đời, mà các bậc tiền nhân đã khéo léo đưa vào cuộc sống bằng việc tạo nên nét độc đáo trong kiến trúc nhà ở truyền thống. Mái ngói âm dương gồm hai lớp, ngói dương là lớp lợp nằm ngửa, ngói âm là ngói úp xuống ngói dương, vừa có giá trị thẩm mỹ kiến trúc độc đáo, vừa có tác dụng thông gió cho mái nhà, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Hơn thế, viên ngói âm dương của người Nùng ở Tung Chung Phố còn thể hiện tình đoàn kết, gắn bó keo sơn.
Trong những chuyến điền dã nghiên cứu về văn hóa, Tiến sỹ Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh đã hơn một lần tâm sự rằng: Trong kho tàng văn hóa dân gian của các tộc người ở Lào Cai, vẫn còn nhiều “châu báu” chưa được khai quật, đó là những giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của người vùng cao. Nghề làm ngói âm dương là một trong số đó, chỉ tiếc là giờ đây không còn ai làm ngói nữa, mặc dù tri thức và kỹ thuật làm ngói vẫn ở trong đầu của rất nhiều người Nùng Dín, người Thu Lao ở vùng cao Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai. Nếu không được khôi phục lại, chắc chắn, nhiều năm sau nữa, những giá trị văn hóa đó cứ âm thầm ra đi theo phận người.
Rời bản của người Nùng Dín, làng của người Thu Lao, đi giữa mùa xuân mới rực rỡ nắng vàng, giữa những triền hoa trạng nguyên rực đỏ, mang theo điều nuối tiếc và ước mơ lần quay trở lại sẽ tận mắt được nhìn thấy sự hiện hữu của một làng nghề truyền thống - nghề làm ngói âm dương ở nơi này. Tôi tin, ngày đó sẽ thật gần…
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364537-mien-thieng-tren-mai-ngoi-am-duong