'Miền thinh không' cất tiếng trong thơ Văn Diên
Đọc 'Về miền thinh không', độc giả sẽ cảm nhận thấy tâm hồn Văn Diên - một nhà thơ mê đắm vẻ đẹp thiên nhiên; đa cảm, nặng lòng với con người. Và có lẽ rất khó kìm nén cảm xúc khi thưởng thức những bài thơ ông viết về mẹ và quê hương.
Có gì lạ trong tập thơ Về miền thinh không của Văn Diên khiến người đọc quyến luyến?
Là một trong những độc giả đầu tiên của tập thơ này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Rất nhiều bài thơ của Văn Diên nói về quê hương. Và khi nói về quê hương hầu hết các tác giả đều gợi được cảm xúc cho người đọc. Thế nhưng, để viết những câu thơ làm ta phải quay lại nhìn thật lâu vào một cái gì đó ở làng quê ấy thì không phải dễ. Tác giả Văn Diên có những câu như thế”.
Quê hương là cõi ký ức, là nỗi khao khát trong cuộc đời mỗi người, Văn Diên cũng có những xúc cảm đó và cách anh đưa nó vào thơ vô cùng duyên dáng.
Đối với số đông người đọc, thơ ca thường là một thế giới trừu tượng, nhưng Văn Diên đưa ta vào thế giới nội tâm qua đôi mắt chân thật và dễ hiểu.
“Bao đời biển vẫn trong xanh/ Yêu anh em hóa sóng xanh bạc đầu”
Đọc thơ Văn Diên, ta dễ bị chìm trong cảm xúc về tình yêu, về thiên nhiên, mặc dù tác giả cũng thích khai thác nhiều mảng đề tài thế sự. Nhưng phải thừa nhận, anh thành công hơn cả ở thể thơ lục bát ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên.
“Đầu hè phi điệp khoe bông/ Dang tay cánh bướm tô hồng mắt ai/ Hoa như kiều nữ mắt nai/ Hoa như rót mật thiên thai ru đời”
Trong thơ anh, một chùm phi điệp, một cánh bướm, một ánh mắt cũng thấm đẫm hương vị quê hương, mở ra một không gian bao la như được quan sát từ trên cao. Dù chỉ còn trong ký ức, khung cảnh làng quê vẫn hiện lên sống động, lãng mạn. Văn Diên luôn mang trong mình một trái tim sâu nặng với quê nhà như một mối dây vô hình, không thể phá vỡ.
Cảnh quê được Văn Diên miêu tả không chỉ là cảnh quan tự nhiên yên tĩnh, tươi đẹp mà ở đó còn có bức tranh lao động của con người, mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa con người với cảnh vật. Tất cả tạo nên tổng thể lấp lánh và giàu cảm xúc.
“Nghe mẹ ốm con không về thăm được/ Nửa vòm trời đặng biết mấy cô đơn/ Có những chiều mẹ lần ra ngõ ngóng/ Nhìn lối mòn mẹ thầm nhắc tên con”
Có người nói “Tình yêu người mẹ dành cho con là nhiên liệu không bao giờ cạn”. Nó khiến người mẹ gắng gượng dù đang ở trong hoàn cảnh nào hoặc thể trạng ra sao. Ngay cả khi kiệt sức, mệt mỏi, mẹ vẫn ngóng trông con.
Tứ thơ giản dị, mộc mạc nhưng cũng đầy tính chọn lọc của Văn Diên khiến hình ảnh người mẹ trở thành một biểu tượng, bất cứ ai khi đọc đều thấy mẹ của mình ở đó. Tình yêu người mẹ dành cho con không giống điều gì khác trên đời. Tình yêu đó thay đổi cách đứa trẻ lớn lên và liên hệ với thế giới. Văn Diên có lẽ rất tự hào vì có một người mẹ như thế. Ở cuối bài Quà tặng mẹ niềm tin, anh hân hoan viết:
“Mẹ yêu quý con sẽ về thăm mẹ/ Xóm mạc xưa, bến đò nhỏ - chân đê/ Về bên mẹ con về với tuổi thơ/ Về bên mẹ là mùa xuân trở lại”
Trong bài Mưa ngâu, Văn Diên đã miêu tả rất hay về diễn biến của cơn mưa, sự rung chuyển của vạn vật bằng ánh mắt chăm chú sống. Sự thôi thúc miêu tả những cảnh quan khác nhau, những mùa thay đổi, những hiện tượng xung quanh là một phần không thể thiếu trong thơ anh.
“Phù sa gió mát mơn man/ Bồng nhau về phía mênh mang cuối trời”
Tình đời, tình thơ đi vào cuốn sách Về miền thinh không như gót sen thiếu nữ làm trái tim và tâm trí người đọc chộn rộn khôn nguôi.
Đâu chỉ giỏi miêu tả cỏ cây hoa lá, khi viết thơ tình, Văn Diên cũng thể hiện nét tài hoa rất riêng.
“Nụ hôn nào còn vương trên má/ Mái tóc thề hoang hoải xòe che/ Gió ghen sao mê mải tìm bới/ Mà hương nồng chới với vào đêm”
Để khiến một bài thơ có thể “hát” như cách Văn Diên làm, không dễ chút nào. Trong bài Dư vị ngọt ngào, Văn Diên tự tin khi sử dụng cú pháp, chủ động dùng khoảng trống trên trang viết cũng như cách ngắt dòng. Nét sáng tạo này khiến độc giả có cảm giác hứng khởi tràn ngập. Nói cách khác, thơ tình Văn Diên khơi dậy niềm đam mê trong mỗi người, thúc đẩy thế giới của họ, mở rộng tầm mắt cũng như trái tim của họ sang một cách tồn tại mới. Một bài thơ đòi hỏi cả người viết và người đọc phải sống chậm lại và thẩm thấu những tầng cảm xúc theo đúng nghĩa đen.
“Lòng người biển rộng bao la/ Nắng hè có nắng chỉ là nhỏ nhoi/ Hỡi người say nắng nhau rồi/ Nắng bao nhiêu nắng cho thôi nặng lòng”
Thơ Văn Diên chạm đến sự trọn vẹn của một con người và đó là những tuyệt tác mà chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong đó. Đón nhận và đồng cảm chẳng phải là “giải thưởng” quý giá nhất độc giả trao cho thi sĩ hay sao?
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mien-thinh-khong-cat-tieng-trong-tho-van-dien-2294985.html